Trung Quốc nợ ai, ai là chủ nợ?
Nhìn chung, nợ của Trung Quốc có thể chia thành hai loại: Nợ trong nước và nợ nước ngoài.
Trong đó, nợ trong nước của Trung Quốc (định danh bằng đồng Nhân dân tệ), bao gồm nợ doanh nghiệp, nợ gia đình và nợ Chính phủ. Nợ doanh nghiệp bao gồm các khoản vay từ khu vực tư nhân và các công ty nhà nước, trong khi nợ công Trung Quốc là nợ chính phủ và nợ của chính quyền địa phương. Nợ của hộ gia đình là nợ từ tất cả thành viên trong hộ gia đình, bao gồm nợ tiêu dùng và vay thế chấp.
Nợ nước ngoài của Trung Quốc (định danh bằng các loại tiền tệ khác) bao gồm các khoản vay từ ngân hàng nước ngoài của khu vực tư nhân, tín dụng liên quan đến thương mại cho các công ty Trung Quốc từ đối tác nước ngoài và chứng khoán nợ do các công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thế giới nợ Trung Quốc bao nhiêu?
Gần như tất cả khoản vay này đều được công bố thông tin chính thức, đến từ Chính phủ và các công ty Nhà nước Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tích cực cho vay tới các nền kinh tế mới nổi như châu Phi. Trung Quốc cũng là một chủ nợ lớn của chính phủ Mỹ, là “người” tài trợ cho thâm hụt ngân sách liên bang tại Mỹ.Tuy nhiên, nhiều khoản vay ở các quốc gia đang phát triển thường là giữa các Chính phủ, và Trung Quốc không tiết lộ chi tiết các điều khoản của những khoản vay này.
Trung Quốc cũng đang mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài bằng các khoản vay do nhà nước tài trợ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đây là một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển kết nối từ Trung Quốc đến châu Á, châu Phi và châu Âu.
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IFF) công bố vào tháng 5/2020, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước có thu nhập thấp. Thật vậy, lượng nợ tồn đọng mà Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới vay đã tăng từ 875 tỷ USD (năm 2004) lên hơn 5.5 ngàn tỷ USD tỏng năm 2019, chiếm hơn 6% GDP toàn cầu.
Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho biết lượng tiền mà Trung Quốc cho các quốc gia nước ngoài vay phần lớn đến từ các khoản vay ngân hàng và tiền trả trước về thương mại (trade advances). Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường được đưa ra trong năm 2013, ít nhất 730 tỷ USD được dành cho đầu tư nước ngoài và các hợp đồng xây dựng ở hơn 112 quốc gia, IIF cho biết.
Trung Quốc hiện nợ bao nhiêu?
IFF ước tính tổng nợ trong nước của Trung Quốc lên đến 317% GDP trong quý 1/2020, tăng từ mức 300% GDP trong quý 4/2019 – mức tăng hàng quý mạnh kỷ lục.
Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc – một viện nghiên cứu có liên kết với Chính phủ - cho biết tổng nợ của Trung Quốc ở mức 245.4% GDP tại cuối năm 2019, tăng 6.1 điểm phần trăm so với năm trước.
Nợ tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng nhanh nhất trong các phân khúc nợ, nhất là dưới dạng vay thế chấp và vay tiêu dùng. Nợ của hộ gia đình tăng lên 54.3% GDP Trung Quốc trong quý 4/2019, cao hơn mức 51.4% trong quý 4/2018, theo IIF.
Nợ nước ngoài của Trung Quốc – bao gồm nợ bằng USD – lên tới 2.05 ngàn tỷ USD tại cuối năm 2019, cao hơn so với mức 2.03 ngàn tỷ USD trong quý 4/2019, theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc.
Trung Quốc đang nợ ai?
Phần lớn các khoản nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc – một trong những nguồn phát hành nợ trong nước phổ biến nhất – được nắm giữ bởi các định chế tài chính Nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát. Trong hàng chục năm qua, chính quyền địa phương đã dựa vào các khoản vay nằm ngoài bảng cân đối kế toán thông qua các phương tiện tài trợ địa phương (LGFV).
Nhiều khoản vay trong số này không được ghi nhận và tính minh bạch về việc sử dụng vốn cũng yếu. Theo ước tính của Standard & Poor’s, những khoản nợ ẩn này nằm trong khoảng 30-40 ngàn tỷ Nhân dân tệ. Trung Quốc cũng đã phát hành 4.36 ngàn tỷ nhân dân tệ trái phiếu của chính quyền địa phương (khoảng 614 tỷ USD) trong năm 2019.
Hầu hết khoản vay này được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước như ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chính sách – vốn là các ngân hàng do Nhà nước kiểm soát và hỗ trợ cho các chính sách của Chính phủ, như phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và công ty bảo hiểm.
Thị trường trái phiếu Trung Quốc bao gồm trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, công ty tư nhân phát hành, cùng với các loại chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp và các tài sản khác. Thị trường trái phiếu Trung Quốc lớn thứ ba thế giới và thị trường này đã tăng trưởng dần dần lên hơn 13 ngàn tỷ USD. Kể từ năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận tới trái phiếu Trung Quốc thông qua các chương trình Chính phủ như Chương trình Kết nối Trái phiếu và Chương trình Nhà đầu tư Tổ chức Nước ngoài Đủ điều kiện.
Các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm quỹ quản lý tài sản, quỹ tương hỗ, quỹ đầu cơ nắm giữ 2.19 ngàn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu Trung Quốc (tương đương 308 tỷ USD) trong năm 2019, tăng từ mức 457.8 tỷ Nhân dân tệ (64.4 tỷ USD) của năm 2018. Tuy nhiên, tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường trái phiếu Trung Quóc vẫn còn khá thấp, chỉ chiếm 2%.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FILI
|