Dầu WTI bứt phá 88% trong tháng 5, chứng kiến tháng tăng mạnh kỷ lục
Các hợp đồng dầu WTI tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (29/05) khi nhà đầu tư chú ý đến những diễn biến trong mối quan hệ Mỹ với Trung Quốc, cùng với sự tiếp tục sụt giảm của số giàn khoan dầu tại Mỹ cho thấy sản lượng nội địa có thể giảm thêm, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu nhảy vọt sau khi phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng mặc dù căng thẳng leo thang, ông Trump vẫn không rút khỏi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, chia sẻ.
Thông tin về cuộc họp báo của ông Trump xuất hiện sau khi các hợp đồng dầu chốt phiên.
Theo đó, ông Trump cho biết nước Mỹ sẽ từng bước trừng phạt các quan chức Trung Quốc đối với kế hoạch áp luật an ninh mới của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông. Tuy nhiên, ông không thảo luận về việc rút khỏi thỏa thuận thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex vọt 1.78 USD (tương đương 5.3%) lên 35.49 USD/thùng, qua đó góp phần nới rộng đà leo dốc trong tháng 5 lên 88.4%, đánh dấu tháng tăng mạnh kỷ lục, dựa theo dữ liệu từ năm 1983, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn nhích 4 xu (tương đương 0.1%) lên 35.33 USD/thùng. Hợp đồng này đã vọt 39.8% trong tháng này, cũng ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/1999, và hết hạn vào cuối phiên. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 cộng 1.81 USD (tương đương 5%) lên 37.84 USD/thùng.
Giá dầu WTI tăng cao ngay sau báo cáo của Baker Hughes về số giàn khoan tại Mỹ. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 15 giàn xuống còn 222 giàn trong tuần này. Tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ cũng gỉam 17 giàn xuống còn 301 giàn, mức thấp kỷ lục.
Trong khi đó, bất chấp những lo ngại xung quanh căng thẳng Mỹ - Trung, “nhu cầu cho thấy những dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ và nhanh hơn so với hầu hết nhiều người dự đoán ở Trung Quốc cũng như ở Mỹ”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report Research, cho hay.
Dấu hiệu về nhu cầu khởi sắc khi Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt khác nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã giúp thúc đẩy đà leo dốc của dầu trong tháng 5/2020.
“Nhu cầu dần gia tăng khi sản lượng tại Mỹ tiếp tục giảm và sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) rớt mạnh trong tháng 5”, ông Flynn cho biết.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Năm (28/05) cho thấy tổng sản lượng dầu nội địa giảm 100,000 thùng/ngày xuống 11.4 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Vào ngày thứ Sáu, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 5 rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. OPEC đã bơm 24.77 triệu thùng/ngày vào thị trường trong tháng 5, giảm 5.91 triệu thùng/ngày so với mức điều chỉnh của tháng 4/2020.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 tiến 2.7% lên 1.0259 USD/gallon. Hợp đồng này đã vọt 47% trong tháng 5 – tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2017. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 cộng 4.2% lên 96.47 xu/gallon, qua đó góp phần nới rộng đà leo dốc trong tháng lên gần 32%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 tăng 1.2% lên 1.849 USD/MMBtu, nhưng vẫn giảm 5.1% trong tháng 5/2020.
An Trần
FILI
|