Dầu WTI quay đầu giảm hơn 4% khi Nga cân nhắc nới lỏng cắt giảm sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (27/05), trong đó dầu WTI sụt hơn 4%, chịu sức ép bởi thông tin cho biết Nga đang cân nhắc nới lỏng cắt giảm sản lượng trong tháng 7/2020, trong khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá dầu, MarketWatch đưa tin.
Moscow muốn bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng trong tháng 7/2020, phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã ký hồi đầu năm nay, Bloomberg đưa tin, dẫn nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex sụt 1.54 USD (tương đương 4.5%) xuống 32.81 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 1.43 USD (tương đương gần 4%) còn 34.74 USD/thùng.
“Mục tiêu tháng 7 trùng khớp với thỏa thuận OPEC+ hiện tại, vốn có mức cắt giảm sản lượng kết hợp kỷ lục là 9.7 triệu thùng/ngày”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, cho hay.
“Tuy nhiên, một số thành viên trong nhóm có thể lên tiếng ủng hộ việc mở rộng cắt giảm sau tháng 7/2020 – đặc biệt nếu thị trường rõ ràng vẫn ở tình trạng dư cung trong bối cảnh nhu cầu vi vu vào mùa hè không khả quan”, ông Fraser nhận định. “Những nhận định của Nga cho thấy những ý kiến mở rộng như vậy là không có khả năng trong lúc này, nhưng cuối cùng ngay cả những thành viên đa nghi nhất của nhóm cũng có thể thay đổi lập trường phụ thuộc vào diễn biến giá cả và các yếu tố cơ bản của thị trường”.
Nhà đầu tư cũng theo dõi đến căng thẳng đang leo thang ở Hồng Kông khi Trung Quốc xem xét áp luật an ninh mới sẽ chấm dứt quyền tự trị của khu vực này, và làm tồi tệ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm thứ Tư trong một dòng tweet ông đã nói với Quốc hội rằng Hồng Kông không còn quyền tự trị từ Trung Quốc. Tuyên bố này có thể mở đường cho Chính quyền ông Trump thu hồi đối xử đặc biệt của mình – đó là miễn thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Nhà đầu tư lo ngại sự phục hồi như dự kiến về nhu cầu năng lượng có thể bị trì hoãn nếu căng thẳng chính trị Mỹ - Trung – Hồng Kông gia tăng, và do đó gây sức ép lên giá dầu”, Manish Raj, Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, nhận định.
Dữ liệu định kỳ hàng tuần về nguồn cung dầu tại Mỹ sẽ được công bố muộn hơn 1 ngày so với bình thường trong tuần này, do nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) hôm thứ Hai (25/05). Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ công bố dữ liệu vào chiều ngày thứ Tư, còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo số liệu vào sáng ngày thứ Năm (28/05).
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 6 sụt 5.3% xuống 99.33 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 1.9% còn 97.21 xu/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 giảm 4% xuống 1.722 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|