Dòng vốn có tháo chạy khỏi Hồng Kông giữa bất ổn chính trị?
Bất ổn chính trị đang nhấn chìm Hồng Kông trong những ngày gần đây và khơi gợi những nỗi lo về tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Dù chưa có bằng chứng cho thấy nhà đầu tư, công ty lớn hay cư dân nước ngoài đang gấp rút chuyển tiền, nhưng sự xuất hiện của luật an ninh quốc gia của Trung Quốc và mối đe dọa đáp trả từ phía Mỹ đang làm dấy lên nỗi lo khôn nguôi.
Vết thương cũ chưa lành lại thì bất ổn mới lại xuất hiện. Năm 2019, Hồng Kông bị đẩy vào cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sau những đợt biến động chính trị và đầu năm 2020 là đại dịch Covid-19. Nỗi lo ở đây là luật an ninh mới của Bắc Kinh sẽ phá hủy niềm tin vào hệ thống pháp lý độc lập của Hồng Kông.
“Trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân tài và cư dân nước ngoài”, ông Kevin Lai, Chuyên gia kinh tế trưởng tại khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Daiwa Capital Markets, cho hay. “Nhiều người có thể rời đi và đương nhiên, cũng sẽ xách cặp táp tiền đi với họ”.
Đối với nhà đầu tư và giám đốc điều hành quốc tế, phần lớn sẽ phục thuộc vào những thông tin chi tiết của luật an ninh mới và luật này sẽ ảnh hưởng tới hệ thống tư pháp của Hồng Kông ra sao, và Mỹ phản ứng thế nào. Một nỗi lo khác là liệu bất ổn chính trị sẽ lại nổi lên sau nhiều tháng yên ắng.
“Nhà đầu tư rõ ràng rất lo lắng về chuyện này”, Timothy Moe, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Group, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo trực tuyến trong ngày thứ Ba (26/05). “Vấn đề chính trị vẫn đang thu hút rất nhiều sự chú ý của thị trường”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc nhiều phương án trừng phạt Trung Quốc vì đã thông qua dự luật an ninh. Các phương án đi từ hạn chế visa và đóng băng tài sản đối với các quan chức hàng đầu cho đến áp thuế đối với hàng hóa từ Hồng Kông.
Một thước đo về mức độ căng thẳng trong hệ thống tài chính Hồng Kông là dòng chảy vốn và liệu công ty và người tiết kiệm có rút tiền ra hay không.
Đây là nỗi lo sợ đã từng thể hiện rất rõ trong suốt năm 2019, khi những đợt biến động chính trị làm chao đảo cả Hồng Kông, mặc dù dòng chảy vốn vẫn còn rất ổn định. Tuần này, Ngân hàng Trung ương Hồng Kông (HKMA) cho rằng vẫn chưa phát hiện ra lượng vốn lớn rút khỏi hệ thống ngân hàng hoặc bán tháo đồng HKD.
Kiểm soát vốn
Không như Trung Quốc đại lục – nơi tài khoản vốn được kiểm soát rất chặt, Hồng Kông không giới hạn dòng vốn ra/vào. Những giai đoạn xảy ra tình trạng rút vốn diễn ra trong những thời kỳ căng thẳng trước đây như khủng hoảng tài chính toàn cầu và dịch SARS, và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Teresa Kong, Chuyên gia quản lý danh mục tại Matthews Asia ở San Francisco, cho rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách triển khai luật an ninh – một cách tiếp cận nặng tay có thể khiến dòng vốn tháo chạy.
Tại thời điểm này, vai trò nguồn vốn, pháp quyền mạnh, dễ dàng kinh doanh và lực lượng lao động có trình độ của Hồng Kông là những yếu tố quá mạnh để Trung Quốc có thể ngó lơ, bà Kong cho biết.
“Vì vậy, kịch bản cơ sở của tôi là không có dòng vốn tháo chạy khỏi Hồng Kông”, bà nói.
Ngoài ra, dòng vốn chảy vào Hồng Kông còn đến từ Trung Quốc đại lục và xu hướng này sẽ tiếp diễn nếu các công ty Trung Quốc chọn niêm yết ở Hồng Kông thay vì Mỹ.
* Ông Trump nói sẽ đưa ra động thái mới về Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 29/05
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|