Khó có khả năng bay quốc tế trở lại từ tháng 7
Dù các hãng hàng không Việt luôn trong tâm thế sẵn sàng khai thác quốc tế trở lại, với việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch bay nước ngoài vào tháng 7 là khó xảy ra.
* Doanh nghiệp nói gì về đề xuất mở lại đường bay quốc tế
* Cân nhắc mở một số đường bay quốc tế
Đầu tháng 6, Vietnam Airlines gửi phương án khai thác quốc tế dự kiến từ 1/7 tới các đại lý, phòng vé. Các điểm đến được hãng nhắm tới khai thác trở lại bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Lào và Campuchia.
Tại một tọa đàm giữa tháng 6, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, cho biết từ cách đây hơn 2 tháng, Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, chính sách thương mại... sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ cho phép.
Quá trình đàm phán để mở lại đường bay quốc tế vẫn chưa thể khởi động do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Diệp Anh.
|
Cũng theo ông Trung, hãng đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác tàu bay, quy trình phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định, yêu cầu của Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước.
Đối với các đường bay dài hơn như đi châu Âu, Mỹ, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên có thể phải đến cuối năm 2020, thậm chí đầu năm 2021 mới có thể tính đến việc mở lại.
Bamboo Airways sau đó cũng sớm công bố phương án dự kiến tương tự, với điểm đến đầu tiên là Đài Loan từ tháng 7, xa hơn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy nhiên phương án khai thác quốc tế ngay từ tháng 7 của các hãng hàng không Việt khó khả thi khi dịch Covid-19 đang tái bùng phát ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Những quốc gia 30 ngày không có ca mắc mới cũng hạn chế về số lượng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo thông báo từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tới toàn ngành hàng không có hiệu lực từ 16/6 tới 16/9, Việt Nam vẫn không cấp phép chở khách với các chuyến bay đến Việt Nam, trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ, chuyên gia, thương gia, lao động tay nghề cao hoặc những trường hợp đặc cách từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo).
Ở chiều ngược lại, ICAO thông báo các chuyến bay từ Việt Nam đi quốc tế được phép chở cả hàng hóa và hành khách. Thông báo của ICAO có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Ban chỉ đạo mới đây cũng khẳng định để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Điều này đồng nghĩa cánh cửa đưa khách quốc tế tới Việt Nam vẫn sẽ khó mở ra trước tháng 9. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng chưa sẵn sàng để mở cửa biên giới, đón các chuyến bay từ Việt Nam.
Theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), việc mở lại các đường bay quốc tế không thể là quá trình diễn ra một chiều. TS. Nam đề xuất Bộ Ngoại giao cần có vai trò kết nối đồng thuận hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia điểm đến.
Cũng theo một chuyên gia hàng không trao đổi với Zing, việc các hãng hàng không khai thác quốc tế trở lại từ tháng 7 là không khả thi khi quá trình đàm phán giữa Việt Nam và các quốc gia điểm đến tiềm năng thậm chí còn chưa thể khởi động.
Dù Chính phủ cùng các doanh nghiệp hàng không đang nỗ lực tìm cách sớm mở lại một vài đường bay quốc tế, việc đón khách nước ngoài qua đường hàng không từ tháng 7 vẫn được xem là bất khả thi.
Trước đó Thủ tướng đã giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay quốc tế tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Các điểm đến được cân nhắc là Seoul, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan và nhóm nước Đông Dương.
Ngô Minh
ZING
|