'Cò' Trung Quốc 'làm luật' ở biên giới
Nhiều tài xế lái xe chở thanh long ở các cửa khẩu tố bị các đầu nậu và cò vận tải phía bên kia biên giới làm luật để lấy tiền.
Xe chở thanh long sang Trung Quốc quay trở lại Lào Cai qua cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: CTV
|
"Giam xe" tính phí
Trong mấy ngày qua, PV nhận được nhiều phản ánh của cánh tài xế rằng khi lái xe chở thanh long đến cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) giáp với Trung Quốc thì phải giao xe ô tô của mình cho tài xế của Trung Quốc lái vào bên trong địa phận nước này. Đây là quy định của phía Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi giao cho tài xế phía Trung Quốc thì họ thiếu kỹ năng điều khiển xe đầu kéo, làm cho xe hư hỏng. Đặc biệt, khi lái xe chở hàng vào nội địa xong, các đầu nậu phía Trung Quốc không đem xe ra trả ngay mà cho xe vào các bến bãi của họ hàng chục ngày mới trả, dù cách bãi xe của phía Việt Nam chỉ 2 km.
Xe chở thanh long đang xếp hàng ở cửa khẩu Kim Thành để chở tài xế Trung Quốc lái vào nội địa giao hàng- Ảnh: CTV
|
Anh Nguyễn Văn Huy, một chủ xe kiêm lái xe ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, theo quy định phía Trung Quốc thì mình phải giao xe cho tài xế của họ. Nhưng có điều họ không trả xe ngay khi giao xong hàng, mà cứ “giam” xe ở bãi để kéo dài ngày, lấy tiền phí gửi xe. Mỗi ngày phí gửi xe từ 400.000 đến 700.000 đồng. Toàn bộ phí gửi xe thì chủ xe phải gánh chịu, chứ chủ hàng không chịu.
2 triệu đồng/xe mới được vào nội địa
“Xe tôi bị giam 7 ngày trời, 4 chiếc xe tốn cả hơn chục triệu đồng tiền bến bãi bên đó. Nhưng khi nhận xe thì xe của tôi bị mất cả cảng hông, trầy xước, không biết bắt đền ai bây giờ. Trong khi chủ hàng ở Phan Thiết không trả các khoản tiền này”, anh Huy nói.
Bên kia cầu Kim Thành là địa phận Trung Quốc. Ảnh : CTV
|
Tài xế của Việt Nam mỏi mòn chờ tài xế của Trung Quốc lái xe trả lại vì tài xế VN không được lái xe thẳng vào nội địa Trung Quốc. Ảnh: CTV
|
Cũng theo anh Nguyễn Văn Huy, việc vận chuyển thanh long là hợp đồng với chủ hàng từ Bình Thuận. Trong chi phí không hề có tiền gửi xe bến bãi, không có tiền thuê tài xế Trung Quốc điều khiển xe vào nội địa. Dù quy định của hai nước là không tốn phí gì, nhưng “Luật” (từ chỉ những người “cò” dịch vụ ở biên giới) đẻ ra đủ thứ phí. Nếu muốn xe đi vào nội địa ngay thì tốn 2 triệu đồng/xe.
“Nếu không đóng phí này thì Luật không sắp xếp chuyến cho mình. Để lâu, hàng bị hư hỏng sẽ bị chủ hàng phạt tài xế”, một tài xế phản ánh.
Xe chở trái cây Việt Nam vẫn đang tiến về cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai) để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: CTV
|
Trao đổi với PV, ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai thừa nhận có tình trạng này ở cửa khẩu Kim Thành. Ông Giang cho biết thêm, đến thời điểm này phía Trung Quốc vẫn chưa cho tài xế người Việt Nam vào nội địa Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh. Theo ông Đỗ Trường Giang, qua nhiều lần đàm phán, thậm chí đàm phán cấp tỉnh, phía Lào Cai đề nghị cho tài xế VN vào đến chợ biên giới của Trung Quốc, nhưng họ không đồng ý. Phía Trung Quốc vẫn yêu cầu xe trái cây từ phía Lào Cai, qua cửa khẩu Kim Thành phải được giao cho đội lái xe dịch vụ người Trung Quốc lái vào nội địa. “Chúng tôi đã biết những bất cập này, nhưng đây là quy định của họ. Trong khi mình phải giao hàng càng sớm càng tốt, nên đành phải chấp nhận quy định này của họ”, ông Giang nói.
|
Quế Hà
Thanh niên
|