FDI mới: Thận trọng khi 'đón sóng' vào ngành công nghệ, điện tử
Trong tháng Năm vừa qua, FDI đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,88 tỷ USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
* UNCTAD: Dòng vốn FDI toàn cầu sẽ giảm 40% năm 2020 do dịch COVID-19
* Phải 'đo thân nhiệt' và 'đeo khẩu trang' cho FDI
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH ITM Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
|
Việt Nam đang được ví như mảnh “đất lành” cho các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) vừa được Kỳ họp thứ chín, Quốc hội XIV phê chuẩn.
Trong tháng Năm vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,88 tỷ USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều ý kiến cho rằng các dự án công nghệ, kỹ thuật cao, sản xuất điện tử... nếu đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu mừng, nhưng cũng nên thận trọng và có lựa chọn khi đón làn sóng này.
Có tận dụng được FDI?
Công nghiệp điện tử không phải là ngành mới nổi tại Việt Nam. Nhiều năm qua, với hàng chục tỷ USD vốn đầu tư, đây được xem là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ cho rất nhiều ngành nghề khác, bao gồm cả điện thoại, ôtô, xe máy...
Nhiều hãng điện tử lớn hàng đầu thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn...
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, không thể phủ nhận sóng đầu tư FDI vào Việt Nam tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước có thêm đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
Nhưng phải thừa nhận thực tế, doanh nghiệp trong nước quy mô còn nhỏ, năng lực thấp... nên số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn này là rất ít. Điều này khiến cho chi phí sản xuất các sản phẩm linh kiện, điện tử của Việt Nam thường cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt từ Trung Quốc, Thái Lan...
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp FDI khi sang Việt Nam đều đã “kéo theo” nguồn cung cấp linh kiện uy tín, lâu năm của họ ở các nước khác.
Các nhà đầu tư sang Việt Nam chủ yếu để sản xuất, xuất khẩu, hưởng lợi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Do vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành điện tử Việt Nam nói riêng hầu hết chưa thể tận dụng cơ hội từ các dự án FDI vào Việt Nam, bà Bình cho hay.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho biết phát triển công nghiệp điện tử cần nhiều vốn cho công nghệ và cả nguồn lao động chất lượng cao. Khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ mang theo công nghệ sản xuất, còn lao động là người Việt thường giữ các vị trí không quan trọng trong công ty.
Bà Hương chia sẻ thêm ở Việt Nam, các chương trình đào tạo liên kết trong nhà trường chưa phù hợp và chưa đủ để tạo ra những kỹ sư giỏi. Các chương trình đào tạo vẫn mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực hành trên máy móc, hoặc nếu có cũng là những máy móc, công nghệ đời cũ, chưa cập nhật với thời đại...
Những yếu tố này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện, công nghệ tại Việt Nam vẫn tiếp tục khó cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các thông tin hỗ trợ của Chính phủ tới doanh nghiệp Việt chưa thực sự rõ ràng, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa nhận được ưu đãi, hỗ trợ.... Ngay cả với những doanh nghiệp chuyên nghiên cứu công nghệ, sản xuất thương mại, đã có bằng sáng chế cũng khó có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ như vốn...
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho hay Chính phủ có nhiều khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu công nghệ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng muốn có công nghệ cao, công nghệ mới, phải có sáng tạo, sáng chế, muốn vậy phải có nguồn vốn mồi.
“Doanh nghiệp chúng tôi có nhiều bằng sáng chế, nghiên cứu sản phẩm mới nhưng đến nay cũng chưa thể vay được vốn ưu đãi để tạo ra sản phẩm, cạnh tranh với nước ngoài. Chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế xin-cho. Nhà nước cần phải thay cơ chế này bằng chính sách cho vay ưu đãi từ nguồn quỹ phát triển khoa học cho doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đã có thành tựu trong nghiên cứu khoa học...,” ông Minh nói.
Thận trọng khi đón “sóng”
Công nghệ điện tử, hỗ trợ chưa thể phát triển, các nghiên cứu sáng tạo chưa được nâng đỡ đúng cách đang khiến cho lĩnh vực này của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn EDX, chuyển đổi sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam, cần phải đánh giá thật kỹ về tính lợi-hại.
Xét về mặt vĩ mô, nhiều dự án kéo sang Việt Nam có thể khiến số liệu về thu hút đầu tư, sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, liệu các tập đoàn, doanh nghiệp FDI mang sang Việt Nam công nghệ sản xuất thế nào, gây ô nhiễm ra sao và để lại hậu quả thế nào cho con người, đất đai, khí hậu Việt Nam sau 20-30 năm hoạt động.
Đó là chưa tính tới việc, sau nhiều năm tới, công nghệ robot phát triển, lao động tay chân sẽ giảm, vậy hàng chục nghìn, trăm nghìn thậm chí hàng triệu lao động từ các dự án FDI này sẽ thất nghiệp, họ đi đâu, về đâu. Đó là vấn đề an sinh xã hội, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, "Việt Nam có nhiều lợi thế, phát triển du lịch không khói, công nghệ thông tin, công nghệ cao, giáo dục, năng lượng sạch... Cái gì không khói, chúng ta nên khuyến khích làm. Đó là một trong những lý do tôi tham gia lĩnh vực giáo dục."
Xưởng sản xuất trục khuỷu cho xe có động cơ tại Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
|
“Chúng tôi mới ký kết hợp tác với đối tác của Anh để đưa toàn bộ chương trình giáo dục định hướng vào công nghệ thông tin, kinh doanh và khởi nghiệp từ tiểu học đến sau đại học. Ngành công nghệ thông tin sẽ là nền tảng trong tương lai của tất cả học sinh, sinh viên khi thế giới chuyển lên các giai đoạn công nghệ 4.0, 5.0.
Công nghệ và thông tin sẽ nằm trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống, bao gồm cả khởi nghiệp, kinh doanh, sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ...," Chủ tịch Tập đoàn EDX nói.
Để tiếp cận và thu hút tốt nhất vốn FDI vào Việt Nam, theo bà Trương Thị Chí Bình, Chính phủ cần có hướng tiếp cận mới, đàm phán cụ thể về chuỗi cung ứng với các công ty đa quốc gia.
Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới…
"Cần có bàn tay hữu hình của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được; kết nối các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.
Về dài hạn, cần phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng để kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng phát triển; xây dựng chính sách phát triển các ngành vật liệu, công nghệ cao," bà Bình kiến nghị thêm.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch COVID-19; trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
Theo đó, Việt Nam sẽ bàn bạc, hợp tác với nhà đầu tư để có lợi cho cả 2 phía. Song thu hút đầu tư sẽ có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Các chuyên gia nhận định rằng, với những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành và sự liên kết giữa các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư "sạch" với hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sạch và tính liên kết với doanh nghiệp nội tốt hơn./.
Đức Dũng
vietnam+
|