Vì dịch Covid-19, quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ đổ vỡ hoàn toàn?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ. Cuộc “phân ly” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng tốc.
CNBC dẫn lời nhà đầu tư David Sokulsky, CEO quỹ Concentrated Leaders Fund, nhận định căng thẳng giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc về dịch Covid-19 có thể đẩy chiến tranh thương mại leo thang nghiêm trọng.
Từ tháng trước, Mỹ, Liên minh châu Âu rồi tới Australia lần lượt kêu gọi điều tra sự thật về nguồn gốc virus corona. Các nước cho rằng Trung Quốc xử lý dịch thiếu hiệu quả, gây thiệt hại kinh tế toàn cầu nặng nề.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố “Trung Quốc” phải chịu trách nhiệm. Phản ứng lại, Trung Quốc chỉ trích các nước “chính trị hóa” dịch bệnh. Chính quyền Bắc Kinh cũng có một số động thái trả đũa Canberra như đọa đánh thuế 80% lên lúa mạch nhập khẩu từ Australia và ngừng nhập khẩu thịt từ 4 nhà máy nước này.
Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng do dịch Covid-19. Ảnh: Getty
|
Hàng loạt diễn biến dồn dập
“Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Chiến tranh thương mại sẽ lại bùng nổ, nhưng với quy mô còn lớn hơn nhiều so với hồi năm ngoái”, nhà đầu tư Sokulsky cảnh báo.
Và chỉ trong một tuần qua, có thêm hàng loạt diễn biến được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình “phân ly kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump cấm Huawei sử dụng phần cứng và phần mềm Mỹ trong sản xuất bóng bán dẫn.
Theo Nikkei Asian Review, đây được xem là biện pháp cản trở tập đoàn Trung Quốc mở rộng thị phần và cải thiện năng lực công nghệ. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng gia hạn thêm lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei và ZTE.
Tiếp đó, hãng sản xuất chip Đài Loan TSMC tuyên bố sẽ đầu tư 12 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Arizona, Mỹ. Cơ sở này sẽ sản xuất chip 5 nm hiện đại nhất thế giới. Vài tuần trước, các quan chức Washington thảo luận việc hạn chế TSMC sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc như Huawei.
Hãng sản xuất chip TSMC sẽ mở nhà máy 12 tỷ USD tại Mỹ. Ảnh: Reuters
|
Hôm 14/6, Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố “Mỹ có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc nếu muốn”. Phản ứng lại, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền Bắc Kinh sẽ trả đũa.
Global Times cho biết Trung Quốc sẽ hạn chế các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm hay Cisco, đồng thời ngừng mua máy bay từ Boeing. Nếu điều đó xảy ra, nhóm doanh nghiệp Mỹ này sẽ thiệt hại nghiêm trọng.
Boeing vẫn đang lao đao vì bê bối chất lượng máy bay 737 MAX và nhu cầu đi lại lao dốc trong dịch Covid-19. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 13,6% tổng doanh thu hãng sản xuất máy bay Mỹ năm 2018.
Câu hỏi lớn
Qualcomm chứng kiến lợi nhuận lao dốc 29% trong quý I, chủ yếu do thị trường Trung Quốc đóng băng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mở rộng (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) chiếm hơn 16% doanh thu Apple. "Táo khuyết" cũng dựa dẫm vào hệ thống sản xuất và cung ứng ở Trung Quốc.
Trong phiên giao dịch ngày 15/5 tại Phố Wall (New York, Mỹ), giá trị vốn hóa của Boeing, Apple và Qualcomm sụt giảm tổng cộng 14 tỷ USD do giới đầu tư lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa các công ty này.
Tuy nhiên, Nikkei dẫn lời chuyên gia Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định: "Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình nếu trả đũa các công ty Mỹ chỉ để cho thấy sự cứng rắn".
Theo chuyên gia Cutler, hành vi trả đũa này sẽ khiến các công ty Mỹ càng nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất cần sự hỗ trợ từ nước ngoài để phục hồi sau dịch Covid-19.
Kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì dịch Covid-19, và việc trả đũa Mỹ sẽ càng khiến nước này khó khăn. Ảnh: CNBC
|
Tất nhiên nền kinh tế Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng nặng nếu xung đột thương mại với Trung Quốc leo thang. GDP Mỹ sụt giảm 4,8% trong quý I, hơn 36 triệu người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 8 tuần qua.
Dù vậy, Nikkei dẫn lời một số nhà quan sát cho biết chủ trương chung ở Washington vẫn là đẩy nhanh phân ly kinh tế. Một số nghị sĩ kêu gọi thông qua các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như cấm vận kinh tế hay hạn chế cấp thị thực.
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm cứng rắn với Trung Quốc đến mức nào. Vấn đề còn phần nào phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thực hiện các cam kết theo thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Mỹ hay không.
Theo đó, Trung Quốc sẽ phải mua hàng tỷ USD hàng nông sản từ Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể không thực hiện được thỏa thuận này do những khó khăn từ dịch Covid-19.
An Chi
Zing.vn
|