Thứ Sáu, 15/05/2020 16:15

70% việc làm bị mất do Covid-19, thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5.800 tỉ tới 8.800 tỷ USD do đại dịch Covid-19, theo nhận định trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay (15.5).

* Nước Mỹ mất 20.5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên mức 14.7%

ADB nâng mức dự báo thiệt hại kinh tế toàn cầu do Covid-19 lên gấp đôi mức dự báo trước đó 1 tháng. Ảnh: Trần Cường

Báo cáo đánh giá về Tác động kinh tế tiềm tàng của Covid-19 do ADB phát hành cho rằng, những tổn thất về kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương có thể dao động từ 1.700 tỉ USD trong kịch bản ngăn chặn ngắn (3 tháng) lên tới 2.500 tỉ USD trong kịch bản ngăn chặn dài (6 tháng), chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm sản lượng toàn cầu.

Trung Quốc có thể bị tổn thất từ 1.100 tỉ tới 1.600 tỷ USD. Như vậy, so với đánh giá tại báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 công bố cách đây hơn 1 tháng (hôm 3.4), ADB đã nâng mức đánh giá sụt giảm kinh tế toàn cầu lên hơn gấp đôi. Báo cáo ADO ước tính thiệt hại toàn cầu do Covid-19 có thể dao động từ 2.000 tỉ tới 4.100 tỷ USD.

Theo các chuyên gia của ADB, các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng trước những tác động của đại dịch, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu. Các nỗ lực này có thể làm giảm bớt tác động về kinh tế của Covid-19 ở mức từ 30% tới 40%, kéo giảm tổn thất kinh kế toàn cầu xuống mức từ 4.100 tỉ tới 5.400 tỷ USD.

Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể khả toán - Dự án Phân tích thương mại toàn cầu, phân tích này của ADB đã bao quát 96 nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19 với hơn 4 triệu người nhiễm.

Bên cạnh các cú sốc đối với du lịch, tiêu dùng, đầu tư, cũng như các liên kết sản xuất và thương mại đã được phân tích trong báo cáo ADO 2020, báo cáo mới của AND cũng bao quát các kênh truyền dẫn, như sự gia tăng chi phí thương mại tác động tới việc di chuyển, du lịch và các ngành nghề; sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang có tác động tiêu cực tới sản lượng và đầu tư; và những chính sách ứng phó của chính phủ giúp giảm thiểu ảnh hưởng do tác động kinh tế toàn cầu của đại dịch Covid-19.

“Phân tích mới này trình bày một bức tranh tổng thể về tác động kinh tế tiềm tàng to lớn của Covid-19. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp chính sách nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại đối với các nền kinh tế. Những phát hiện này có thể cung cấp định hướng chính sách phù hợp cho các chính phủ, khi họ xây dựng và thực thi những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, cũng như giảm nhẹ tác động của đại dịch tới nền kinh tế và người dân của mình”, ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chia sẻ.

Dữ liệu Chính sách Covid-19 của ADB cung cấp thông tin chi tiết về những biện pháp kinh tế then chốt mà các quốc gia thành viên của ADB đang tiến hành trong cuộc chiến chống đại dịch.

Theo các kịch bản ngăn chặn ngắn hạn và dài hạn, báo cáo lưu ý rằng những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa mà các nền kinh tế nơi dịch bùng phát đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 nhiều khả năng khiến thương mại toàn cầu sụt giảm từ 1.700 tỉ tới 2.600 tỷ USD. Toàn cầu sẽ giảm từ 158 triệu tới 242 triệu việc làm, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 70% tổng số việc làm bị mất. Thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1.200 tỉ tới 1.800 tỷ USD.

Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 30% trong số này, tương đương từ 359 tới 559 tỷ USD.

Về khuyến nghị chính sách, ADB cho rằng, bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, bảo vệ thu nhập và việc làm là hết sức cần thiết để tránh giai đoạn phục hồi kinh tế kéo dài và khó khăn hơn. Các chính phủ cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử, logistic để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp, và phân phối các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực, để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ hơn trong tiêu dùng.

Vũ Hân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Tổng Giám đốc WTO từ chức, Tổng thống Trump nói gì? (15/05/2020)

>   Covid-19 phải chăng là ngày tận thế của ngành bán lẻ? (15/05/2020)

>   G20 cam kết tránh đưa ra các rào cản thương mại 'không cần thiết' (15/05/2020)

>   Nợ địa phương của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay (15/05/2020)

>   Đã đến lúc chúng ta cần những chuỗi cung ứng ngắn, đơn giản hơn? (15/05/2020)

>   Kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng do đại dịch COVID-19 (15/05/2020)

>   Các CEO, nhà đầu tư nói gì về thế giới sau dịch Covid-19? (15/05/2020)

>   Số người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng lên 36,5 triệu người (15/05/2020)

>   Ngành sản xuất ôtô đối mặt với 'khủng hoảng cầu' do dịch COVID-19 (15/05/2020)

>   Tổng thống Trump dọa áp thuế buộc các công ty Mỹ trở về nước (15/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật