Kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng do đại dịch COVID-19
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm 2020 do dịch bệnh COVID-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009.
Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)
|
Cơn bão dịch bệnh COVID-19 tấn công nước Nga -một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới đang đẩy nước này đối diện nhiều thách thức, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Ngay trước khi đại dịch hoành hành, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến tới chuẩn bị tất sửa đổi Hiến pháp sâu rộng, giúp ông có thể tiếp tục tại vị đến năm 2036, nhưng do dịch bệnh ông buộc phải hoãn tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn dân về sửa đổi Hiến pháp, bước đi quan trọng cuối cùng hoàn tất tiến trình này.
Nước Nga cũng buộc phải "ăn mừng" 75 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, theo truyền thống vào ngày 9/5 thông qua hình thức trực tuyến, không thể tiến hành những hoạt động kỷ niệm hoành tráng để nâng cao hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Giống như nhiều quốc gia khác, ban đầu Liên bang Nga, dù có những động thái nhanh chóng, cũng không hề nghĩ đại dịch COVID-19 sẽ tác động sâu rộng như thế, cả với Xứ sở Bạch dương cũng như với thế giới.
Tuy nhiên, giờ đây khi Liên bang Nga đã nằm trong danh sách những nước đứng đầu thế giới về số người nhiễm virus SARS-CoV-2, thì các chính trị gia, chuyên gia kinh tế Nga cũng cảm nhận được những hậu quả to lớn tác động tới kinh tế, xã hội nước này.
Lấy thủ đô Moskva, nơi có số ca nhiễm virus corona chủng mới chiếm hơn một nửa tổng số người nhiễm mới tại Liên bang Nga làm ví dụ.
Đầu tàu kinh tế của Nga đã áp đặt các quy định tự cách ly cộng đồng trong cả tháng 4 để theo kịch bản tốt đẹp, có thể dỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 5 cho người dân hưởng toàn bộ hương vị ngọt ngào của lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng (9/5). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phát triển phức tạp, Moskva đã phải kéo dài quy định cách ly đến hết tháng 5.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 2/5/2020. (Nguồn: Moscow News Agency/TTXVN)
|
Toàn bộ các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn ở Moskva đều phải đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm, thuốc, và các nhu yếu phẩm.
Được biết, doanh thu các doanh nghiệp kinh doanh ở thành phố này giảm từ 50-70%. Doanh số bán hàng qua mạng dù tăng vọt nhưng vẫn không đủ để khôi phục nhu cầu như mức trước dịch bệnh.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Nga là khu vực thiệt hại lớn nhất trong đại dịch COVID-19. Một đơn kêu cứu khỏi bị phá sản hàng loạt của các SME gửi Chính phủ Nga ngày 24/3 gồm hơn 300.000 chữ ký.
Đánh giá của Cơ quan thống kê LB Nga - Rosstat tính rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nước này chiếm khoảng 20% GDP.
Theo Viện kinh tế Gaida, doanh thu trong khu vực SME giảm từ 50-60% có thể khiến GDP của Nga giảm khoảng 10% trong quý 2/2020.
Trong một phiên họp trực tuyến mới đây của Câu lạc bộ điều phối thuộc Hiệp hội kinh tế tự do (VEO) Nga, các chuyên gia kinh tế Nga cho rằng quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ mất hơn một năm. Và chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nền kinh tế cũng như hỗ trợ thu nhập cho người dân, bởi kinh tế sẽ không tăng trưởng được nếu cầu không tăng.
Chủ tịch VEO Nga kiêm Chủ tịch Liên minh các nhà kinh tế quốc tế, ông Sergei Bodrunov lưu ý rằng trong năm 2020, kinh tế Nga phải đối mặt với "một loạt cú sốc," bên cạnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, hệ thống y tế quá tải... còn có giá dầu lao dốc do nhu cầu trên thế giới giảm mạnh.
Thành viên hội đồng quản trị VEO Nga, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Ngoại thương Nga, Andrey Klepach, còn cho rằng một năm khó có thể bù đắp cho những thiệt hại hiện nay.
Theo ông Klepach, khi bỏ cách ly, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí bổ sung và một số lĩnh vực khó có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng - ví dụ như các hãng hàng không. Cầu nhiều mặt hàng sẽ giảm vì thu nhập hộ gia đình không hồi phục nhanh chóng.
Phó Chủ tịch VEO Nga, Chủ tịch Viện kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) mang tên E.M. Primakov trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga (RAN), ông Alexander Dynkin thì đánh giá lạc quan rằng, nhìn chung Nga so với các nền kinh tế lớn khác, ít nhiều sẵn sàng hơn trong đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Điều này là nhờ vào mức nợ công tối thiểu, ngân sách cân bằng, quỹ phúc lợi quốc gia, dự trữ ngoại hối và dự trữ vàng ấn tượng. Có lẽ nhờ vậy mà trong quý đầu tiên của năm nay, tăng trưởng GDP của Nga vẫn đạt 1,8%.
Ông Dyrkin cho rằng hiện nay, điều rất cần thiết là xây dựng cầu nối tài chính cho tương lai, không vội vã sử dụng tất cả các nguồn lực, như trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, bởi vì tình hình rất khác trước. Cần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và không phá hỏng bầu không khí cạnh tranh, vốn không cao ở Nga. Các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng, ngoại trừ các ngành bị thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế.
Nga đã chuẩn chi hàng nghìn tỷ rubble để hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế, song nhiều chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Cho đến nay, Nga đã công bố các biện pháp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trị giá tới 2.000 tỷ rubble (26,9 tỷ USD).
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế của Nga tính rằng nước này có thể phải chi tới 5.000 tỷ rubble (67,3 tỷ USD), tương đương từ 5-6% GDP, để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, ngăn chặn đà suy thoái.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,9% trong tháng 2/2020, song Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina dự báo kinh tế Nga có thể giảm tới 8% trong quý 2/2020 do các nỗ lực ngăn chặn tình trang bùng phát dịch COVID-19, giảm mạnh chi tiêu cũng như hoạt động kinh doanh.
Giá dầu thấp là cú đòn mạnh nữa giáng vào nền kinh tế Nga vì xuất khẩu dầu chiếm tới 40% nguồn thu của Nga. Ngân sách Liên bang B Nga sẽ không thâm hụt nếu giá dầu thế giới ở mức 42 USD/thùng.
Tuy nhiên, do cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia và dù cuộc chiến này đã tháo ngòi nổ, song hiện giá dầu thô chuẩn Ural của Nga chỉ bằng một nửa mức giá trên.
Trong bối cảnh ngân sách sụt giảm, Nga còn phải đối mặt với các khoản chi cho xã hội gia tăng khi thất nghiệp tăng đột biến do đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trong đại dịch.
Các chuyên gia dự đoán Nga có thể đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 15% khiến 8 triệu người không có việc làm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm 2020 do dịch bệnh COVID-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009.
Với các dự án nâng cao mức sống, cải thiện xã hội, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, mới đây khi trả lời phỏng vấn đã thừa nhận Nga có thể điều chỉnh kế hoạch chi tiêu cho một loạt mục tiêu quốc gia mà Tổng thống Putin đưa ra 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động lên ngân sách.
Ông Peskov khẳng định các dự án quốc gia mà ông Putin công bố năm 2018, với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD nhằm nâng cao mức sống của người dân đến năm 2024 tập trung vào 13 lĩnh vực chủ chốt vẫn là ưu tiên của chính phủ, song sẽ phải điều chỉnh.
Một cuộc khảo sát trong tháng 4 của Trung tâm Levada cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ công việc của Tổng thống Putin giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Theo kết quả khảo sát, chỉ 59% số người được hỏi đánh giá tích cực công việc của nguyên thủ quốc gia Nga, so với tỷ lệ đánh giá tích cực 63% trong tháng 3. Và 33% số người được hỏi không tán thành với việc làm của Tổng thống.
Tỷ lệ này là mức thấp nhất trong 20 năm cầm quyền của ông Putin. Trước đây, tỷ lệ thấp nhất ghi nhận trong tháng 6/2000 và tháng 11/2013 là 61%.
Theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng COVID-19 này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Nga. Và hệ lụy của nó không chỉ tác động tới vài trò lãnh đạo của Tổng thống Putin mà còn có thể gây ra hiệu ứng lâu dài tới những cuộc phiêu lưu chính sách đối ngoại quyết đoán dài hơi của Nga từ Syria đến Libya./.
Duy Trinh
Vietnam+
|