Nước Mỹ mất 20.5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên mức 14.7%
Phần lớn nền kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 lây lan, tỷ lệ thất nghiệp cũng vì thế mà tăng rất mạnh trong tháng 4/2020.
Trong ngày thứ Sáu (08/05), Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) ghi nhận nền kinh tế Mỹ mất 20.5 triệu việc làm trong tháng 4/2020 – lần giảm lớn nhất và đột ngột nhất kể từ khi Chính phủ bắt đầu ghi nhận dữ liệu trong năm 1939.
Người người xếp hàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Hialeah, Florida. Ảnh: CNN
|
Sự mất mát của tháng 4/2020 cũng nối tiếp nỗi đau của tháng 3, khi các công ty cắt giảm 870,000 việc làm. Hai tháng qua chứng kiến tình trạng sa thải quá nghiêm trọng, tổng lượng việc làm mất đi hơn gấp đôi so với mức 8.7 triệu việc làm trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đối với nhiều người dân Mỹ đã mất việc làm và nhà ở trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thời khắc hiện tại sẽ khiến vết thương cũ đau nhói. Cần phải mất rất nhiều năm để lấy lại những gì đã mất. Tại thời điểm nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại, các công ty Mỹ tạo thêm 22.8 triệu việc làm trong 10 năm qua – một chiến thắng đối với những ai đã vượt qua cuộc Đại Suy thoái.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 gây buốt nhói tâm trí không chỉ vì cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà nó gây ra, mà còn do đại dịch đã cuốn sạch lượng việc làm có thêm trong 1 thập kỷ qua chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng.
Tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 14.7% trong tháng 4/2020, cao nhất kể từ khi BLS bắt đầu ghi nhận dữ liệu thất nghiệp hàng tháng trong năm 1948. Lần gần nhất mà Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp nghiêm trọng như thế này là cuộc Đại Suy thoái: Tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh ở mức 24.9% trong năm 1933, theo ước tính từ BLS.
Nhìn ở góc nào đi chăng nữa, đây quả thật là hai tháng có sức tàn phá khủng khiếp đối với người lao động Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp được rút ra từ một cuộc khảo sát các hộ gia đình có thể còn cao hơn cả con số từ BLS. Đó là vì một người chỉ được BLS tính là thất nghiệp khi họ không làm việc nhưng có chủ động tìm kiếm việc làm mới trong 4 tuần trước. Hoặc nếu họ bị "sa thải tạm thời" với kỳ vọng được tuyển lại trong vòng 6 tháng.
Sau đây là một vài hình ảnh về một nước Mỹ đang trong trạng thái ngưng trệ:
Anh chàng Travis Medlock, chủ của nhà hàng Litte Shop of Ramen, đứng nhìn hàng ghế trống trong nhà hàng vào ngày 29/04.
|
Nhiều chiếc xe xếp hàng dài bên ngoài những nơi tặng thực phẩm cho người gặp khó khăn vì đại dịch.
|
Vũ Hạo (Theo CNN)
FILI
|