Chứng khoán tháng 5 đi vào vùng giằng co tích lũy?
Sau tháng 4 hồi phục mạnh, các chuyên gia của công ty chứng khoán (CTCK) nhận định thị trường sẽ khó tăng mạnh trong tháng 5 và đi vào vùng giằng co, tích lũy.
Cơ hội kiếm lời trong tháng 5 sẽ khó khăn hơn và phụ thuộc vào khả năng chọn cổ phiếu. Đồ họa: Tuấn Trần
|
Thị trường giằng co tích lũy trong tháng 5?
Theo ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt (VDS) thị trường tháng 5 tới sẽ không có được mức tăng mạnh như tháng 4 trước đó. Thị trường sẽ vào giai đoạn tích lũy để chờ đợi tin tức về diễn biến dịch Covid-19 cũng như kinh tế.
Lượng tài khoản chứng khoán mở mới sẽ sụt giảm trong tháng 5, ông Hùng dự báo. Trong tháng 4, thị trường giảm mạnh kích hoạt dòng tiền mới bắt đáy cũng như đợt cách ly xã hội đã tạo điều kiện chuyển dịch dòng tiền đầu tư vào kênh chứng khoán (dễ dàng rót tiền so với các kênh khác). Sang tháng 5, giãn cách xã hội được nới lỏng cũng như thị trường vào vùng tích lũy sẽ khiến dòng tiền chuyển dịch vào các kênh đầu tư khác.
Đề cập tới “Sell in May”, ông Hùng cho rằng hiệu ứng này sẽ khó xảy ra trong tháng 5 năm nay. Sau kỳ báo cáo quý 1, giá cổ phiếu đã phản ánh khá sát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, cao điểm đại hội cổ đông của doanh nghiệp được dời về tháng 5 - 6 sẽ tạo nền thông tin hỗ trợ cho thị trường trong năm nay.
Theo nhận định của ông Trần Xuân Bách – Chuyên viên phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS), thị trường sẽ đi sideway trong vùng 780 – 820 điểm vào đầu tháng 5.
Giai đoạn này, đà phục hồi của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã chững lại, dòng tiền đã dần chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến của thị trường. Nếu nhóm vốn hóa lớn tiếp tục tích lũy và dẫn dắt thị trường vượt qua kháng cự 820 điểm thì xu hướng tăng sẽ được xác lập. Trong trường hợp, chỉ số vẫn đi side way, dòng tiền phân hóa chuyển dịch vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thì thị trường sẽ suy yếu dần và lùi về vùng hỗ trợ là 680 - 762 điểm.
Vẫn còn nhiều rủi ro với thị trường
Ông Bách nhận xét rằng vẫn còn rủi ro hiện hữu với thị trường. Sau giai đoạn hồi phục nhờ tâm lý nhà đầu tư ổn định lại trong tháng 4, thị trường đi vào vùng giằng co, phân hóa khó chịu trong tháng 4. Diễn biến cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ. Mặt khác, kết quả kinh doanh quý 1 tiêu cực cũng như các kế hoạch kinh doanh năm 2020 được điều chỉnh giảm sẽ tác động không tốt tới giá cổ phiếu.
KHÓA HỌC ONLINE
Chứng khoán Cơ bản
- Khai giảng: 25/5/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
Vị chuyên gia dự báo các chỉ tiêu vĩ mô quý 2 cũng sẽ thể hiện rõ hơn tác động tiêu cực của dịch Covid-19 dẫn đến nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Về câu chuyện khối ngoại, khối ngoại này liên tục trước diễn biến bất ổn của thị trường toàn cầu, các quỹ tương hỗ, ETF rút vốn để chuyển vào các tài sản an toàn hơn là xu hướng chung. Ở thị trường Việt Nam, đà bán ròng chủ yếu là do các quỹ này. Trong ngắn hạn, nếu dịch được kiểm soát tốt và kết thúc thì dòng vốn ngắn hạn (vào nhanh ra nhanh) sẽ quay trở lại. Với triển vọng kinh tế dài hạn tăng trưởng ổn định của Việt Nam, ông Bách kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ nhanh trở lại. Nhưng nếu khối ngoại còn tiếp tục bán ròng, tâm lý dòng tiền nội đã đỡ và dẫn dắt thị trường đi lên thời gian qua sẽ bị tác động dẫn tới các nhịp bán chốt lời ở ngưỡng kháng cự. Rủi ro thị trường đi xuống sẽ gia tăng.
Về phần mình, ông Hùng đánh giá rủi ro vẫn còn nhiều. Lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn hiện hữu dẫn tới các hoạt động thương mại tiếp tục bị trì hoãn.
Nếu dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, giãn cách xã hội kéo dài sẽ làm chuỗi sản xuất bị gián đoạn dẫn tới đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp bị tác động tiêu cực. Kết quả là kết quả hoạt động của doanh nghiệp tiêu cực. Mặt khác, mức tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu toàn nền kinh tế.
Về việc khối ngoại bán ròng, ông Hùng nhận xét dòng tiền ngoại đảo chiều hay không phải đánh giá câu chuyện tổng thể của thế giới.
Cần chọn lọc kỹ lưỡng cổ phiếu
Ông Hùng nhận định cơ hội kiếm lời trong tháng 5 vẫn còn nhưng sẽ khó khăn hơn so với trước đó. Nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh năm 2020 -2021 khả quan. Chú ý vào yếu tố dòng tiền, tiền mặt cũng như khả năng duy trì hoạt động và kiểm soát nợ vay của các doanh nghiệp này. Nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, loại nhuận giai đoạn 2020 - 2021 ổn định, doanh nghiệp hưởng lợi từ giá dầu giảm hay chính sách đầu tư công sẽ có triển vọng giá cổ phiếu tích cực.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp còn lại cần thời gian để hồi phục với dự báo kết quả kinh doanh rõ ràng hơn.
Ông Bách khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân ở vùng kháng cự mạnh có áp lực bán tương đối cao. Không nên mua vào ở vùng giá cao và chỉ thực hiện mua khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ. Chiến lược đầu tư phụ thuộc vào khả năng lựa chọn cổ phiếu, chú trọng nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch, được hưởng lợi (phân bón, dược, hàng tiêu dùng) hoặc phục hồi nhanh sau dịch (công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, bán lẻ, chứng khoán). Bên cạnh đó, nhóm ngành hưởng lợi từ gia tăng đầu tư công cũng đáng để xem xét.
Chí Kiên
FILI
|