Yuanta: Giá dầu giảm có lợi cho việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Việt Nam
Theo báo cáo chuyên đề mới công bố của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) việc giảm giá dầu sẽ có tác động tiêu cực tới GDP, nhưng không nhiều trong ngắn và trung hạn. Thay vào đó sẽ có lợi nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.
Hai kịch bản cho giá dầu
Trong báo cáo, 2 kịch bản giá dầu được Yuanta đưa ra.
Ở kịch bản 1, các quốc gia ngừng hút dầu hoặc nền kinh tế toàn cầu hoạt động trở lại vào cuối quý 2 Giá dầu Brent cân bằng và tạo đáy tại vùng 16.04 - 16.37 USD/thùng. Sau đó, giá dầu Brent có thể tăng về mức 49.65 USD/thùng. Chỉ số Baltic (mức phí cước vận tải biển thế giới) đã giảm về đáy của giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Nếu các nền kinh tế lớn dần hoạt động sản xuất trở lại vào cuối quý 2 thì nhu cầu dầu có thể sẽ hồi phục trở lại trong quý 3. Xét trên mô hình giá, Yuanta kỳ vọng giá dầu Brent sẽ kết thúc chu kỳ giảm từ năm 2014 tại vùng giá 16.04 - 16.37 USD/thùng.
Với kịch bản 2, các quốc gia tiếp tục duy trì sản xuất dầu nhằm giữ thị phần Giá dầu Brent có thể tiếp tục giảm thêm 50% so với giá trị hiện tại ngày 24/04/2020, tức là giá dầu Brent có thể sẽ giảm về vùng giá 9 – 10 USD/thùng.
Yuanta nghiêng nhiều hơn ở kịch bản 1 có thể xảy ra.
Kiềm chế lạm phát dễ hơn khi giá dầu giảm
Từ năm 2009 tới nay tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể, từ mức 13% giai đoạn 2009-2014 xuống còn 4.7% giai đoạn 2015-2019. Dự toán năm 2020, thu ngân sách từ dầu thô ở mức 35.2 ngàn tỷ đồng, chiếm 2.3%. Theo số liệu từ bộ tài chính quý 1/2020 thu ngân sách từ dầu thô đạt 14.6 ngàn tỷ đồng, đạt 41.4% dự toán. Do đó, Yuanta cho rằng việc giá dầu giảm sẽ có ảnh hưởng không quá lớn đối với số thu ngân sách của Chính phủ từ dầu thô trong năm 2020.
Xuất nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong quý 1/2020. Nguồn: Yuanta VN
|
Ngược lại, việc giá dầu thô giảm sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn. Yuanta nhận xét, mặc dù nước ta cũng có hoạt động khai thác dầu thô, tuy nhiên hàng năm lượng dầu nhập khẩu vẫn cao hơn so với xuất khẩu. Riêng 3 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô ước đạt 1.2 triệu tấn trong khi lượng nhập khẩu đạt 1.85 triệu tấn. Giá dầu giảm sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu qua đó cũng sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể.
Quan trọng hơn hết, việc giảm giá dầu sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước giúp giảm giá thành sản xuất, giá cả hàng hóa có cơ hội giảm giúp kích thích tiêu dùng trong nước.
Giá xăng dầu giảm cũng sẽ giúp cho việc kiềm chế lạm phát trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh chính phủ sử dụng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại ngành giao thông chiếm khoảng 9.4% trong tỷ trọng CPI, giá dầu giảm sẽ trực tiếp làm giảm CPI của ngành giao thông và ít nhiều sẽ gián tiếp giảm CPI của các ngành khác. Có thể thấy rõ tác động này trong tháng 3 vừa qua, khi giá thịt lợn vẫn duy trì mức cao, giá lương thực thực phẩm khiến CPI ngành Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng hơn 10%, thay vào đó giá dầu liên tục giảm trong tháng 3 (-2.6%) đã giúp CPI tháng 3 chỉ tăng mức 2.95%.
Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng khoảng 6.3% GDP, trong đó dầu khí chiếm phần lớn. Trong quý 1 vừa qua tăng trưởng GDP ngành Khai khoáng ở mức -1.03% so với cùng kỳ Q1/2019. Với việc giá dầu tiếp tục giảm sâu khiến cho việc khai tác dầu tại Việt Nam khó có lãi và các doanh nghiệp khai thác dầu có thể sẽ giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới nếu giá dầu vẫn ở mức như hiện nay. Yuanta cho rằng tăng trưởng GDP ngành khai khoáng tiếp tục ở mức âm trong 3 quý còn lại. Điều này sẽ phần nào làm giảm GDP cả nước trong năm 2020.
Tựu trung lại, Yuanta đánh giá việc giảm giá dầu sẽ có tác động tiêu cực tới GDP, nhưng không nhiều trong ngắn và trung hạn. Thay vào đó sẽ có lợi nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.
Đông Tư
FILI
|