Góc nhìn 29/04: Rung lắc trước kỳ nghỉ lễ 4 ngày?
Thị trường giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó. Công ty Chứng khoán (CTCK) SHS cho rằng điều này thể hiện việc nhà đầu tư có phần chán nản với diễn biến thị trường hiện tại và đa phần có lẽ đang đứng ngoài quan sát trong bối cảnh chỉ còn một phiên nữa là đến kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
Rung lắc trước kỳ nghỉ lễ 4 ngày
CTCP Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó, thể hiện việc nhà đầu tư có phần chán nản với diễn biến thị trường hiện tại và đa phần có lẽ đang đứng ngoài quan sát trong bối cảnh chỉ còn một phiên nữa là đến kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Áp lực bán của nhà đầu tư vẫn có phần áp đảo lực mua ngay khi chỉ số xanh đầu phiên đã khiến thị trường điều chỉnh trở lại ngay sau đó. Khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng với khoảng 410 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 khi tăng trong phiên 28/4, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống thành 21.74 điểm trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ sắp đến, cho thấy nhà đầu tư vẫn tiêu cực về xu hướng thị trường.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 29/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 755-790 điểm (MA20-50) trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ. Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780-790 điểm. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 755 điểm (MA20) để bắt đáy một phần tỷ trọng.
Chú ý vùng hỗ trợ 750-760
CTCK Asean (Aseansc): Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index đã thất bại khi vượt cố gắng vượt lên trên 2 đường trung bình động ngắn hạn là MA5 và MA14, là tín hiệu khá tiêu cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 750-760 điểm, bao gồm MA20, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 730-740 điểm.
Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng phục hồi trở lại thì vùng 770-780 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
CTCK này cho rằng nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục suy yếu thì khả năng chỉ số VN-Index sẽ phải kiểm tra vùng hỗ trợ gần 750-760 điểm, bao gồm MA20, trong phiên tới, và nếu vùng hỗ trợ này bị phá vỡ thì khả năng VN-Index có thể sẽ quay lại xu hướng giảm trong ngắn hạn. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 70% cash/ 30% stocks.
Tạm thời đứng ngoài quan sát
CTCK Bảo Việt (BVS): VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 761-765 điểm trong phiên kế tiếp 29/4. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong phiên kế tiếp. Thêm vào đó, BVS cũng lưu ý rằng, thị trường có thể biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 do các quỹ benchmark theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 2/2020 trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát thêm các tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Duy Na
FILI
|