Thứ Năm, 13/02/2020 08:39

Nông dân, doanh nghiệp 'bắn tin' không muốn giải cứu ?

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cũng bất ngờ trước thông tin nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản “bắn tin” không cần giải cứu thanh long, dưa hấu nữa tại hội nghị mới đây do Bộ tổ chức.

* Nhờ đâu siêu thị bán được 1.200 tấn thanh long, dưa hấu chỉ trong 1 tuần?

* Công ty Trung Quốc đặt mua 500 container thanh long 50.000 đồng/kg, nay hủy hoặc chỉ trả 5.000 đồng

Nông dân, doanh nghiệp ‘bắn tin’ không muốn giải cứu ?
Thanh long rớt giá, ùn ứ ở Long An. Ảnh: Công Hân

Không bán được qua Trung Quốc mới bán trong nước

Không loại trừ trường hợp những ngày tới xe chở nông sản lại ùn ùn về biên mậu vì có thông tin Trung Quốc sẽ sớm mở các cửa khẩu, chợ biên giới. Tìm hiểu thông tin từ địa phương, chúng tôi cũng nghe được rằng các thương lái tiếp tục gom hàng để chở về biên giới, vì họ nói rằng tình hình Trung Quốc rất khó khăn, sẽ phải cho nhập sớm lại các nhu yếu phẩm này. Lãnh đạo Bộ đã giao Cục Xuất nhập khẩu luôn cập nhật tình hình từ phía bạn để có thông qua các địa phương sẽ cảnh báo, thông báo cho các DN ở địa bàn không vội đem hàng về khu vực biên giới, tránh tập trung đông người, lại không có điều kiện bảo quản hàng tốt nhất.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đông nói rằng ông khá bất ngờ trước tình trạng “lệch pha” giải cứu, không “khớp” giữa yêu cầu giải cứu từ địa phương với thực tế mà các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phản ánh.

“Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, tôi đã trực tiếp trao đổi lại với các DN bán lẻ, siêu thị lẫn các sở công thương địa phương để tìm hiểu thêm thực tế này. Sở dĩ các nhà cung cấp dưa hấu, thanh long nói không cần “giải cứu” nữa là do họ muốn các siêu thị mua với giá cao hơn, và nhất là họ nghe phong thanh rằng Trung Quốc sắp mở cửa khẩu trở lại, trái cây sẽ được trả giá cao”, ông Đông nhận định.

Nông sản tập kết về các cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Ngọc Thắng

Điều này trùng khớp với những gì mà ông Nguyễn Minh Phương, Hội trưởng Hội DN thanh long ruột đỏ tỉnh Long An và cũng là một DN xuất khẩu nông sản, chia sẻ. “Đúng là nông dân và DN xuất khẩu cũng đang chờ đợi bán thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc vì được giá cao hơn là bán trong nước khi các siêu thị lớn thu mua”.

Theo ông Phương, có nhiều hợp đồng xuất khẩu tiểu ngạch đã ký trước tết với giá cao hơn 30% so với giá bán trong nước hiện nay. Do vậy, ngoài việc chở hàng lên biên giới cho các hợp đồng đã ký thì các vựa thu mua cũng chở thêm một phần để chấp nhận bán trôi nổi ở chợ biên giới dù chưa có bạn hàng. “Cho nên theo tôi, thực tế thì lúc này, thanh long hay dưa hấu chưa cấp bách đến mức phải giải cứu dù khó khăn là có thật, như với DN tôi cũng đang “tồn” khoảng 10.000 tấn, gồm một nửa đã lên biên giới và một nửa còn trong kho lạnh”, ông Phương cho hay. “Nếu không bán được qua Trung Quốc, DN mới tính đến bán trong nước. Đó là thực tế”, ông Phương nói.

Ông Lê Vũ, chủ một DN thu mua thanh long ở Bình Thuận, cho biết có gần một nửa số hàng của ông đang ở cửa khẩu Lào Cai là “hàng đã có đặt cọc, nhận tiền rồi”. Cho nên DN cũng không quá vội vã hay mặn mà với “giải cứu”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, cách đây 3 ngày, chúng ta đã hy vọng Trung Quốc “mở cửa” thông quan nông sản, tuy nhiên điều đó chưa xảy ra. Thông tin này có thể khiến thương lái, DN nghe ngóng và chờ đợi giao thương biên giới sớm trở lại và chuẩn bị đưa hàng lên cửa khẩu. Ông Hải lưu ý rằng, trong thông báo kết nối cung cầu của Bộ Công thương, cơ quan này cũng khuyến nghị các DN liên hệ với “chủ hàng” - tức là rất nhiều lô hàng đã đặt cọc, ký hợp đồng với thương nhân nước bạn chứ không hẳn là nông sản ế nữa.

Người dân mua dưa hấu “giải cứu” ở siêu thị. Ảnh: Khả Hòa

Vẫn ngóng để xuất khẩu tiểu ngạch

Thực tế thì lúc này, thanh long hay dưa hấu chưa cấp bách đến mức phải giải cứu dù khó khăn là có thật

Ông Nguyễn Minh Phương, Hội trưởng Hội DN thanh long ruột đỏ tỉnh Long An

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thực tế tại Lạng Sơn những ngày qua cho thấy, ngoài việc một số lượng lớn là hàng không muốn đi theo đường chính thức mà chờ để giao theo phương thức trao đổi tại chợ biên giới thì cũng có nhiều lô hàng dù muốn cũng không đạt tiêu chuẩn để đi theo đường chính ngạch. “Chính ngạch thì đòi hỏi chất lượng cao hơn, đóng gói có quy chuẩn đàng hoàng. Tức là không dễ tính như hàng đi đường chợ; trong khi người nông dân vẫn sản xuất theo tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính”, ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Minh Phương thừa nhận, nông sản cần “giải cứu” cũng một phần do lỗi từ người nông dân và DN xuất khẩu. “Có tâm lý là người nông dân và DN vẫn không đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất hàng chính ngạch. Nông dân làm tự phát quen rồi nên để thay đổi, cần vai trò của các cấp chính quyền địa phương làm trung gian, và DN lớn đứng ra hỗ trợ nữa”, ông Phương bày tỏ. Ông Lê Vũ kể, ông từng khuyên “hàng xóm” của ông nên trồng theo tiêu chuẩn cao như VietGAP, nhưng nhiều nông dân không mặn mà. “Họ nói trồng vậy phiền lắm, chi phí cao hơn mà thậm chí có khi thương lái lại “chê đắt” bởi trồng như lâu nay vẫn bán được cho thương lái cơ mà”, ông Vũ thở dài.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc thông quan ở cửa khẩu quốc tế vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 200 container hàng nông sản chờ thông quan ở các cửa khẩu của Lạng Sơn và Lào Cai. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), tính đến đầu tuần này đã xuất khẩu được 31 xe container (trong đó 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn; và linh kiện điện tử) nhưng hiện vẫn còn tồn trên 100 xe hàng trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử. Tại Lào Cai, xuất khẩu chính ngạch cũng bắt đầu được khai thông với hơn 10 xe thanh long, chuối, mít, dưa hấu đã giao được hàng. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn khoảng 100 xe trái cây, trong đó nhiều nhất là thanh long và chuối, mít và dưa hấu.

Chất lượng hàng “giải cứu” bị chê

Tại TP.HCM, từ tuần trước, các siêu thị đã đồng loạt lên chương trình “giải cứu” trái cây xuất khẩu qua Trung Quốc nhưng bị tắc lại do dịch Covid-19. Siêu thị Co.op Mart, BigC, VinMart... đều có các chương trình chung tay cùng bà con nông dân, mua và bán giảm giá thấp nhất có thể. Không chỉ nhà phân phối, nhiều DN, cá nhân đồng loạt mua dưa hấu hỗ trợ nhà nông trong mấy ngày qua. Ngày 11.2, Tập đoàn TTC và Hội Doanh nhân Trẻ VN đã mua “giải cứu” cho nông dân Gia Lai 20 tấn dưa hấu. Dự kiến trong tuần này, 20 tấn thanh long từ Bình Thuận cũng được Tập đoàn TTC mua hỗ trợ. Cùng ngày, 28 tấn dưa hấu từ Gia Lai cũng được Hội Doanh nhân Trẻ Thừa Thiên-Huế đưa về tiêu thụ tại Huế chỉ trong buổi sáng. Chuỗi siêu thị điện máy Thiên Hòa cũng “giải cứu” hàng chục tấn dưa hấu từ Gia Lai chở về TP.HCM phát tặng nhân viên và khách hàng của siêu thị.

Trong hai ngày 11 - 12.2 tại TP.HCM, trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Lạc Long Quân (Q.11), Bắc Hải (Q.11), Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) đều có những cuộc “giải cứu” trái cây, chủ yếu là dưa hấu, thời gian bán khá nhanh, gọn vì hàng vừa bán vừa cho. Một người đàn ông ở Q.5 đã mua 3 tấn dưa hấu chỉ để phát từ thiện. Thanh long ruột đỏ đổ bán trên đường Bắc Hải giá 10.000 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ hàng “giải cứu” bán với giá 6.000 đồng/kg hoặc phát cho không người đi đường như trên đường Lạc Long Quân, Hoàng Văn Thụ. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM cũng như một số địa phương sau khi mua được trái cây “giải cứu” về dùng có nhận xét dưa hấu nhạt thếch, bở, úng; thanh long nhũn, không tươi. Bà Thái, tiểu thương chuyên bán trái cây tại chợ Phú Nhuận (TP.HCM), nói thẳng trái cây “giải cứu” thường loại cũ, chất lượng không bằng hàng tuyển bán vào siêu thị. Bà Thái cho rằng, người mua cần phân biệt loại trái cây “giải cứu” vì xuất lên biên giới không được sẽ khác rất nhiều trái cây được “giải cứu” tươi ngay tại rẫy chở thẳng đến tay người tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại, những ngày qua, rất nhiều bà nội trợ đã lên tiếng than phiền về chất lượng “hàng giải cứu” không được như mong muốn dù họ khi mua vẫn vui vẻ cho dù giá không hề rẻ. Những từ như “dưa nhạt thếch, xanh vỏ mà chẳng đỏ lòng” đã xuất hiện rất nhiều trên các diễn đàn kêu gọi chung tay “giải cứu” nông sản để ủng hộ người nông dân. Tại buổi kết nối cung cầu do Bộ Công thương tổ chức, đại diện các siêu thị lớn cho biết sẵn sàng tham gia với trách nhiệm cùng cộng đồng song cũng không quên cảnh báo rằng: Không phải hàng kém chất lượng thì đưa vào nhờ hỗ trợ tiêu thụ, còn hàng ngon hơn thì để thương lái thu mua xuất khẩu, bởi điều này dẫn đến hệ quả là dần dần người tiêu dùng sẽ “quay lưng”.

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá heo hơi ngày 12/2: Giảm sốc nhiều nơi trước nguy cơ tái dịch tả (12/02/2020)

>   Giữa mùa dịch corona, bia giảm giá vẫn ế hàng (12/02/2020)

>   Địa phương lo ế nông sản, siêu thị kêu không đủ bán (12/02/2020)

>   Giá heo hơi ngày 11/2: Miền Bắc đồng loạt giảm mạnh (11/02/2020)

>   Tôm Việt 'nằm chờ' Trung Quốc (11/02/2020)

>   Nhờ đâu siêu thị bán được 1.200 tấn thanh long, dưa hấu chỉ trong 1 tuần? (10/02/2020)

>   500 xe trái cây nằm chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn (10/02/2020)

>   Tầm nhìn của con tôm (10/02/2020)

>   Thông quan hàng hóa có kiểm soát tại cửa khẩu Lào Cai (09/02/2020)

>   Hàng nghìn hécta lúa nguy cơ mất trắng vì hạn mặn (08/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật