Thứ Tư, 12/02/2020 08:18

Địa phương lo ế nông sản, siêu thị kêu không đủ bán

Trong khi hầu hết các địa phương lo ngại tình trạng nông sản sẽ cần “giải cứu” thì các siêu thị lớn bất ngờ cho hay lượng hàng nhập về không đủ để bán ra, nhất là dưa hấu, thanh long.

Địa phương lo ế nông sản, siêu thị kêu không đủ bán
Nông sản xếp hàng chờ qua cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Thực trạng trớ trêu này được đại diện các nhà bán lẻ phản ánh tại cuộc họp bàn biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCoV do Bộ Công thương tổ chức chiều 11.2.

“Không cần giải cứu dưa hấu, thanh long nữa”?

Tại cuộc họp, bà Hải Vân, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc của chuỗi siêu thị BigC và siêu thị Go, cho biết trong một tuần qua, mỗi ngày hai hệ thống này tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long.

“Trong đó với thanh long, chúng tôi bán nhiều hơn số lượng các nhà cung cấp giao được. Có siêu thị riêng buổi sáng đã bán 15 tấn thanh long, hàng chuyển về không kịp. Và hôm nay chúng tôi vừa được báo tin tỉnh Tiền Giang nói không cần phải giải cứu thanh long nữa”, bà Vân thông tin trước sự có mặt của lãnh đạo Sở Công thương Tiền Giang đồng thời khẳng định có thể xuống tận nơi để lấy hàng.

Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua miền Bắc của hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, cũng khẳng định doanh nghiệp vừa nhận được thông tin không cần giải cứu dưa hấu và thanh long nữa.

Bà kiến nghị các sở công thương trao đổi cùng thương lái và nông dân để nắm tình hình và phản hồi cho doanh nghiệp. Cùng chung tình cảnh, bà Kim Dung, Giám đốc siêu thị Sài Gòn Co.op tại Hà Nội, phản ánh “thông tin không cần giải cứu nữa” đã có từ 3 ngày nay và siêu thị bà quản lý bị gián đoạn nguồn cung thanh long 2 ngày. “Chúng tôi mới được cấp trở lại vào hôm qua”, bà Dung cho hay và kiến nghị tỉnh Bình Thuận cung cấp nguồn hàng, số liệu để chuỗi siêu thị này hỗ trợ tốt nhất, tránh chuyện nông sản bị ách tắc.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện Vinmart và Vinmart+, cho hay từ ngày 5.2 đến nay hệ thống đã tiêu thụ 240 tấn dưa hấu nhưng có thể bán nhiều hơn nữa. “Thế nhưng khi các tỉnh yêu cầu hỗ trợ thì báo sản lượng lớn song khi chúng tôi liên lạc với nông dân để xuống mua thì hàng rất nhỏ giọt”, bà Thủy phản ánh và dẫn chứng về trường hợp của tỉnh Gia Lai chỉ có thể giao tối đa 60 tấn/tuần.

Theo vị này, Vinmart và Vinmart+ có thể tiêu thụ 300 tấn dưa/tuần nhưng các địa phương không đủ hàng mà giao. Do vậy bà Thủy kiến nghị các tỉnh “có trái gì, giá bao nhiêu, thu hoạch lúc nào” thì cần cụ thể để siêu thị có kế hoạch, tránh tình trạng khi doanh nghiệp xuống thu mua thì không đủ sản lượng và nông dân lại báo giá khác.

Còn nhiều nông sản "xếp hàng" chờ giải cứu

Điều đáng nói là cũng tại cuộc họp này, trước đó ít phút, hàng loạt lãnh đạo sở công thương đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng ùn ứ nông sản sẽ còn kéo dài. Ông Hà Lê Thanh Trung, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho biết các doanh nghiệp tại địa phương đang phải lưu kho gần 7.700 tấn thanh long. Trong khi tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3 tới sẽ tăng thêm 96.000 tấn.

Ông Trung mong muốn Bộ Công thương tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là sang Myanmar và Campuchia. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp lưu kho và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết do sản lượng thanh long của tỉnh không lớn nên đã tiêu thụ nội địa tốt, không cần giải cứu. “Có điều mặt hàng chủ lực của tỉnh là xoài với sản lượng 90.000 tấn, vốn bán cho Trung Quốc là chính sẽ vào vụ thu hoạch trong 1 tháng nữa. Bên cạnh đó khoai lang đang tồn 11.000 tấn khiến cả một huyện hoang mang”, ông Dũng nói.

Còn ông Đặng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, thông tin sản lượng trái cây đang thu hoạch của tỉnh khoảng 272.000 tấn mà nhiều nhất là sầu riêng, mít, bưởi, xoài... trong đó có nhiều sản phẩm mà Trung Quốc là thị trường chính. Do đó, ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường kết nối với các nhà phân phối, có ký kết để sản xuất theo vùng nguyên liệu, cung cấp theo nhu cầu cung vào siêu thị.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, cho biết riêng chuối và xoài đang thu hoạch thì đã đưa được vào siêu thị trong nước. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh nCoV kéo dài thì hơn 47.000 tấn mít, 155.000 tấn chôm chôm, 39.000 tấn sầu riêng sẽ bí đầu ra khi vào vụ thu hoạch tới đây.

Cùng chung hoàn cảnh, bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công thương Sơn La, lo lắng nếu Trung Quốc không sớm mở lại các cửa khẩu thì 98.000 tấn mận, 190.000 tấn xoài và 200.000 tấn nhãn sẽ bị ảnh hưởng bởi trước nay phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công thương đang tích cực làm việc với phía Trung Quốc, cố gắng có biện pháp tốt như mở cửa khẩu lại sớm hơn. Nhưng trước mắt là phải tăng cường kết nối với các nhà phân phối trong nước. Do vậy, các sở công thương có nhiều nông sản cần tiêu thụ phải có số lượng chi tiết để làm việc với các siêu thị lớn.

Chí Hiếu

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá heo hơi ngày 11/2: Miền Bắc đồng loạt giảm mạnh (11/02/2020)

>   Tôm Việt 'nằm chờ' Trung Quốc (11/02/2020)

>   Nhờ đâu siêu thị bán được 1.200 tấn thanh long, dưa hấu chỉ trong 1 tuần? (10/02/2020)

>   500 xe trái cây nằm chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn (10/02/2020)

>   Tầm nhìn của con tôm (10/02/2020)

>   Thông quan hàng hóa có kiểm soát tại cửa khẩu Lào Cai (09/02/2020)

>   Hàng nghìn hécta lúa nguy cơ mất trắng vì hạn mặn (08/02/2020)

>   Cua Cà Mau rớt giá, thuỷ sản đi Trung Quốc tồn đọng lớn (07/02/2020)

>   Dịch Corona: Các doanh nghiệp logistics giảm chi phí lưu kho từ 10%-20% cho nông sản (07/02/2020)

>   Người nuôi gà điêu đứng vì virus corona (07/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật