VN-Index đi lên chậm rãi là điều cần thiết
VN-Index khởi đầu năm 2020 với mức P/E trượt là 15.9, thấp nhất kể từ tháng 02/2019. Với mức định giá tương đối hấp dẫn và chỉ số này đã đi ngang trong một thời gian dài, nhiều cơ hội đang mở ra cho thị trường chứng khoán khi bước sang năm mới.
Theo bộ phận phân tích thuộc CTCK SSI (SSI Research), kịch bản cơ sở cho thị trường năm 2020 sẽ có nhiều nét tương đồng như năm 2019, sôi động trong khoảng thời gian đầu năm và sau đó lắng dịu. Khả năng giảm sâu dưới vùng tích lũy 950 - 1,000 điểm trong năm 2020 là rất thấp trừ phi những căng thẳng quốc tế ở Trung Đông và quan hệ Mỹ - Trung leo thang không kiểm soát.
Kịch bản tích cực với xác suất xảy ra cao hơn là sau thời gian tích lũy, các yếu tố hỗ trợ trong nước bao gồm tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, xu hướng giảm lãi suất cộng hưởng với các yếu tố hỗ trợ bên ngoài sẽ khiến thị trường hưng phấn, tạo thêm sóng mới cho VN-Index vào cuối năm.
Theo SSI Research, dù ở kịch bản nào thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt nam nói riêng vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực. Một nền tảng kinh tế vững chắc đang dần được bồi đắp và vì vậy sự đi lên chậm rãi của chỉ số lại là điều cần thiết, giúp tránh các rủi ro không đáng có do thị trường tăng nóng.
GDP tăng trên 7% năm thứ hai liên tiếp là minh chứng chính sách kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. Nghị quyết 10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã bắt đầu tạo “trái ngọt”. Trong các năm tiếp theo, sự vươn lên của khối kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục là lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Đây cũng là một câu chuyện hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
SSI Research cho biết, về giải ngân đầu tư công, sau một vài năm tăng chậm và không đạt kế hoạch, sẽ được thực thi quyết liệt hơn trong năm 2020. Những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Đây là động lực tăng trưởng cho không chỉ kinh tế mà trực tiếp cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán như xây dựng và vật liệu xây dựng.
Định hướng giảm lãi suất của Chính phủ đã được triển khai từ cuối năm 2019 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2020. Thời gian lãi suất giảm trong năm 2019 khá ngắn, do đó chưa đủ để tác động. Sang 2020, khi lãi suất giảm liên tục và kéo dài, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà tâm lý thị trường cũng sẽ được củng cố. Hai yếu tố tăng trưởng và lãi suất của Việt Nam sẽ hòa nhịp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.
Thị trường Việt nam trong năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn HOSE. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng và chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn. Nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này, thì các khối ngoại sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt nam.
Trong con mắt của nhà đầu tư quốc tế, những thay đổi có thể tạo ra chuyển biến lớn trong nền tảng kinh tế hay thị trường chứng khoán sẽ là một câu chuyện hấp dẫn. Đối với Việt nam, sự kết hợp của câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với nâng hạng thị trường sẽ tạo được sự khác biệt, và vì vậy có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi.
Mặc dù có nhiều cơ hội hơn trong năm 2020, thị trường chứng khoán sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Tâm điểm là sự bất định của các yếu tố quốc tế mà căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran trong những ngày đầu năm là một ví dụ.
Sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài. Khác với Iran, Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đến vị thế của Mỹ trên toàn cầu nên quan hệ giữa đôi bên sẽ còn nhiều sóng gió.
Ở trong nước, nhiều điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại. Việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.
Thừa Vân
FILI
|