Bất động sản 2020: Doanh nghiệp cần linh hoạt để điều chỉnh chiến lược
So với năm 2018, thị trường bất động sản năm 2019 không có nhiều dấu hiệu bứt phá. Tình hình này được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ tiếp diễn sang năm 2020 và tạo nhiều thách thức cho tất cả các chủ thể tham gia. Do đó, nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp bất động sản cần phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2019” diễn ra sáng ngày 08/01
|
Tại sự kiện “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2019” diễn ra sáng ngày 08/01, DKRA Vietnam chỉ ra trong năm 2019, thị trường bất động sản chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung và sức cầu của hầu hết các phân khúc, ngoại trừ bất động sản nghỉ dưỡng. Mặt bằng giá có nhiều biến động, đặc biệt giá sơ cấp từ chủ đầu tư thể hiện đà tăng mạnh.
Nguồn cung phân khúc đất nền dự báo tiếp tục khan hiếm
Ghi nhận trong năm 2019 có 14 dự án đất nền mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 1,704 nền, bằng 46% so với nguồn cung mới của năm 2018. Đây cũng là năm thứ 2 nguồn cung mới sụt giảm và là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 95%, bằng 49% so với năm 2019, thông số này cũng phần nào là hệ quả của việc nguồn cung thu hẹp.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của DKRA - cho biết các dự án đất nền mới đa phần tập trung ở khu vực vùng ven như Củ Chi, quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè,… Giá giao dịch thứ cấp trong năm 2019 tăng trung bình khoảng 5-7%, chủ yếu ở giai đoạn đầu năm.
Sang năm 2020, đất nền được dự báo tiếp tục khan hiếm do không có nhiều dự án mở bán đất. Tuy vậy, đây vẫn là kênh lựa chọn đầu tư tiềm năng.
Ông Nguyễn Hoàng chia sẻ tại sự kiện “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2019”
|
Với phân khúc căn hộ, khu phía đông Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung mới. Căn hộ hàng B chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khi căn hộ hạng C vẫn khan hiếm. Mức giá sơ cấp từ chủ đầu tư tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, trung bình 15-20% so với mặt bằng giá trong khu vực.
Năm 2020, nguồn cung phân khúc căn hộ có thể sẽ duy trì tương đương với năm 2019, dao động khoảng 25,000 căn, tập trung ở các dự án có quy mô lớn.
Mặt khác, sức cầu đối với bất động sản nghỉ dưỡng - biệt thự biển có dấu hiệu giảm từ giữa năm và thể hiện rõ trong giai đoạn cuối năm 2019. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng - condotel, năm vừa qua đánh dấu xu hướng ủy thác cho thuê theo hình thức chia sẻ lợi nhuận.
Các chuyên gia cho rằng nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ giảm so với năm 2019, các dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức cầu chung tiếp tục xu hướng đi lùi từ cuối năm 2019 và vẫn chưa có dấu hiệu tịch cực để thay đổi đột biến.
Nhiều rủi ro và thách thức trong năm 2020
Tựu trung lại, tình hình thị trường bất động sản năm 2020 sẽ có nhiều điểm tương đồng với năm 2019 khi nguồn cung mới không có sự đột biến. Việc thiếu nghiêm túc khi tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới tiềm ẩn rủi ro và tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng. Đây là thách thức rất lớn trong năm 2020.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế - chỉ ra rằng thị trường bất động sản thường tăng trưởng mạnh bởi 2 yếu tố chính: Tín dụng đối với bất động sản tăng và nguồn vốn đầu tư hạ tầng dồi dào. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này đều đang diễn biến không như mong đợi của giới đầu tư. Nguồn tín dụng bất động sản bị thu hẹp dần, trong khi năm 2020 được đánh giá chưa phải là năm giải ngân thực sự cho các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn nhất.
Về kinh tế Việt Nam nói chung, Tiến Sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - dự báo nông nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trước. Giải ngân đầu tư công cũng như các lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn chậm. Một rủi ro khác là thâm hụt ngân sách Nhà nước (tính cả nợ gốc) còn ở mức cao, áp lực trả nợ của Chính phủ còn lớn. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh cải thiện chưa nhiều ở những trụ cột quan trọng và năng suất lao động còn thấp.
Không những vậy, tình hình kinh tế - chính trị thế giới cũng khiến giới đầu tư có phần lo lắng. Bên cạnh ảnh hưởng sâu rộng của chiến tranh thương mại, mới đây, xung đột Mỹ -Iran càng dấy thêm nhiều bất ổn về rủi ro địa chính trị, tác động giá dầu và giá vàng.
Ông Cấn Văn Lực chia sẻ tại sự kiện “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2019”
|
Giải pháp nào cho thị trường bất động sản?
Để tháo gỡ thách thức này, các chuyên gia chỉ ra rằng cần có sự chung tay của tất cả các bên, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò điều phối quản lý của Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành… kịp thời tạo điều kiện cho nguồn cung mới ra thị trường. Song song, đối với quy hoạch hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông liên kết vùng,... cần được đẩy mạnh.
Lời khuyên của ông Cấn Văn Lực đến phía doanh nghiệp bất động sản là phải xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới, tăng cường hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị. Việc cơ cấu hoạt động, chuẩn hóa đội ngũ nhân viên, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro cũng là điều cần thiết.
Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, chú trọng hơn với kênh thị trường vốn và quỹ đầu tư. Trong khi, việc nắm bắt các diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế là điều đáng chú trọng.
Ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DKRA Vietnam - cũng chia sẻ rằng để vượt qua các thách thức trong năm 2020, tất cả chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, đơn vị môi giới, khách hàng, nhà đầu tư đều phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược thích hợp. Đồng thời cần không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường minh bạch hóa thông tin dưới dự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước.
Một điểm khác, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (Proptech) là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tất cả hoạt động của thị trường như đầu tư, phát triển dự án, tiếp thị,… Ông Phạm Lâm đánh giá đây sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2020 và những năm tiếp theo giúp minh bạch hóa thị trường.
Ông Phạm Lâm chia sẻ tại sự kiện “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2019”
|
Xuân Nghĩa
FILI
|