Trạm thu phí phải xả trạm 'giải cứu' kẹt xe cho TP.HCM dịp Tết Nguyên đán
Ngày 14 -1, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại TP.HCM.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các đơn vị ở TP.HCM chủ động chống ùn tắc tại các khu vực cửa ngõ, nhà ga trong dịp tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Từ 10h sáng đến 13h30 ngày 14-1, ông Khuất Việt Hùng dẫn đầu đoàn cùng với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông TP kiểm tra tình hình đi lại tại các điểm nóng Ga Sài Gòn (quận 3), Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)...
Còn hơn nửa triệu vé xe tết
Từ kết quả kiểm tra, các đơn vị đã bàn bạc nhiều phương án ứng cứu tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở các điểm nóng giao thông, cửa ngõ TP trong thời gian cao điểm tết.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng hành khách đi lại qua các bến xe tăng không quá 2% so với cùng kỳ năm trước, trong ngày cao điểm nhất đạt 130.000 lượt khách/ngày (tăng 100% so với ngày thường).
Hiện các bến xe có 4.980 xe (100.000 chỗ), xe hợp đồng hơn 19.400 xe, xe buýt tăng cường đến hơn 30 xe. Đến nay, tổng cộng các bến xe đã bán ra 439.293 vé, số vé còn lại hơn 579.159 vé.
Đến ngày 14-1 (20 tháng chạp âm lịch), nhiều hãng xe thương hiệu đi các tuyến miền Trung, Tây Nguyên đã cháy vé cao điểm tết từ 24 âm lịch đến 28 âm lịch. Tuy nhiên, xe ghế ngồi, xe tăng cường... tại các bến vẫn còn nhiều vé. Hành khách có nhu cầu mua vé nên đến bến hoặc vào đúng website của các bến để mua, tránh tình trạng mua vé quá giá hoặc mua vé trái tuyến.
Sở GTVT TP đã chuẩn bị kỹ kế hoạch, bố trí lực lượng phối hợp cùng CSGT, thanh niên xung phong giải quyết ùn tắc ở các khu vực trọng điểm, nhất là nhà ga, bến xe... Ngoài ra, các lực lượng cũng túc trực tại khu vực cửa ngõ Đông - Tây; hai tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương là hai điểm nóng hay ùn tắc trong các dịp lễ, tết.
Các đơn vị bố trí người 24/7 ở các điểm này, sẵn sàng xử lý khi có ùn tắc, không để sự cố giao thông ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đồng thời thực hiện các phương án phân luồng giao thông từ xa, xử lý sự cố thông qua Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM, lực lượng phản ứng nhanh...
Chủ động xả trạm, không để ùn tắc
Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng trong dịp tết này, ở TP.HCM lo ngại nhất là kẹt xe ở các trạm thu phí, các tuyến đường dẫn cao tốc. Theo thống kê của TP, cứ trung bình 1 phút có ít nhất 1 xe xuất bến ở các bến xe. Lượng phương tiện cá nhân người dân đi lại những ngày này cũng tăng vọt.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng các trạm thu phí phải xem xét, xả trạm khi cần thiết, không để xảy ra ùn ứ ở trạm như mọi năm.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định việc chống ùn tắc giao thông ở các khu vực bến xe, nhà ga, cửa ngõ TP.HCM là vấn đề trọng tâm trong dịp Tết Nguyên đán này. Toàn bộ các đơn vị, lực lượng CSGT, công an địa phương, thanh tra giao thông... phải dồn lực thực hiện tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý, lập trật tự giao thông khi xảy ra sự cố.
Lực lượng CSGT, Công an TP cần có kế hoạch ứng phó kẹt xe cụ thể cho từng khu vực, có kế hoạch xử lý sự cố phát sinh, chú ý các group liên ngành trên Viber, Zalo...
Bên cạnh đó, ông Hùng yêu cầu cơ quan chức năng chú ý xử lý triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè buôn bán, ôtô dừng đậu không đúng nơi quy định, nạn "xe dù bến cóc". Ông Hùng nhấn mạnh: các trạm thu phí từ TP.HCM về các tỉnh (và ngược lại) theo dõi chặt lượng xe qua lại trạm, khi xét thấy có khả năng ùn xe phải lập tức xả trạm.
"Thậm chí, các trạm chủ động dự báo lượng phương tiện, khi số xe dừng ở làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150-200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 1.000m đến 2.000m lập tức xả trạm. Trạm nào không chấp hành để xảy ra ùn tắc kéo dài sẽ bị xử phạt theo đúng quy định nhà nước", ông Hùng nói.
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - thăm hỏi nhân viên phục vụ trên tàu chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: ĐỨC PHÚ
|
Người dân trước khi lên tàu sẽ được nhân viên nhà ga kiểm tra mã vé - Ảnh: ĐỨC PHÚ
|
Lái tàu, nhân viên cũng phải kiểm tra nồng độ cồn trước khi tàu chạy
Tại buổi làm việc với ga Sài Gòn, ông Khuất Việt Hùng đề nghị báo cáo việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP với nhân viên đường sắt. Ông Nguyễn Văn Thành - trưởng ga Sài Gòn - cho biết lực lượng CSGT liên tục kiểm tra đối với nhân viên đường sắt trước khi nhận nhiệm vụ thực hiện công tác chạy tàu.
Ông Hùng đề nghị ngoài kiểm tra trước lái tàu, nhân viên trước khi lên nhận nhiệm vụ, các lực lượng cũng phải tăng cường kiểm tra đột xuất về nồng độ cồn để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Về vấn đề "phe vé, găm vé", ông Lê Quốc Trung - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - cho biết công tác bán vé tết được quản lý rất chặt, bảo đảm không có vé từ trong nội bộ đưa ra. Đến nay hiện tượng phe vé, "cò" vé tàu đã giảm vì lực lượng công an địa phương cũng tăng cường kiểm tra, xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, hiện đường sắt đã vào cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý và mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu đi và đến ga Sài Gòn.
Dịp tết năm nay, ngành đường sắt mở bán khoảng 300.000 chỗ. Đến nay lượng vé từ 22 đến 29 tết đã bán gần hết, chỉ còn lại một số chặng ngắn nhưng không nhiều. Tương tự, vé đi thời gian cao điểm sau tết từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 9 cũng đã cơ bản hết.
|
THU DUNG - ĐỨC PHÚ
Tuổi trẻ
|