Thứ Sáu, 10/01/2020 09:52

ACV đã là công ty cổ phần, sao lại được độc quyền 22 sân bay?

Như chúng tôi đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành về "định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

* Bộ Giao thông muốn để ACV độc quyền 22 sân bay, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ

* Bộ Giao thông tiếp tục kiến nghị tăng phí BOT, dùng vốn ACV sửa sân bay

* Chính phủ có tiếp tục giao cho ACV làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành hay không?

ACV đã là công ty cổ phần, sao lại được độc quyền 22 sân bay?
Bộ Giao thông đề xuất không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 22 cảng đang được ACV quản lý khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mặc dù tiêu đề của báo cáo là về "Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không" song, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chỉ xã hội hoá tại 3 cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm.  Đồng thời, đề xuất không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 22 cảng đang được ACV quản lý khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cho ý kiến về đề án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp khẳng định việc thực hiện xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, huy động vốn từ các nguồn lực của xã hội, nhất là kinh tế tư nhân là phù hợp.

Tuy nhiên, đề nghị Bộ Giao thông đánh giá lại tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên để làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình. 

Theo Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã chủ trương huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 12 ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 cũng chủ trương doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Do vậy, đối với các cảng hàng không không phải là cảng quan trọng, thiết yếu của Nhà nước cần đầu tư, sở hữu và ACV quản lý không hiệu quả, trong khi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm thì nên mở rộng thực hiện xã hội hoá toàn bộ cảng này.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị xem xét lại cơ sở pháp lý của kiến nghị "Việc tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hạng mục này do ACV chủ trì thực hiện trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo mở rộng Cảng hàng không, sân bay được Bộ Giao thông phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành".

Bởi, ACV là một công ty cổ phần, không phải là cơ quan nhà nước để thay mặt nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không. Việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả.

"Ngoài ra, báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không có nhiều nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện", Bộ Tư pháp cho ý kiến. 

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị không giới hạn danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hóa. Việc xác định một cảng hàng không, công trình kết cấu hạ tầng cảng kêu gọi xã hội hóa đầu tư cần dựa trên nhu cầu theo quy hoạch được duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn.

Còn Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu định hướng xã hội hóa đầu tư theo hướng: Với hạng mục công trình đường lăn, đường cất hạ cánh do nhà nước đầu tư; với nhà ga và các công trình phụ trợ thì thực hiện xã hội hóa, doanh nghiệp tư nhân làm. Đồng thời, cần làm rõ vì sao lại đề xuất giao "nhiều quyền" cho ACV (đầu tư 22 cảng và chủ trì tổ chức xã hội hóa các hạng mục không thiết yếu tại 22 cảng này).

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực hàng không cho rằng để duy trì độc quyền đầu tư, quản lý, vận hành hạ tầng sân bay thì doanh nghiệp sân bay bắt buộc phải thuộc sở hữu 100% của nhà nước. Về nguyên tắc, độc quyền nhà nước không thể được biến thành độc quyền doanh nghiệp, càng không thể là của doanh nghiệp có vốn tư nhân, nước ngoài. 

Trong khi đó, ACV hiện đã là công ty cổ phần. Nếu ACV duy trì độc quyền sân bay các cổ đông tư nhân, nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận, bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác và với người sử dụng các dịch vụ hàng không.

KIỀU LINH

VnEconomy

Các tin tức khác

>   TP.HCM chuẩn bị tái khởi động Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (09/01/2020)

>   Bộ Giao thông muốn để ACV độc quyền 22 sân bay, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ (09/01/2020)

>   Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp hoàn thiện ga Nhà hát TP (09/01/2020)

>   Đề nghị bố trí vốn năm 2020 để điều chỉnh quy hoạch sân bay Phú Quốc (07/01/2020)

>   13 tuyến quốc lộ hư hỏng ở miền Tây cần 4.500 tỉ đồng nâng cấp (07/01/2020)

>   Cửa cho tư nhân đầu tư sân bay vẫn rất hẹp (06/01/2020)

>   Những dự án nào sẽ giúp TPHCM giảm kẹt xe năm 2020? (05/01/2020)

>   Năm 2020 Đồng Nai khởi động 3 dự án 7.700 tỷ (04/01/2020)

>   Huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam: Doanh nghiệp Hàn Quốc "tiếc nuối"? (04/01/2020)

>   Kiểm kê đất đai của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc (04/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật