Nghệ nhân tạo giống mai kiểng bạc tỉ
Nhiều năm lai ghép, thử nghiệm, nghệ nhân trồng mai kiểng Nguyễn Trí Tuấn (Bình Định) đã tạo ra giống mai Tuấn Ngọc vừa đẹp vừa khỏe, được nhiều người chơi mai đánh giá cao.
Một chậu mai bonsai trong vườn mai Tuấn Ngọc. Ảnh: Đình Phùng
|
Trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Định vào những tháng cuối 2019, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng luôn dành lời khen ngợi các nghệ nhân trồng mai ở TX.An Nhơn, nơi được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung”.
Đến thăm vườn mai Tuấn Ngọc (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX.An Nhơn) nghe chuyện về chủ vườn là nghệ nhân Nguyễn Trí Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam không ngớt lời tán thưởng. Ông Thào Xuân Sùng cho rằng nghề trồng mai của ông Tuấn vừa thỏa mãn thú chơi tao nhã của bản thân, mang lại thu nhập cho gia đình, vừa tạo ra được việc làm cho nhiều nông dân khác là điều rất đáng biểu dương.
Bán xe ủi để chơi mai
Ông Trần Bá Phùng, một người chơi mai ở TP.Quy Nhơn (Bình Định), cho biết giống mai Tuấn Ngọc lớn rất nhanh, những chỗ cưa ghép liền sẹo nhanh hơn các giống mai khác đến 2 - 3 lần. “Nếu giống khác mà tạo dáng mai bonsai có khi phải mất tới 5 - 7 năm nhưng giống mai Tuấn Ngọc thì 2 năm là xuất được. Tôi là một trong những người đầu tiên theo dõi giống mai Tuấn Ngọc khi nó mới được ông Tuấn tạo ra và thường ghép giống này cho một số anh em chơi mai nên biết được nhiều ưu thế của nó”, ông Phùng nói.
|
Ông Tuấn vốn làm tài xế xe ủi cho một cơ quan nhà nước. Thời bao cấp vừa chấm dứt, ông liền xin nghỉ việc, mua xe ủi làm kinh tế tư nhân. Sau vài năm ăn nên làm ra, ông sở hữu đến 4 xe ủi. Tuy nhiên, ông chủ đoàn xe ủi này lại mê mai kiểng và thường đến các nhà vườn trồng mai ở An Nhơn để học hỏi kinh nghiệm.
Có lần “cầm lòng không đặng”, ông Tuấn bỏ ra 1 triệu đồng để mua 1 cặp mai về thử nghiệm tay nghề cắt tỉa, uốn cành. Hai năm sau, có người đến hỏi mua cặp mai này với giá 4,5 triệu đồng. “Tưởng chỉ chơi cho vui, ai ngờ lợi nhuận cao vậy. Những năm đó, nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới nên tôi nghĩ xe ủi từ nước ngoài được nhập về nhiều sẽ hạ giá, nhiều người theo và nghề sẽ không còn “hot” như trước nữa. Thế là tôi quyết định bán ngay 3 xe ủi rồi đầu tư trồng 200 chậu mai”, ông Tuấn chia sẻ.
Ban ngày ông Tuấn lái chiếc xe ủi còn lại để có tiền sinh sống, ban đêm chong điện chăm sóc 200 chậu mai. Túc tắc như vậy sang năm sau, ông trồng thêm 500 chậu nữa và các năm sau nữa lại tiếp tục trồng thêm… Năm 2004, ông Tuấn bán lứa mai đầu tiên thu về 80 triệu đồng. Thấy cơ hội đã chín muồi, lượng mai trong vườn cũng đã đủ nhiều, ông quyết định bán chiếc máy ủi còn lại để chuyển hẳn sang nghề trồng mai thương phẩm.
Ông Tuấn bên chậu mai dày bông, rực rỡ. Ảnh: Ngọc Nhuận
|
Giống mai vàng Tuấn Ngọc
Khi đó, trong vườn nhà ông Tuấn có khoảng 2.000 chậu mai kiểng với nhiều giống mai như: cúc, cúc lai, giảo lai… Nhưng loại hoa đẹp thì mau tàn, loại lâu tàn thì hoa ít cánh, có loại dễ bị bệnh. Vì vậy ông Tuấn luôn để tâm tuyển chọn, phân lập và phát triển ra giống mai có nhiều ưu điểm nhất. Có lần ông Tuấn chọn một cây mai cúc và một cây mai giảo đặt sát nhau để thụ phấn tạo giống mới. Hai chậu mai này được ông Tuấn lặt lá sớm nhất trong vườn, dùng màn vây kín để ngăn bụi phấn từ các cây mai khác. Lần lai tạo này ông thu được 5.000 hạt giống để gieo trồng.
Vợ chồng ông Tuấn bỏ ra 3 cây vàng (lúc này mỗi cây vàng trị giá 11 triệu đồng) thuê 7 sào ruộng (khoảng 3.500 m2) sát nhà trong vòng 10 năm để trồng mai. Gần 5.000 cây mai giống mới lai tạo được ông trồng tại những đám ruộng này. “Tôi là người đầu tiên ở An Nhơn đưa mai ra trồng ngoài ruộng nên điều ra tiếng vào nhiều lắm. Người ta nghi ngờ khả năng thành công của tôi. Lúc đó, mai cũng chưa phải là dễ bán với số lượng lớn như bây giờ, chỉ có thương lái ở Đà Nẵng, Huế đến mua thôi. Nhưng tôi đã tính toán kỹ rồi nên quyết tâm làm”, ông Tuấn kể.
Đến năm thứ 3, ông Tuấn phát hiện 1 cây giảo lai cúc nổi trội hơn hẳn tất cả các cây còn lại như lá dày, có màu xanh đậm hơn, mau lớn, ít sâu bệnh, ra nụ nhiều, hoa rất đẹp và lộc non có màu đỏ sung mãn… Do đã có ý chọn giống từ trước nên ông Tuấn tách riêng cây mai này ra chăm sóc. Đây chính là cây mai tổ mà sau này được giới trồng mai, chơi mai vinh danh là giống mai Tuấn Ngọc.
Càng chăm sóc, chiết ghép ra số lượng lớn để có thể quan sát kỹ lưỡng hơn, ông Tuấn càng phát hiện giống mai này có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Cuối cùng ông quyết định loại bỏ tất cả những giống mai khác, toàn vườn chỉ còn giống Tuấn Ngọc. Những chậu mai của ông Tuấn bán ra thị trường được yêu thích vì đơm nụ, búp rất dày, hoa đẹp, lâu tàn; cây hoa nở rộ tạo cảm giác sung mãn tràn trề. Vẻ đẹp của cây mai khiến nhiều chủ vườn mai khác cũng để ý giống mai Tuấn Ngọc. Phát hiện ra ưu điểm cây mai có tốc độ lớn rất nhanh, nhiều nhà vườn đã mua mai Tuấn Ngọc về nhân giống, sau đó chuyển hẳn sang trồng giống mai này.
Thương hiệu mai bon sai
Ở Bình Định hiện có rất nhiều giống mai hoa rất đẹp, nhưng xét toàn diện thì phần lớn các nhà vườn đều thừa nhận khó có giống nào vượt qua mai Tuấn Ngọc. Nếu người mua mai bonsai về chưng tết gần như chỉ quan tâm đến dáng thế, độ dày đều của bông búp, dáng hoa, sắc hoa thì người trồng mai còn phải lưu tâm đến nhiều yếu tố khác như: khả năng chống chịu bệnh tật, tốc độ lớn của cây... Đặc biệt, giống mai Tuấn Ngọc có thể phát triển mạnh ngay cả khi dùng dây để uốn cành non, sinh chồi nhiều, dày và phân bố đều cho phép người chơi có nhiều phương án tạo dáng mai bonsai. Hơn nữa, giống mai Tuấn Ngọc lại có khả năng thích ứng với biến động thời tiết rất cao, dù chuyển vào miền Nam nóng ấm hay miền Bắc giá lạnh vẫn không rụng nụ búp.
Khi nghề trồng mai ăn nên làm ra, người trồng mai thương phẩm ngày càng nhiều, ông Tuấn nghĩ đến việc giảm quy mô trồng mai thương phẩm, tập trung vào trồng bonsai để giảm diện tích đất và tạo ra sản phẩm độc đáo trên thị trường. Năm 2010, từ 5.000 chậu mai thương phẩm, ông Tuấn chọn ra 100 chậu mai lớn để cắt tỉa, thử nghiệm tạo dáng bonsai. Thêm một lần nữa ông Tuấn lại là người đi tiên phong khi sản xuất mai bonsai với số lượng hàng hóa. Chỉ 2 năm sau, toàn bộ số mai bonsai này được bán sạch, không chậu nào giá dưới 8 triệu đồng.
Năm 2013, ông Tuấn trả lại ruộng cho các nông dân trước thời hạn thuê 1 năm. Số mai ngoài ruộng lần lượt được ông Tuấn bán hết, chỉ giữ lại 700 cây và đưa vào nhà. Nhưng lần này là nhà lưới. Ông là người đầu tiên ở An Nhơn đưa cây mai ra ruộng và cũng chính ông là người đầu tiên ở “thủ phủ mai kiểng” đưa cây mai vào nhà trở lại để trồng mai sạch. Gia đình ông lập website để giới thiệu, rao bán mai bonsai. Trong số 700 chậu mai tại vườn mai Tuấn Ngọc, nhiều cây lâu năm có giá trên 100 triệu đồng, cá biệt có chậu đã được trả giá 500 triệu đồng.
“Người ta chơi, kinh doanh mai bonsai từ lâu lắm rồi, nhưng tung ra thị trường một lúc hàng trăm chậu mai bonsai thì trước tôi chưa ai làm. Trồng mai thương phẩm thì có thể chăm sóc số lượng nhiều đến cả vạn cây, nhưng làm mai bonsai thì 700 cây đã là một số lượng rất khủng. Thu nhập ổn định từ nghề trồng mai bonsai của gia đình vẫn không giảm là nhờ giá trị của mai bonsai cao hơn mai bình thường”, ông Tuấn chia sẻ.
Hoàng Trọng
Thanh niên