Cuối năm dạo chợ mua bán dữ liệu cá nhân
Có thể mua dữ liệu cá nhân một cách đơn giản với số tiền chừng vài trăm ngàn, những gói dữ liệu VIP sẽ có giá cao hơn hoặc người mua phải thương lượng về giá với người bán. Cao cấp hơn, người mua có thể đặt mua các gói dữ liệu theo đúng ý mình.
* Dữ liệu cá nhân: Ai mua - Ai bán?
* Kiểm toán có quyền truy cập toàn bộ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp?
Hàng chục ngàn cho tới cả triệu số điện thoại, email, địa chỉ, họ tên khách hàng... được “phơi” trên mạng trên các website bán dữ liệu khách hàng. Ảnh chụp màn hình
|
Thông tin cá nhân thượng vàng hạ cám
Trong vai trò người mua dữ liệu cá nhân, tôi phát hiện trên mạng rao bán nhiều gói dữ liệu khách hàng dành cho nhiều ngành nghề khác nhau như bất động sản, kinh doanh ôtô, du học, chứng khoán... Có những website treo luôn danh sách khách hàng cho người mua gọi thoải mái cho những khách hàng đang sở hữu ôtô, mua bảo hiểm nhân thọ, có tài khoản tiết kiệm... (gọi thử tạo dựng niềm tin) trước khi quyết định mua.
Chỉ cần lên công cụ tìm kiếm google gõ cụm từ “dữ liệu hoặc data khách hàng” là xuất hiện hàng loạt website/trang Facebook rao bán dữ liệu với số điện thoại và email liên hệ đầy đủ, chi tiết. Ngay trong các diễn đàn lớn cũng có những cá nhân cung cấp gói dữ liệu cá nhân (dân kinh doanh gọi là data khách hàng) với hàng chục ngàn cho tới hàng triệu số điện thoại, hàng trăm ngàn email… hoặc người mua có thể rao mua dữ liệu khách hàng, lập tức sẽ có người nhắn tin rao bán gói data khách hàng theo yêu cầu (họ thường inbox tức nhắn riêng cho người mua).
Có những nơi chủ yếu làm trung gian (thường gọi là ‘cò’) tạo trang web, trang Facebook… rao bán data khách hàng để tìm kiếm khách hàng; họ có quan hệ với nguồn dữ liệu khách hàng. Sau khi có người mua và thanh toán tiền họ sẽ móc nối với nguồn data khách hàng để gửi file (tập tin danh sách khách hàng) cho người mua.
Trao đổi với một “cò’ đang bán gói data khách hàng khuyến mãi: Bên mình đang có đợt sale (giảm giá) nhân dịp Tết Canh Tý, bán gói data khách hàng trong lĩnh vực bất động sản (khoảng 50.000 thông tin) bao gồm những khách hàng trong các dự án bất động sản với giá bán một triệu đồng.
Một ‘cò’ chuyên cung cấp data khách hàng bất động sản còn khoe trong tay của mình có tới 10 triệu thông tin khách hàng mua căn hộ thuộc các dự án bất động sản lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, trong tay họ có hàng chục triệu số điện thoại, hàng trăm ngàn email, họ tên, địa chỉ… thuộc các lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, bán lẻ… ở nhiều tỉnh thành.
Trao đổi qua điện thoại, một ‘cò’ tên Minh cho biết, gói data khách hàng của anh ta có khả năng cung cấp trên toàn quốc (nhiều tỉnh thành khác nhau), về số lượng thì khách hàng khỏi phải lo (trung bình từ 50.000-60.000 khách hàng), số liệu trong gói data được cập nhật thường xuyên…
Tôi cũng dựa theo danh sách cung cấp từ ‘cò’ data khách hàng để gọi thử cho một số khách hàng đang ở căn hộ cao cấp thì đều liên lạc được và họ tên của khách hàng này đang ở đúng căn hộ nêu trong data khách hàng.
Những nơi bán dữ liệu cá nhân thường chọn cách thức giao dịch đơn giản là chuyển khoản số tiền và gửi danh sách khách hàng (dữ liệu sẽ bán) qua email hoặc ứng dụng chat. Họ không thích gặp mặt trực tiếp, ngoại trừ trường hợp khách hàng có nhu cầu đặt hàng cụ thể gói dữ liệu khách hàng VIP, cần xác nhận chi tiết.
Một số website bán gói data khách hàng còn lôi kéo người mua bằng gói data miễn phí; người mua được tải về thoải mái (không cần trả tiền hoặc đăng ký trước). Gói dữ liệu này thường vô thưởng vô phạt, chẳng dùng vào việc gì vì thông tin lạc hậu hoặc do có quá nhiều người gọi tới làm phiền nên chủ thuê bao huỷ bỏ số điện thoại luôn.
Thông thường, chỉ có những gói dữ liệu có liên quan tới tài chính (mua bán, giao dịch có liên quan tới tài chính) thường sẽ có thông tin chính xác hơn so với các gói dữ liệu chung chung (dùng cho mảng kinh doanh nào cũng được). Gói thông tin này ghi nhận thông tin chính xác của người dùng (gói dữ liệu này không liên quan tới số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng...); có độ tin cậy cao hơn so với gói dữ liệu chung chung bán đầy trên mạng.
Một số chuyên gia truyền thông cho rằng, gói dữ liệu chung chung thường không chính xác, sử dụng số liệu cũ, lạc hậu... nên sẽ không bằng cách thức doanh nghiệp tự thu thập dữ liệu. Có nhiều cách thu thập dữ liệu như tổ chức chia sẻ thông tin hữu ích và đề nghị người dùng nhập họ tên, số điện thoại, email... hoặc triển khai chương trình khuyến mãi để thu thập thông tin cá nhân.
Một doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ chia sẻ kinh nghiệm: Tôi cũng từng mua gói dữ liệu cá nhân (hoặc bộ sưu tập khách hàng tuỳ theo ngành nghề) nhưng hiệu quả chuyển đổi số người dùng này trở thành khách hàng hầu như rất thấp. Nên doanh nghiệp cũng không trông mong nhiều vào việc mua dữ liệu cá nhân để triển khai hoạt động marketing, truyền thông vì không đạt kết quả như mong muốn.
Trong gói data khách hàng chia sẻ nhiều trên mạng (hoặc tặng miễn phí) có những số điện thoại di động/email không liên lạc được, vị trí của người dùng đó đã thay đổi (ví dụ như trước đây làm giám đốc công ty X nhưng nay đã chuyển chỗ làm), hoặc email công ty đã không còn dùng nửa do khách hàng đổi chỗ làm từ rất lâu.
Các hacker cũng có thể tấn công có chủ đích vào những nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng của các công ty. Ảnh: Kaspersky
|
Đặt hàng gói dữ liệu khách hàng
Qua tìm hiểu, tôi phát hiện có nhiều hình thức rao bán gói dữ liệu khách hàng khác nhau; rao bán trên Faecbook, các diễn đàn lớn, mở website bán data khách hàng… Có những website chia ra từng gói dữ liệu cụ thể như gói khách hàng VIP có tài khoản của hãng hàng không, gói khách hàng mua ôtô, gói khách hàng có tài khoản tiết kiệm... phân loại gói khách hàng thường và khách hàng VIP (giám đốc, trưởng phòng, có thu nhập cao…).
Một ‘cò’ chuyên bán data khách hàng bất động sản, cung cấp danh sách khách hàng tiềm năng cho biết, ngoài gói data bất động sản họ còn bán gói data theo yêu cầu của khách hàng; tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể cho lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tín dụng…; đây là danh sách khách hàng tiềm năng có giá bán 600 đồng/thông tin.
Người bán gói data khách hàng tiềm năng còn nói rõ hơn: Bộ data khách hàng tiềm năng sẽ bao gồm chi tiết như họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động của khách hàng…; tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể của khách hàng sẽ có mức giá thương lượng khác nhau.
Theo thông tin từ chuyên gia an ninh mạng, không chỉ đơn giản là bán gói dữ liệu chung chung, số điện thoại/email của người dùng không xác định chức danh, ngành nghề... trên thị trường còn có bán gói dữ liệu theo đơn đặt hàng. Người mua chỉ cần xác định cần 10.000 số điện thoại/email của người dùng là giám đốc/trưởng phòng, người bán sẽ cung cấp đúng theo yêu cầu.
Thậm chí, bây giờ giới kinh doanh dữ liệu cá nhân (hay gọi là data khách hàng) còn giới thiệu website mình cung cấp hệ thống kết nối khách hàng tiềm năng giúp cho doanh nghiệp. Người mua dữ liệu sẽ được cập nhật thông tin liên tục, có thể kết nối với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau: Gọi điện thoại, gửi email, chat, gọi điện bằng ứng dụng OTT (qua Viber, Zalo...).
Có những gói dữ liệu đặt hàng còn cung cấp cụ thể thông tin khách hàng như đang khám bệnh ở đâu, học trường nào... Đặc biệt là thông tin của phụ huynh học sinh đang học ở các trường tiểu học, trung học phổ thông... được cung cấp chi tiết cho những thời điểm sắp vào mùa luyện thi, tuyển sinh đại học (chủ yếu dành cho các trường đại học tư thục).
Có một số nơi còn cung cấp danh sách khách hàng vay tín chấp (người vay phải có xác nhận lương chuyển khoản, mặt bằng kinh doanh...) ở nhiều tỉnh thành. Giá bán các gói dữ liệu dạng này cũng không quá đắt, có thể mua với mức giá vài trăm ngàn.
Tóm lại, việc mua dữ liệu cá nhân cũng đầy rủi ro vì người bán không hề “bảo hành” hoặc cung cấp dịch vụ xác thực thông tin cá nhân của từng khách hàng. Có những trường hợp mua danh sách hàng chục ngàn số điện thoại về rồi thất vọng vì có rất nhiều số điện thoại gọi không được (do thuê bao ngừng sử dụng).
Nguồn cung cấp dữ liệu cá nhân
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nguồn cung cấp dữ liệu cá nhân (số điện thoại di động, email...) có thể là những người có quyền tiếp cận dữ liệu khách hàng ở các công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ... Hoặc cũng có khả năng hacker tìm cách tấn công có chủ đích vào cá nhân đang có quyền truy cập dữ liệu khách hàng để chiếm đoạt khối dữ liệu này.
Cũng có trường hợp dữ liệu khách hàng được nhặt nhạnh từ nhiều nguồn khác nhau; bản thân các diễn đàn, nhóm hoạt động trên mạng xã hội cũng đang sở hữu nguồn dữ liệu này. Còn việc các nơi này có bán dữ liệu hoặc khai thác nguồn dữ liệu này hay không còn tuỳ thuộc vào uy tín của từng đơn vị cụ thể.
|
Chí Thịnh
TBKTSG