Tết buồn của môi giới bất động sản, chứng khoán
Nhiều công ty chứng khoán, bất động sản thậm chí không có lương tháng 13 cho nhân viên ăn Tết.
* Bất động sản khó khăn, môi giới nghỉ tết sớm
* Năm 2019, xếp lại thứ hạng thị phần môi giới phái sinh
* Thu nhập của môi giới bất động sản lao dốc
Thị trường bất động sản năm Kỷ Hợi không thuận lợi do nguồn cung khan hiếm, đất nền cũng không còn nóng sốt như vài năm trước, thay vào đó là hàng loạt vụ đổ vỡ của các dự án ma. Kết quả là không chỉ giới đầu tư tiền mất, tật mang mà những người kinh doanh bất động sản cũng không còn rủng rỉnh với hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thưởng Tết như trước.
Hết thời thưởng Tết trăm triệu
"Chúng tôi lo tháng lương thứ 13 cho nhân viên là đã quá cố gắng rồi. Không ai dám nghĩ tới chuyện thưởng Tết. Năm vừa rồi, dù công ty có triển khai dự án ở Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng chưa bán được nhiều nên không có nguồn thu để ghi nhận lợi nhuận. Vì không có nhiều sản phẩm đế bán nên chúng tôi chỉ hoạt động cầm cự, không tuyển nhân viên mà còn cho nhân viên tự nghỉ bớt, nếu không sẽ chẳng đủ tiền để trả lương. Năm sau không biết còn cố gắng được không vì thị trường khó khăn quá"- Tổng giám đốc một công ty có nhiều năm kinh nghiệm môi giới nhà đất chia sẻ ngay khi được chúng tôi hỏi về chuyện thưởng Tết 2020.
Trong khi đó, một nhân viên của công ty bất động sản tương đối lớn tại TP HCM, cũng buồn bã nói: "Đến giờ công ty em vẫn chưa có ai lãnh tiền Tết, nghe đâu sếp nói qua Tết mới tính nên tụi em không có tiền, đành về quê sớm phụ giúp gia đình, chứ ở TP những ngày cuối năm tốn kém lắm. Cũng chẳng dám mua sắm hay đi du lịch mà chỉ mua chút quà cho ba mẹ ở quê gọi là xuân".
Hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ khiến thu nhập của dân môi giới sụt giảm mạnh vì không có hàng để bán. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, không ít môi giới bất động sản giàu lên nhờ hoa hồng bán nhà đất và thưởng Tết cao ngất ngưởng. Mức thưởng trung bình của các nhân viên kinh doanh (sale) ở các công ty bất động sản thường vào khoảng 1-3 tháng lương, tức khoảng 20-50 triệu đồng.
Thậm chí, với những nhân viên xuất sắc, đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra được thưởng lên tới cả trăm triệu đồng. Có công ty thưởng cả xe tay ga SH, ôtô, căn hộ và những chuyến du lịch nước ngoài… để khuyến khích những người khác cố gắng vào năm sau.
Tuy nhiên, anh môi giới nói trên cho biết năm nay các món quà xa xỉ đều không còn. Cùng với đó, mức thưởng bằng tiền mặt cũng bị giảm mạnh, đi kèm các điều kiện và có sự phân cấp kết quả kinh doanh. Với những nhóm đạt chỉ tiêu kinh doanh, mức thưởng có thể 2-3 tháng lương, trong khi nhóm đạt kết quả kém hơn, thưởng chỉ khoảng một tháng lương.
Năm 2019, hầu hết các công ty bất động sản đều khó khăn. Doanh nghiệp hầu như không có dự án mới để triển khai, thậm chí những dự án từ năm 2018 trở về trước cũng ách tắc vì vướng thủ tục, pháp lý, vướng đất công… nên chuyển sang kinh doanh một số lĩnh vực khác để kiếm thêm. "Ở văn phòng chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt, còn các nhân viên sale ai thấy khó khăn quá thì tự nghỉ chứ công ty cũng không nỡ đuổi việc hoặc bắt ép nhân viên xin nghỉ" – Chủ đầu tư dự án ở quận 8, đang gặp khó khăn về pháp lý, tâm sự.
Các sàn môi giới bất động sản còn thảm hơn khi không có dự án để bán, lương bổng luôn trong tình trạng chậm trễ, có sàn nợ lương nhân viên đến mấy tháng.
Thị trường bất động sản không còn những cơn sốt đất như trước. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), năm 2019, TP HCM chỉ có 1 dự án "chấp thuận chủ trương đầu tư" giảm 12 dự án, giảm 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được "chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư", giảm 24 dự án, giảm 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được "chấp thuận đầu tư", giảm 64 dự án, giảm 80%. Cùng với đó, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. "Đây cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản"- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhìn nhận.
Còn theo Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Không dám nghĩ đến thưởng Tết
Sự khó khăn của thị trường bất động sản cũng ít nhiều tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư, lẫn các "đại gia" hầu như không có tiền lời từ đất hay tiền nhàn rỗi, cũng như tâm trí để nghiên cứu cổ phiếu. "Giờ tụi em không có tháng lương 13 chứ nói gì đến thưởng Tết"- chị Nguyễn Ngọc, một người có thâm niên 12 năm làm môi giới tại công ty chứng khoán có tiếng ở TP HCM, than thở.
Theo chị Ngọc, gần 1 năm qua thu nhập của chỉ đã giảm 60%-70% do doanh thu từ môi giới sụt giảm vì không có nhiều khách hàng giao dịch chứng khoán. "Dân đầu tư không có hứng thú mua chứng khoán hay lỡ mua cũng không có lời, thậm chí lỗ nặng nên đã không thèm bán ra. Thanh khoản kém nên môi giới tụi em là người thất thu trước tiên" – chị Ngọc buồn bã nói.
Tương tự như Ngọc, Trí Ng., một môi giới lâu năm tại công ty chứng khoán VnDirect cho rằng do thu nhập sụt giảm, định hướng phát triển thêm cho công việc môi giới cũng khó nên anh đã quyết định tìm thêm việc khác là tư vấn cho một số người quen về đầu tư tài chính để có thêm thu nhập. "Lương còn bấp bênh thì làm gì có thưởng. Một số người môi giới bỏ nghề, xin được việc tại vài ngân hàng, những người còn bám trụ với nghề đều bỏ tiền túi để "lướt sóng" kiếm thêm thu nhập trong lúc chờ thị trường hồi phục nhưng cũng không phải dễ dàng. Thực tế, có nhiều người môi giới đã thua lỗ vì thị trường hiện nay rất khó đoán"- Trí Ng. Nêu thực tế.
Khổ sở hơn, tổng giám đốc một công ty chứng khoán quy mô nhỏ nhìn nhận năm qua kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, công ty lỗ gần bằng ½ vốn điều lệ nên không có tiền thưởng Tết. Đích thân ông phải chạy vạy khắp nơi để xoay tiền trả lương cuối năm cho nhân viên. "Công ty đã mất nhiều nhân sự vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Công ty khó khăn, mình đâu đủ tiền để lo cho họ... Có thể chúng tôi sẽ tìm đối tác để bán lại công ty"- vị này nói.
Sự khó khăn của thị trường không chỉ thể hiện ở thanh khoản, lượng tiền đổ vào thị trường mà còn thể hiện qua thị phần môi giới của các công ty chứng khoán. Năm Kỷ hợi 2019, hầu hết các công ty lớn dẫn đầu về thị phần trước đây đều bị sụt giảm thị phần, như: chứng khoán Sài Gòn SSI (giảm hơn 25% so năm 2018); chứng khoán TP HCM (HSC) giảm hơn 6%, chứng khoán Bản Việt (VCSC) giảm hơn 25%; chứng khoán MB (MBS) giảm hơn 15%...
Nguyên nhân ngoài thị trường ảm đạm, các công ty này còn bị cạnh tranh bởi các công ty chứng khoán nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc đã bành trướng bằng cách miễn phí phí giao dịch cho khách hàng để chiếm thị phần.
|
Sơn Nhung
Người lao động