Dân số Singapore bằng một nửa TP.HCM, nhưng doanh thu du lịch gấp 19 lần ĐBSCL
Sáng 14-12 tại Bạc Liêu, dưới sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố lớn nhất nước với chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi ký kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL sáng 14-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC
|
Ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết thế giới đánh giá Việt Nam xếp thứ 24/141 về tiềm năng phát triển du lịch, trong 2 năm liền 2018 và 2019 được vinh danh là điểm đến hàng đầu của Châu Á.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp thứ 75/141 quốc gia về năng lực cạnh tranh du lịch. Điều này cho thấy ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta còn nhiều việc phải làm, với quyết tâm và nỗ lực hơn nữa.
Theo ông Trung, khu vực ĐBSCL có vị trí gần tuyến hàng hải đông – tây và nằm trong hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mekong, rất thuận lợi để thu hút du lịch.
Qua nhiều thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa đã hình thành một nền văn hóa sông nước theo những đặc trưng riêng biệt gắn với hệ sinh thái tự nhiên và nền nông nghiệp lúa nước đặc thù.
ĐBSCL còn có bờ biển khá dài, có nhiều đảo lớn nhỏ với tiềm năng về du lịch biển đảo rất phong phú.
Ngoài các yếu tố thuận lợi như trên, ĐBSCL còn tiếp giáp tới TP.HCM, cùng tạo nên dư địa rất lớn để khai thác thị trường du lịch, nhất là với 9 triệu dân của TP.HCM và hơn 20 triệu dân của ĐBSCL với nhu cầu hưởng thụ du lịch ngày càng cao, chưa kể lượng du khách rất lớn từ các vùng miền và khách quốc tế trong qua "cảng trung chuyển" TP.HCM.
"Lịch sử hình thành và phát triển cho thấy TP.HCM và ĐBSCL không thể tách rời, có tính hữu cơ. Do vậy việc làm của chúng ta hôm nay thuận tới tự nhiên, là tiếp nối dòng chảy lịch sử phát triển của vùng ĐBSCL và TP.HCM, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về liên kết vùng"- ông Trung nói.
Phát biểu tại buổi ký kết, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết dù khách du lịch năm 2018 ở ĐBSCL đạt khoảng 40 triệu lượt (tăng 17%), tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỉ đồng (tăng 38% so với năm 2017), nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa và nguồn nhân lực dồi dào với gần 20 triệu dân.
Ông Phong cũng so sánh: "Nhìn sang các điểm đến lân cận trong khu vực, chúng ta thấy các con số này sẽ tạo nên khoảng cách khá lớn. Thành phố Bangkok (Thái Lan) với dân số khoảng 9 triệu người, nhưng năm 2018 đón gần 22 triệu lượt khách quốc tế. Hay Singapore, một đất nước với dân số chỉ hơn một nửa dân số TP.HCM, nhưng năm 2018 đón 18,5 triệu lượt khách quốc tế và ngành du lịch đã đem về cho quốc đảo này 20 tỉ USD mỗi năm, cao hơn 3,3 lần tổng thu du lịch của TP.HCM và gấp 19 lần tổng thu du lịch của cả vùng ĐBSCL".
Buổi ký kết giữa chủ tịch UBND 14 địa phương có sự chứng kiến của bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các tỉnh, thành ủy các địa phương ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
|
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng để sự liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL có hiệu quả và thực chất hơn cần quan tâm giải quyết 2 vấn đề cốt lõi.
Một là, cần vận hành hiệu quả hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng.
Theo ông Phong, các nội dung thỏa thuận dù có hay đến đâu, nhưng thiếu cơ chế điều phối thì hoạt động liên kết sẽ kém hiệu quả.
Để cơ chế này tạo ra những kết quả cụ thể, ngoài các thành viên tham gia là lãnh đạo các địa phương, rất cần cơ sở pháp lý cho cơ chế này hoạt động ở góc độ liên kết giữa các địa phương (tính liên vùng). Và quan trọng không kém là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương được giao nhiệm vụ.
Trong quý 1 năm 2020, cần phải tổ chức một buổi họp Hội đồng liên kết vùng để thống nhất cơ chế hoạt động hiệu quả và chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động cụ thể cho năm 2020.
Hai là, đảm bảo nguồn vốn chi cho hoạt động đầu tư phát triển vùng.Thời gian qua, ngân sách chi cho đầu tư phát triển không tương xứng với sự phát triển kinh tế của ÐBSCL và TP.HCM.
Quy mô kinh tế của ÐBSCL và TP.HCM chiếm 42% cả nước, nhưng đầu tư cho giao thông thời kỳ 2011 - 2015 chỉ chiếm 20% đầu tư cả nước, còn thời kỳ 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 26% đầu tư cả nước. Vì vậy, cần nâng tỉ lệ đầu tư giao thông của cả vùng từ 20-25% lên khoảng 30-35%.
Theo chủ tịch UBND TP.HCM, Singapore với dân số bằng một nửa dân số TP.HCM nhưng nguồn thu du lịch gấp 3,3 lần thành phố này và gấp 19 lần ĐBSCL. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC
|
"Việc kiến nghị tỉ lệ điều tiết ngân sách nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, đồng thời tạo nguồn lực để thành phố thực hiện nhiệm vụ phát triển liên kết giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực phía Nam.
Việc đầu tư nguồn vốn ngân sách vào hạ tầng giao thông sẽ giúp tăng cường thu hút và đa dạng các hình thức đầu tư tư nhân, FDI vào các hoạt động du lịch, lữ hành và các ngành nghề liên quan"- ông Phong lý giải.
5 lĩnh vực hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL
Theo ký kết hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, các địa phương thống nhất thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL do chủ tịch UBND TP.HCM làm chủ tịch hội đồng.
Có 5 nội dung hợp tác:
Thứ nhất, trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch: thông tin về các sản phẩm du lịch, các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch; thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế, tình hình nhân lực và công tác đào tạo nguồn du lịch…
Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch: trên cơ sở tiềm năng du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác.
TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch của khu vực Đông Nam bộ, du lịch MICE, du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, du lịch y tế, du lịch đô thị; các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tập trung giới thiệu về các sản phẩm du lịch gắn liền với địa phương như du lịch sinh thái sông nước, du lịch biển, du lịch đồng quê…
Thứ ba, quảng bá xúc tiến du lịch: xây dựng thương hiệu du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; trên cơ sở nhu cầu quảng bá điểm đến của các tỉnh, thành ĐBSCL, TP.HCM sẽ làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành của thành phố và quốc tế thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành trong liên kết…
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch: hợp tác nâng cao trình độ quản lý các cơ sở du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL theo chuẩn quốc tế, giai đoạn 2020- 2022; TP.HCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn tại các địa phương theo nội dung do các tỉnh, thành đề xuất. . .
Thứ năm, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch: các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nước và quốc tế; TP.HCM hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành trong liên kết…
|
CHÍ QUỐC
Tuổi trẻ