Sông, hồ thủy điện cạn nước: Cảnh báo thiếu điện nghiêm trọng
Hàng loạt hồ chứa thủy điện quan trọng nhất của Việt Nam đang thiếu hụt tổng cộng 11 tỷ m3 nước so với mực dâng bình thường. Cuối năm nay, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) phải huy động lượng nhiệt điện dầu (giá thành 5.000 đến 6.000 đồng/kWh) lên tới 1,45 tỷ kWh. Nguy cơ thiếu điện đang hiển hiện trước mắt.
Nước ở nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc đang ngấp nghé mực nước chết. Ảnh: Nguyễn Bằng
|
Năm 2020, EVN dự báo, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu sẽ đạt mức cao lịch sử của ngành Điện, lên tới 8,6 tỷ kWh, kéo theo gánh nặng chi phí làm đội giá điện lên dự kiến hơn 14.000
tỷ đồng.
Ảnh hưởng thủy điện
Trước việc hàng loạt hồ chứa thủy điện đang trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, ngày 10/12, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cho hay, ngành Điện đang gặp khó khăn nhất trong lịch sử với hàng loạt vấn đề bủa vây.
Theo EVN, với tình trạng khô hạn và lượng nước thiếu hụt ở các hồ trên lưu vực sông Hồng như hiện nay (thiếu hụt 7,2 tỷ m3, trong đó 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3). Cùng với dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra ở các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, việc đảm bảo yêu cầu cấp nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân và những tháng còn lại trong mùa khô của ngành điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo lãnh đạo EVN, nếu xả nước để phục vụ sản xuất theo yêu cầu, tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m3. Điều đáng lo ngại là, sau khi xả, mực nước ở hồ Hòa Bình giảm từ 102,5m về 84,46 m và cách mực nước chết chỉ 4,46m. Với dung tích còn lại trong hồ khoảng 501 triệu m3 (tương đương 8,3% dung tích hữu ích), đây là điều cực kỳ đáng lo ngại. Còn tại hồ Thác Bà, mực nước sau khi xả phục vụ sản xuất cũng giảm từ 53,6 m về 49,83m, cách mực nước chết 3,83m. Với dung tích còn lại 396 triệu m3, tương đương 18,3 % dung tích hữu ích, hoạt động của nhà máy sẽ chỉ còn tính theo ngày. Tình trạng căng thẳng cũng diễn ra với thủy điện Tuyên Quang khi giảm từ 116,5m về 93,56m và chỉ cách mực nước
chết 3,56m.
“Do phải đáp ứng việc nâng mực nước cho hồ Hòa Bình và cung cấp nước cho hạ du nên dự kiến Thủy điện Sơn La sẽ điều tiết xuống mực nước chết vào giữa tháng 5 và khi đó, hồ Hòa Bình (công suất 1920 MW) sẽ không còn đảm bảo được cả 2 nhiệm vụ trên. Sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 so với nhu cầu khoảng 100 triệu kWh đến 0,5 tỷ m3 nước. Tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6/2020 khi lượng điện dự kiến thiếu hụt 300 triệu kWh đến 1,5 tỷ m3”, lãnh đạo EVN nói.
Để thoát khỏi nguy cơ các hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc phải dừng hoạt động vì không còn nước, EVN kiến nghị Bộ TN-MT cho phép duy trì mực nước các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà ở mức thấp hơn so với quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. EVN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét giảm số ngày xả lấy nước đợt 2 và trong đợt 3. Ngành Nông nghiệp cũng cần công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Chi phí sản xuất điện đội lên 14.000 tỷ đồng?
Số liệu của EVN cho thấy, đến nay ngoại trừ một số hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên có lưu lượng nước tương đương trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ và Trung bộ nước về ít hơn rất nhiều so với năm 2018 và trung bình nhiều năm. Mực nước tại nhiều hồ thủy điện đang thấp hơn so với cùng kỳ 2018 khoảng 8 -16m. Điển hình như hồ Lai Châu thấp hơn 10,5m; hồ Sơn La thấp hơn 15,7m; hồ Hòa Bình thấp hơn 8,2m; hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) thấp hơn 11,2m...
Để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sản xuất sinh hoạt của người dân, EVN đã tập trung huy động cao nhất sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu (giá thành 5.000 - 6.000 đồng/kWh) đã phải huy động trong tháng 10 khoảng 400 triệu kWh.
“Với tình hình công suất và sản lượng dự phòng của nguồn điện toàn hệ thống trong các tháng còn lại năm 2019 không cao, với tình hình nước về hồ thủy điện không cải thiện, hệ thống điện sẽ phải huy động thêm nguồn nhiệt điện dầu để đảm bảo nhu cầu phụ tải. Sản lượng nhiệt điện dầu dự kiến khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Nếu tính lũy kế năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỷ kWh”, EVN cho hay.
Cũng theo tính toán của EVN, dự kiến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỷ kWh. Đây là mức huy động nguồn điện chạy dầu cao nhất trong lịch sử ngành điện và có thể đội chi phí sản xuất điện ước tính hơn 14.000 tỷ đồng.
Xả nước phục vụ gieo cấy vụ Ðông Xuân trong 18 ngày
Theo lãnh đạo EVN, để chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp vụ Ðông Xuân 2020, lịch lấy nước tại các tỉnh, thành phố Trung du và Ðồng bằng Bắc bộ gồm 3 đợt tổng cộng 18 ngày trong tháng 1 và 2/2020.
|
Phạm Tuyên
Tiền phong