Vì sao trí tuệ nhân tạo bị kéo vào cuộc thương chiến Mỹ-Trung?
Khi các quan chức chính quyền Mỹ thông báo vào ngày 07/10 rằng họ sẽ cấm một số công ty trí tuệ nhân tạo và giám sát đáng giá nhất của Trung Quốc mua công nghệ Mỹ, động thái này khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cảm thấy hốt hoảng.
Trở lại tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đề cập đến lý do an ninh quốc gia để cấm “gã khổng lồ” viễn thông Huawei của Trung Quốc mua công nghệ Mỹ.
Trong động thái mới nhất, chính quyền Trump quyết định cấm 8 công ty, bao gồm những công ty hàng đầu về AI của Trung Quốc như SenseTime, Megvii và iFlyTek, và 20 sở cảnh sát vì đã hỗ trợ trong vụ đàn áp người dân Uygur ở Tân Cương.
Đây là lần đầu tiên nhân quyền được xem là lý do để thêm vào danh sách đen của Mỹ.
Thế nhưng, hơn cả việc mất thể diện, động thái của Mỹ sẽ tách công nghệ toàn cầu thành cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng buộc Trung Quốc phải tự phát triển các công nghệ sẵn có khác để đề phòng việc Mỹ cấm tiếp cận với công nghệ, một nỗ lực đầy tốn kém và có lẽ là không mấy thực tế.
Hãy nghĩ đến viễn cảnh Trung Quốc buộc phải đầu tư vào mọi loại công nghệ chỉ để đảm bảo sự độc lập, một nhà nghiên cứu giấu tên cho hay. Bất kỳ sự đột phá công nghệ nào có thể khiến những khoản đầu tư trong quá khứ trở nên vô giá trị - một viễn cảnh nguy hiểm và đáng sợ.
Cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang cho thấy rõ một cuộc cạnh tranh rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ganh đua để tranh vị trí dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến, từ 5G và điện toán lượng tử cho đến trí tuệ nhân tạo (AI) và các nỗ lực sử dụng công nghệ để chuyển biến nền kinh tế của Trung Quốc “vấp” phải ánh mắt không mấy thiện cảm từ phía Mỹ.
Bằng cách thêm các công ty AI hứa hẹn nhất của Trung Quốc vào danh sách đen vì lý do vi phạm nhân quyền, một số nhà quan sát cho rằng Mỹ đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc.
Cáo buộc vi phạm nhân quyền trên cho thấy Mỹ sẵn lòng sử dụng các phương pháp phi truyền thống để kìm hãm tham vọng công nghệ của Trung Quốc và làm mất danh tiếng là quốc gia xuất khẩu thiết bị giám sát chạy bằng AI cho các quốc gia khác.
Danh sách đen của Mỹ ngăn cấm các công ty trong danh sách mua công nghệ xuất xứ tại Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt từ Washington.
Trong khi đó, những nhà quan sát khác cho rằng động thái của Mỹ là một nỗ lực để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Vấn đề nhân quyền là một chiêu bài mới”, Yan Shuicheng, Giám đốc công nghệ của Yitu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Giống như kiểu Mỹ cảm thấy bị đe dọa”.
Yitu – công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt và công cụ sàng lọc ung thư bằng máy tính – là một trong những công ty AI bị đặt vào danh sách đen của Mỹ.
Động thái thêm các công ty vào danh sách đen diễn ra chỉ 2 ngày trước khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington để tham gia vào đàm phán thương mại. Hầu hết các công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen chuyên về công nghệ AI như nhận diện khuôn mặt và nhận diện giọng nói, vốn được sử dụng để theo dõi con người.
Thứ bị đe dọa là kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp chạy bằng AL với sản lượng kinh tế 10 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.4 ngàn tỉ USD) vào năm 2030. AI cũng đóng vai trò then chốt cho các ứng dụng có thể “lèo lái” nền kinh tế trong tương lai, từ xe hơi tự lái cho đến phẫu thuật bằng robot.
Công nghệ này cũng được dự báo thúc đẩy năng suất lao động trong bối cảnh lợi thế về nguồn nhân lực của Trung Quốc nhanh chóng biến mất.
Tại thời điểm này, tác động ngắn hạn đến tiến triển AI của Trung Quốc được cho là khá hạn chế, khi nhiều công ty bị đặt vào danh sách đen của Mỹ đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Thực ra, các công ty đã suy đoán trước đó rằng Washington đang cân nhắc thêm một số công ty AI vào danh sách đen từ tháng 5/2019.
Trong một thông báo nội bộ từ đầu tháng 10/2019, Yin Qi – Tổng Giám đốc của Megvii, công ty chuyên về nhận diện khuôn mặt ở Bắc Kinh – cho biết Công ty đã được chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chiến này.
Hikvision, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất của Trung Quốc – cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ. Họ cho biết việc gia tăng dự trữ linh kiện quan trọng là lý do chính đằng sau đà tăng 70% của hàng tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2019.
Tại một sự kiện giao tiếp với nhà đầu tư, Huang Fanghong, Phó Chủ tịch tại Hikvision, xác nhận rằng Công ty sẽ tiếp tục nhập một số sản phẩm từ Mỹ, chỉ 1 tuần sau khi lệnh cấm từ Mỹ, vì các nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp Mỹ không “hoàn toàn xuất xứ từ Mỹ”.
Dù vậy, động thái của Mỹ được dự báo sẽ có tác động đến sự phát triển AI của Trung Quốc – vốn đã nhanh chóng bắt kịp với Mỹ về phương diện các bài nghiên cứu và ứng dụng thiết thực. Ngoài ra, họ còn có lợi thế từ kho dữ liệu khổng lồ - vốn là nguyên liệu thô để đào tạo thuật toán.
Các lệnh ràng buộc của Mỹ cũng buộc các chuyên gia chính sách và doanh nghiệp Trung Quốc xem xét lại về sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công nghệ nước ngoài. Cũng bởi lẽ đó, các chuyên gia lên tiếng kêu gọi đầu tư và hỗ trợ cho các lĩnh vực then chốt.
“Chúng tôi từng quá thoải mái khi sử dụng nguồn cung từ Mỹ… Giờ chúng tôi sẽ đẩy nhanh để gia tăng khả năng tự lực cánh sinh”, Hu Yu, Chủ tịch của công ty nhận diện giọng nói iFlyTek, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Trong khoảng 1 tuần sau khi bị thêm vào danh sách đen, iFlyTek thông báo hai trong số các sản phẩm của họ - dịch vụ họp từ xa và dịch vụ phiên âm – chạy mượt mà trên bộ xử lý máy tính do Trung Quốc sản xuất.
Các công ty như SenseTime và Yitu cũng đang phát triển chip AI của chính họ, níu giữ hy vọng rằng theo thời gian, Trung Quốc có thể phát triển những công nghệ tương tự như Intel, Nvidia và Qualcomm tại quê nhà.
Vương Đông (Theo SCMP)
FiLi
|