Lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ trong đầu năm 2020
Xu hướng giảm nhẹ kể cả mức lãi suất huy động và cho vay ở các kỳ hạn ngắn có thể xảy ra vào đầu năm 2020.
PGS.TS Trương Quang Thông
|
Đó là dự báo của PGS.TS Trương Quang Thông - Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM về tình hình lãi suất đầu năm 2020. Ông nhận định xu hướng giảm nhẹ kể cả mức lãi suất huy động và cho vay ở các kỳ hạn ngắn có thể xảy ra vào đầu năm 2020. Với tình hình tăng trưởng kinh tế khá tốt như trong hai năm qua, với mức lạm phát khá thấp và được kiểm soát tốt, thì việc hình thành lãi suất cho vay ở mức dao động xung quanh 5%/năm là khá khả quan.
Chia sẻ thêm về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng vào chiều tối ngày 18/11 mới đây, PGS.TS Trương Quang Thông cho rằng, việc các ngân hàng sử dụng lãi suất để cạnh tranh đã không còn đúng như trước đây nữa. Nhóm Big 4 các ngân hàng thương mại Nhà nước, nhóm dẫn đạo thị trường với khoảng hơn 50% thị phần huy động vốn và cho vay, vừa qua đã chủ động giảm lãi suất cho vay.
“Đây là một tín hiệu tốt cho thấy mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ xuống còn khoảng 5%/năm có nhiều khả năng khả thi”, PGS.TS Thông nói thêm.
Rõ ràng, thanh khoản của nhóm Big 4 rất dồi dào, với chi phí vốn khá thấp, nên khả năng duy trì thanh khoản và gia tăng tín dụng là khá an toàn. Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian qua cũng đã đạt những thành quả nhất định, có tác động giảm sự lệ thuộc của hệ thống ngân hàng vào thu nhập lãi trong nỗ lực bù đắp các tổn thất, rủi ro trong các thời kỳ trước đó. Ngoài ra, xu hướng "công nghệ hóa" dịch vụ thanh toán cũng có tác động giảm nhu cầu sử dụng tiền mặt khiến cho thanh khoản ngân hàng dồi dào hơn, cũng sẽ làm giảm áp lực cạnh tranh trong huy động vốn.
Đồng thời, việc giảm lãi suất sẽ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện kích thích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự ổn định các điều kiện kinh tế vĩ mô, trong đó có lạm phát, cần được chú trọng để tiếp tục hỗ trợ mức lãi suất được duy trì ở mức thấp và ổn định.
Sau động thái hạ trần lãi suất của NHNN, ngay trong ngày đầu tiên có hiệu lực, các ngân hàng, dẫn đầu là nhóm Big 4 đã đồng loạt thay đổi biểu lãi suất của mình theo xu hướng giảm.
Cụ thể, Vietcombank (VCB) giảm đồng loạt 0.5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VNĐ của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019. Còn BIDV tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn thêm 0.2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn và giảm lãi suất cho vay thêm 0.2%- 0.5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5.5%/năm.
Trong khi đó, VietinBank giảm lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn tối đa từ 6.5%/năm xuống 6%/năm, áp dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển…
* NHNN: Hạ lãi suất tiền gửi từ ngày 19/11
* Hạ trần lãi suất giúp tiết giảm nguy cơ khủng hoảng do bong bóng tài sản
* Hạ trần lãi suất huy động sẽ tác động thế nào lên thị trường chứng khoán?
* Nhiều ngân hàng hồi đáp động thái hạ lãi suất tiền gửi của NHNN
Cát Lam
FILI
|