Eximbank chưa 'an cư' sao 'lạc nghiệp'
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB) là đơn vị niêm yết duy nhất mà mới cuối tháng 10-2019 đã công bố thông tin trên trang web và có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về nghị quyết hội đồng quản trị thống nhất lộ trình tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
* Giữa lùm xùm "ghế nóng", Eximbank báo lãi 9 tháng đi lùi so cùng kỳ
* Tòa án bác kháng cáo của Công ty Rồng Ngọc đối với Eximbank
Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: T.L
|
Theo đó ngày 22-11-2019 là thời điểm Eximbank chốt danh sách về việc ứng cử, đề cử nhân sự vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025; ngày 20-1-2020 ngân hàng dự kiến trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét danh sách nhân sự; ngày 10-3-2020 Eximbank chốt danh sách cổ đông tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên; và ngày 22-4-2020 sẽ là ngày dự tính diễn ra cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Nghị quyết trên được ký bởi ông Cao Xuân Ninh, vừa được phục chức chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng.
Vì sao Eximbank lại “sốt sắng” chuẩn bị cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm tới đến vậy trong khi ngân hàng này vẫn chưa tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019?
Nguồn tin từ NHNN cho biết Eximbank vừa bị xử phạt hành chính về việc chưa tổ chức được cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Thông thường, xử phạt hành chính không gây thiệt hại vật chất nặng nề vì số tiền nộp phạt không lớn, nhưng trong tương lai mỗi khi xem xét nhu cầu mở rộng mạng lưới hoặc cơ cấu mạng lưới (thí dụ chuyển chi nhánh, phòng giao dịch từ địa điểm này đến địa điểm khác...), cơ quan quản lý có thể sẽ không bỏ qua những lần xử phạt hành chính đối với một ngân hàng.
Vấn đề của Eximbank, vốn tồn tại từ nhiều năm nay, không phải yếu kém nghiệp vụ hay nợ xấu, mà là sự không đồng thuận, thống nhất, đoàn kết của các cổ đông lớn. Cứ vài tháng lại thấy có một đợt giao dịch thỏa thuận với khối lượng, giá trị cổ phiếu EIB tương đối lớn diễn ra. Thêm vào đó là những lần cổ đông thưa kiện nhau ra tòa. Đã từng xảy ra chuyện Hội đồng quản trị Eximbank họp, miễn nhiệm chức chủ tịch của người đương nhiệm, cử người khác thay thế, rồi vài tuần sau, theo quyết định của tòa án, lại phục hồi chức vụ cho người bị bãi miễn.
Trao đổi với người viết bài này, một quan chức của NHNN chi nhánh TPHCM phân tích rằng, NHNN quản lý Eximbank theo đúng luật. Ông cho biết các chỉ số tài chính của Eximbank tốt, kinh doanh có lãi dù mức lợi nhuận đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép, không có cạnh tranh huy động vốn hay tăng trưởng tín dụng thiếu lành mạnh... Còn cơ cấu cổ đông, NHNN không can thiệp. NHNN thực hiện thanh tra, giám sát và nếu cổ đông nào vi phạm quy định, sẽ bị xử lý nghiêm. NHNN nhấn mạnh nếu phát hiện cổ đông sở hữu cổ phiếu EIB không phải bằng tiền thật, mà vay mượn thông qua thế chấp cổ phiếu EIB ở nơi khác, ảnh hưởng đến sở hữu chéo, thì sẽ buộc phải nộp tiền thật vào hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đầu tư bằng tiền thật.
Trên thực tế nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng nói chung của cổ đông trong nước hiện nay ngày càng phức tạp. Một số nhóm nhà đầu tư đã lập ra những pháp nhân chỉ chuyên để vay mượn vốn ngân hàng và tài sản bảo đảm cho khoản vay rất đa dạng, được sang nhượng dưới tên nhiều người. Trong trường hợp cổ đông đương nhiệm của ngân hàng lại có quan hệ với các nhóm nhà đầu tư này nọ, việc kiểm tra đường đi (sử dụng) của đồng vốn vay trở nên khó khăn. Một số tập đoàn tư nhân có tới 30-40 công ty con, cháu, chắt mà tài sản cũng như nguồn vốn vay bị chia nhỏ, rải ra. Công ty A vay, nhưng lại cho công ty B sử dụng vốn, còn tài sản thế chấp là của công ty C. Việc thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, vì thế, tốn kém rất nhiều thời gian và công sức.
Eximbank trước đây đóng trụ sở chính trên đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM, trên một khu đất rộng, ba mặt tiền đường, vị trí thuận lợi cho cả khách hàng đến giao dịch cũng như việc kinh doanh của ngân hàng. Sau này ngân hàng quyết định xây nhà cao tầng làm trụ sở, nên thuê nơi khác làm trụ sở tạm thời. Tuy vậy, dự án xây trụ sở cứ bị đình trệ năm này qua năm khác vì hội đồng quản trị không đồng thuận, nên không thống nhất được cả chuyện khởi công xây trụ sở. Khu đất đẹp bị bỏ không trong khi Eximbank hàng năm phải trả khoản tiền lớn cho việc thuê trụ sở, tác động không nhỏ đến lợi nhuận. Chi nhánh TPHCM của Eximbank , kể từ khi rời “nhà” khỏi Lê Thị Hồng Gấm, đã thay địa điểm tới 3-4 lần.
Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Eximbank sẽ bầu nhân sự mới cho nhiệm kỳ năm năm tiếp theo - một vấn đề còn nan giải hơn cuộc họp đại hội đồng thường niên những năm trước. Một số cổ đông lớn của Eximbank sở hữu cổ phiếu đã nhiều năm và càng nắm giữ lâu họ càng đối mặt với thua lỗ nếu đầu tư bằng tiền vay mượn do lãi mẹ đẻ lãi con. Muốn “rút chân” ra, họ đợi cổ phiếu EIB lên giá. Còn cổ phiếu EIB thì không thể tăng được một khi cổ đông ngân hàng vẫn chưa đoàn kết, đồng lòng. Đấy là cái vòng luẩn quẩn, không an cư sao lạc nghiệp được?
Hải Lý
TBKTSG