Cảnh báo từ những công ty 'đa cấp' công nghệ cao lãi suất 200-600%/năm
Tiền ảo, thương mại điện tử là 2 trong 5 lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 được các đối tượng hoạt động theo hình thức đa cấp, mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) sử dụng để kêu gọi vốn từ các “nhà đầu tư”.
* Nở rộ tội phạm công nghệ cao giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án...lừa đảo tài sản
* Ví điện tử PayAsian vẫn 'hứa hẹn' sau khi bị cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo
* Nhiều ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới
Do thiếu hiểu biết, lại dễ bị mức lãi suất cao đến mức vô lý của các đối tượng mời dụ, nhiều nạn nhân đã đổ vào cả bạc tỷ chỉ để lấy về những đồng tiền ảo vô giá trị và ngồi chờ tiền… lên giá.
Từ công ty công nghệ…
Mới đây, Bộ Công an cảnh báo, hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ Eagle Rock Global (ERG) thực chất là mô hình Ponzi và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Theo cảnh báo này, Công ty ERG được giới thiệu là: Công ty Tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu; tập trung mạnh mẽ vào 5 lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là trading (thương mại), mining (khai thác tiền ảo), game (trò chơi trực tuyến), paid to click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), ecommerce (thương mại điện tử).
Công ty Tài chính công nghệ ERG thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC có địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh; mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử và tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn là 180 %/năm.
Tuy nhiên qua kiểm tra của Bộ Công an, công ty này không được cơ quan nào của Anh cấp phép; các trang web hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ERG không đăng ký hoạt động tại Việt Nam; ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp...
Hình thức hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính công nghệ ERG là: Nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG thì phải cài đặt ứng dụng do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Để thêm phần tin tưởng, công ty này còn đưa ra những hình ảnh các buổi hội thảo với hàng ngàn người tham gia, tên của các chuyên gia trực tiếp điều hành công ty. Tuy nhiên theo một số diễn đàn công nghệ, không thể tìm thấy thông tin của những người được cho là chuyên gia này ở trên mạng xã hội cũng như các diễn đàn trực tuyến khác nhau.
Những cuộc hội thảo được đăng tải trên mạng xã hội của ERG.
|
Khi mời gọi tham gia vào ERG, nhà đầu tư sẽ được giới thiệu 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/gói đến 1 triệu USD/gói; lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6%/tháng đến 15%/tháng, tương đương 180 %/năm.
Để đầu tư các gói này, nhà đầu tư có 2 hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Tài chính công nghệ ERG là: Chuyển tiền Việt Nam đồng vào tài khoản của người bán (là các thành viên của ERG) để mua “USD ảo” được hiển thị trên tài khoản ERG khởi tạo của mình; hoặc chuyển các loại tiền điện tử (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin) tích hợp được vào ví ERG để đầu tư.
Ngoài ra để thu hút thêm người tham gia, công ty này còn hoạt động theo mô hình đa cấp, mỗi một gói đầu tư đều có gói hoa hồng giới thiệu. Ví dụ, nếu nhà đầu tư trước mời được khách hàng khác đầu tư gói 50.000 USD vào hệ thống, thì người giới thiệu sẽ được nhận 6% hoa hồng cho F1, 5% cho F2 và 3% cho F3...
Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được ERG trả lãi bằng tiền “USD ảo” có trong ứng dụng ERG được cài đặt trong điện thoại; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “USD ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống ERG, không bán được ra ngoài hệ thống. Trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng ERG bị sập, nhà đầu tư sẽ mất tiền, tương tự như một số sàn tiền ảo bị sập hồi đầu năm 2018 khiến cho nhiều người tại Việt Nam bị mất trắng các khoản tiền đã đầu tư...
Tiền ảo lãi suất 600%/năm
Ngoài Công ty ERG nói trên, hiện tại còn nhiều đối tượng hoạt động theo mô hình, cách thức tương tự như trên. Vẫn bằng hình thức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để giới thiệu về một cơ hội làm giàu không khó trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các đối tượng này đã đưa ra những gói đầu tư với mức lãi suất “khủng” để các nạn nhân đổ tiền vào.
Qua tìm hiểu, phóng viên Chuyên đề CSTC đã liên hệ và trò chuyện với một nạn nhân của loại hình đầu tư tiền ảo, công nghệ số theo mô hình đa cấp này là chị L.T.N (Ba Đình, Hà Nội). Chị N. cho biết, mình là nạn nhân của một công ty tiền ảo khác, đã “đổ” vào đây rất nhiều tiền nhưng chưa biết khi nào thu hồi được số tiền đó như những người giới thiệu đã hứa hẹn.
“Tôi được một số người quen mời tham gia đầu tư vào công ty tiền ảo này, họ nói đầu tư gói cao nhất lãi suất lên tới 600%/năm, nghĩa là mua gói hơn 20 ngàn USD thì chỉ cần 60 ngày là hoàn gốc. Nghe thấy lãi suất cao, lại không cần làm gì cũng có tiền nên tôi mua hơn 1 tỷ, người giới thiệu nói mỗi ngày tôi sẽ nhận được 300 USD tiền lãi, nhưng chỉ nhận được tiền có vài ngày là không thấy tiền về nữa. Thay vào đó họ trả tôi bằng tiền ảo do công ty này phát hành, tiền này chẳng biết dùng để làm gì và bán cho ai…”, chị N. kể.
Khi đem câu hỏi này đặt ra với những người đã giới thiệu mình vào mạng lưới tiền ảo này, chị N. được giải thích số tiền ảo chị được nhận về có giá trị tương đương với tiền lãi mà hệ thống đã hứa hẹn. Tuy nhiên, phải đợi đến khi đồng tiền này “lên sàn” thì nó mới có giá trị và mới có thể bán đi được. Người này vẫn tiếp tục mê hoặc nạn nhân bằng việc dựng lên một viễn cảnh tươi đẹp, khi đồng tiền lên sàn sẽ có giá trị lớn và sẽ đem lại thu nhập “khủng” cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, có một cách khác để chị này có thể thu hồi lại vốn đã bỏ ra đó là giới thiệu thêm người vào hệ thống, từ đó “thanh khoản” số tiền ảo đó cho người mới thì sẽ nhận lại 50% số tiền mà thành viên mới đóng vào. Cụ thể, nếu chị N. giới thiệu được một người mua vào gói 20 ngàn USD, chị này có thể được nhận 10 ngàn USD để giải phóng số tiền ảo có sẵn.
Mức đầu tư và lãi suất “khủng” đưa ra để lôi kéo người tham gia.
|
“Mọi hoạt động giao dịch này đều hoạt động trên một ứng dụng mà họ cài sẵn trên điện thoại cho tôi, không thể tìm thấy trên kho ứng dụng mà mình thường sử dụng. Mà ứng dụng này toàn tiếng Anh nên họ hướng dẫn thế nào, giải thích ra sao mình cũng biết như thế. Những ngày đầu thấy tiền về thì tôi cũng không nghi ngờ gì nên còn mua thêm mấy gói khác nữa”, chị N. bức xúc.
Cũng theo chị này, còn nhiều nạn nhân khác đã đem tiền đầu tư vào hệ thống tiền ảo UTK này đang vô cùng bức xúc vì không thấy tiền về như hứa hẹn. Chỉ có một số người mới tham gia thông báo là tiền vẫn về, một chiêu trò quen thuộc để mời dụ những người mới đổ tiền vào sàn giao dịch ảo này. Được biết, hầu hết những người đầu tư đều là người buôn bán hoặc ít quan tâm, hiểu biết về công nghệ hay tin tức thời sự, khi được mời chào thì chỉ nhìn vào lãi suất và việc “không làm gì cũng có tiền” mà móc hầu bao.
Đầu tư một số tiền lớn lên tới hơn 1 tỷ đồng, nhưng cho tới nay chị N. chưa nhận được một bản cam kết hay hợp đồng gì có giá trị về mặt pháp lý để thể hiện điều đó. Mọi hoạt động mua bán đều được thực hiện trên ứng dụng mà nhóm “tuyến trên” cài đặt cho, điều đó đồng nghĩa với việc các nạn nhân có nguy cơ mất trắng số tiền khi “sập sàn”. Và như đã cảnh báo trước, 2 ngày sau cuộc trò chuyện với chị N., nạn nhân này cho biết ứng dụng giao dịch tiền ảo đã bị “sập” khiến hàng chục nhà đầu tư đang rất hoang mang.
Hiện tại, các đồng tiền mã hóa không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào trên thế giới, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền điện tử nào. Để quản lý được tiền ảo, tài sản ảo, hiện chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng hành lang pháp lý.
Đáng lo ngại, các giao dịch nộp tiền để tham gia bằng tiền mã hóa này có tính ẩn danh cao nên rất khó có thể xác thực danh tính của người sở hữu tiền mã hóa.... Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản...
Bộ Công an đã khuyến cáo, hiện tại Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động như ERG, vì nhà đầu tư không biết, không xác thực được tên công ty, trụ sở công ty này ở đâu; những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ đầu tư qua môi giới, sau khi gửi tiền thì không được nhận bất cứ giấy tờ hay biên lai gì.
|
Vietnamnet
|