Ngân hàng mạnh: Có gieo mới được hái quả
Cơ hội để xây dựng những ngân hàng (NH) mạnh không nhiều. Nhà nước có đầu tư, khi các NH này đủ mạnh, "một đồng vốn té bốn đồng lời", ngân sách mới bội thu.
* TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo vốn pháp định theo quy định
* Những ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất cho vay
* Nhiều ngân hàng hồi đáp động thái hạ lãi suất tiền gửi của NHNN
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2020 ngành ngân hàng (NH) giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Sau đó, đã có ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) công bố cắt giảm lãi suất.
Động thái này cho thấy ngành NH nói chung và 4 NHTMNN nói riêng đang trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhưng muốn làm bệ đỡ, hệ thống NH phải mạnh, vững. Mạnh, vững chính là tuân thủ tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế (gọi là Basel II), áp dụng từ đầu năm 2020. Hiểu đơn giản là tính bền vững trong hoạt động NH được xác định trên "năng lực vốn" và các thước đo đi kèm.
Vì thế, các NH, đặc biệt là NHTMNN, đang vắt óc tìm cách tăng vốn, như gọi vốn từ cổ đông (với NH niêm yết cổ phiếu), gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại (cần thời gian và tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu)...
Tuy vậy, việc gọi vốn không trôi chảy trong khi các NH phải đẩy mạnh cho vay khiến cho hệ số an toàn vốn của các NH giảm sút. Khi hệ số an toàn vốn chưa hoàn hảo (quy định là 8%), các NH phải cơ cấu lại danh mục cho vay, gọt chân cho vừa giày, khó lòng đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Điều này mâu thuẫn với chủ trương đưa NH trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đến nay mới có 10 NH, nhưng chỉ duy nhất một NHTMNN - vốn được xem là anh cả của hệ thống NH - là VCB được NHNN công nhận đáp ứng Basel II, còn lại là 9 NH cổ phần tư nhân.
Vừa qua, KEB Hana Bank tham gia 15% vốn vào BIDV; khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của BIDV đạt hơn 40.220 tỉ đồng, trở thành NH có vốn lớn nhất Việt Nam. Nhưng quá trình gọi vốn này mất 2 năm.
VietinBank muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc dùng toàn bộ lợi nhuận làm ra để tăng vốn, nhưng phương án này chưa được thông qua. Lý do là Nhà nước - chủ sở hữu các NHTMNN - muốn được chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ở đây đang nảy sinh mâu thuẫn. Chính phủ chủ trương NH phải hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhưng chưa sẵn lòng đầu tư cho các NH này. Vì thế, hệ số an toàn vốn của 4 NHTMNN đang thấp hơn mức bình quân của các NH trong nước.
Không thể duy trì mãi vòng luẩn quẩn này. Phải có đột phá để có những NH mạnh, bắn một mũi tên trúng nhiều đích, mới tạo ra những NH Việt có tầm trong khu vực.
Giải pháp là gì? Phải ưu tiên sử dụng nguồn lực hiện có để tăng vốn, sử dụng toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn và có cơ chế đánh giá tích sản hiện có để ghi nhận lại giá trị vốn chủ chênh lệch so với giá trị sổ sách.
Tính đến tháng 6-2019, lợi nhuận chưa phân phối của VCB là 24.263 tỉ đồng, VietinBank 16.232 tỉ, Agribank 12.039 tỉ và BIDV 14.138 tỉ đồng... Còn thặng dư của VCB và VietinBank lần lượt là 4.995 tỉ và 8.975 tỉ đồng.
Cách thứ hai phụ thuộc nhiều vào cách thứ nhất: có tăng nội lực, ăn nên làm ra, các NHTMNN ngày càng quyến rũ hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đó là lúc gọi vốn ngoại tốt nhất.
Cách thứ ba là gọi vốn qua sàn chứng khoán thông qua các "rổ chỉ số" nhằm thu hút các quỹ nước ngoài (ETF) đang sẵn sàng rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Cơ hội để xây dựng những NH mạnh không nhiều. Đừng để NHTMNN rơi vào cảnh "dưới mức bình quân chung", anh lại không bằng em. Có gieo mới được hái quả, đừng tận thu quá sớm.
Nhà nước có đầu tư, khi các NH này đủ mạnh, "một đồng vốn té bốn đồng lời", ngân sách mới bội thu.
ĐẶNG VĂN THÀNH (Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cựu Chủ tịch Sacombank)
Tuổi trẻ