Giảm lãi suất ngắn hạn: Liệu có cuộc đua lãi suất dài hạn?
Bắt đầu từ ngày 19/11, theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng (NH) đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn bằng VND đối với kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, nhiều NH vẫn neo lãi suất trung - dài hạn ở mức cao. Liệu có cuộc đua lãi suất dài hạn vào dịp cuối năm khi việc định mức lãi suất này vẫn thuộc quyền chủ động của các NH?
Hiện SCB là một trong số ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất huy động cao ở kỳ hạn trung - dài hạn.
Ảnh minh họa
|
Một mũi tên trúng nhiều đích
Với 2 quyết định ban hành ngày 18/11/2019 có hiệu lực ngay ngày 19/11/2019 (Quyết định 2415/QĐ-NHNN và Quyết định số 2416/QĐ-NHNN), cả lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn (dưới 6 tháng) đều giảm 0,5%.
Theo NHNN, căn cứ để ban hành 2 văn bản quan trọng này là thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay và trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối.
NHNN cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.
Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%).
Nhận xét về động thái giảm lãi suất của NHNN, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực cho rằng, xu hướng trên thế giới hiện nay các nước cũng đang cắt giảm lãi suất, Việt Nam năm nay dự báo lạm phát thấp, xung quanh mức 3%, do đó việc giảm lãi suất lần này không quá áp lực đối với lạm phát, kể cả dịp cuối năm.
Còn đối với doanh nghiệp (DN), việc giảm lãi suất cho vay, dù chỉ là lãi suất ngắn hạn và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên thì đây được xem là tin mừng và qua đó có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Lãnh đạo một NH TMCP cũng kỳ vọng với việc điều chỉnh giảm lãi suất ngắn hạn lần này, khả năng người gửi tiền sẽ cân nhắc gửi dài hạn, giúp các ngân giải bài toán an toàn vốn trước khi NHNN “siết” tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn không quá 30% dự kiến vào năm 2021.
Chuyên gia nhận định
Trong số gần 20 NH được khảo sát vào thời điểm trước khi có Quyết định giảm lãi suất của NHNN, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,4%/năm. Các mức lãi suất trên 8,0%/năm là khá phổ biến.
Theo biểu lãi suất mới từ ngày 19/11, ngoài lãi suất ngắn hạn điều chỉnh, một số NH đã bắt đầu “hạ nhiệt” lãi suất dài hạn như NCB đã “hạ nhiệt” mức lãi suất cao nhất 8,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng xuống còn 8,3%. Tuy nhiên, nhiều NH vẫn giữ nguyên biểu lãi suất với mức lãi suất huy động khá cao như SCB với sản phẩm tiết kiệm Đắc Lộc Phát, Đắc Lộc Tài, lãi suất cuối kỳ lên tới 8,55%/năm (kỳ hạn từ 13 tháng - 36 tháng)…
Việc NHNN “thả lỏng” lãi suất đối với kỳ hạn trung - dài hạn cũng không phải không có ý kiến tỏ ra lo ngại về cuộc đua lãi suất trung và dài hạn nhằm lôi kéo khách hàng và nguồn tiền về NH mình. TS Cấn Văn Lực cho rằng sẽ không có cuộc đua nào cả. Theo ông, thời buổi hiện nay kinh doanh đều dựa trên quan hệ cung - cầu, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất và bền vững hơn:
“Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng và DN cần huy động trung - dài hạn cũng là để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình và đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn (như Basel II hay quản trị DN theo chuẩn mực). Từ nay đến cuối năm 2019, chúng tôi dự báo lãi suất huy động sẽ giảm nhẹ (ở kỳ hạn ngắn), sẽ cơ bản giữ nguyên ở kỳ hạn dài…”- Chuyên gia này nhận định.
Cụ thể, TS Lực cho rằng, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND và các lĩnh vực ưu tiên có thể sẽ giảm nhẹ, còn giảm sâu hơn cũng khó vì nếu lãi suất huy động giảm nhiều, người dân sẽ chuyển dịch sang kênh đầu tư khác; còn nều lãi suất cho vay giảm nhiều, sẽ khiến lợi nhuận hệ thống NH khó đảm bảo (vì hiện chênh lệch lãi suất huy động - cho vay ròng đang ở mức khoảng 2,7% - khá thấp so với mức 3-3,3% của khu vực).
“Về lâu dài, tôi hiểu rằng, NHNN cũng đang có lộ trình giảm dần công cụ hành chính (như trần lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng...), mà thay vào đó, quản lý bằng các công cụ mang tính thị trường hơn, gián tiếp nhiều hơn... Khi đó, lãi suất huy động và cho vay sẽ trên cơ sở thỏa thuận nhiều hơn...”- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Thanh Thanh
Pháp luật VN