Thứ Tư, 27/11/2019 08:50

Doanh nghiệp dễ dàng 'thao túng' quy hoạch

Sáng nay 27-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Xây dựng (sửa đổi). Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Lê Quang Huy – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quanh những nội dung chính sửa đổi lần này.

Doanh nghiệp dễ dàng thao túng quy hoạch - Ảnh 1.
Ông Lê Quang Huy – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Lê Quang Huy chia sẻ: "Vi phạm xây dựng xảy ra cả ở đô thị và nông thôn. Đặc biệt ở các đô thị, là nơi có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng, các DN xây dựng thường có xu hướng tăng tầng cao, tăng mật độ, giảm diện tích các công trình công ích dẫn đến mật độ dân đông, thiếu không gian công cộng, gây nên gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Điện, nước, bệnh viện, trường học ... khó có thể đáp ứng được".

*Tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương là do thiếu luật hay do quản lý kém, thưa ông?

Liên quan đến cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép đã có nhiều định chế, pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ. Ngoài Luật Xây dựng còn có pháp luật về Quy hoạch, Kiến trúc, Xử lý vi phạm hành chính, Thanh tra.... 

Vấn đề chính nằm ở chỗ kỷ cương, kỷ luật thực thi, tổ chức pháp luật chưa nghiêm. Nhiều dự án, công trình không phải không phát hiện được vi phạm pháp luật, sai giấy phép xây dựng, chưa được cấp giấy phép nhưng xử lý chậm trễ, không triệt để.

Doanh nghiệp dễ dàng thao túng quy hoạch - Ảnh 2.
Một dự án vi phạm trên địa bàn quận 7, TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG

Do đó, nếu sửa đổi Luật Xây dựng lần này nên theo hướng quy định thật rõ trách nhiệm các chủ thể. Trong đó các cơ quan thanh, kiểm tra chuyên ngành và chính quyền cấp cơ sở phải có trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đồng thời có chế tài răn đe mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng vẫn là kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực xây dựng, trong quản lý trật tự xây dựng cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn.

*Doanh nghiệp vẫn dễ dàng "thao túng" để điều chỉnh tăng tầng cao, mật độ xây dựng?

Các bộ, ngành quản lý xây dựng và địa phương rất tích cực trong xây dựng và thực thi các quy hoạch. Tuy nhiên khi thực thi cấp phép có những vi phạm pháp luật trật tự xây dựng, trong đó liên quan nhiều đến điều chỉnh quy hoạch. 

Trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết. Các quy hoạch này khi lập và thực hiện rất phụ thuộc vào ý chí của chủ đầu tư. Do vậy, chất lượng quy hoạch, tầm dự báo, kết nối quy hoạch... còn hạn chế. Mặt khác nhà đầu tư nào cũng muốn lợi nhất cho họ. 

Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải hết sức công tâm, vì lợi ích chung để một mặt vừa hỗ trợ, ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho cho nhà đầu tư nhưng mặt khác phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng...

Ông Lê Quang Huy - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

*Còn việc quản lý, cấp phép xây dựng ở nông thôn sắp tới sẽ điều chỉnh như thế nào?

Lần này, nội dung dự thảo Luật Xây dựng có điều chỉnh quy định về cấp giấy phép xây dựng ở nông thôn. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nới rộng hay quản lý chặt hơn. 

Theo tôi, việc tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực nông thôn, miễn giấy phép xây dựng cho những khu vực chưa có quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn để người dân, DN đầu tư, xây dựng thuận lợi hơn là đúng đắn. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu không quản lý chặt chẽ, đặc biệt những khu vực nông thôn giáp ranh với đô thị, khu vực nông thôn chuẩn bị nâng cấp lên đô thị... thì sau một thời gian sẽ có hệ lụy rất lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, môi trưởng, cảnh quan, an ninh, quốc phòng... 

Cho nên đối với khu vực nông thôn, theo tôi, cần quản lý chặt chẽ hơn về trật tự xây dựng theo lộ trình hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Xem xét sửa đổi đơn giản thủ tục

*Thưa ông, Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua năm 2014 nhưng đến nay lại được sửa đổi. Phải chăng có những hạn chế, bất cập khi thực thi luật này?

Sau 4 năm nhìn lại, Luật Xây dựng 2014 có những hạn chế, bất cập. Ví dụ việc phân loại đầu tư dự án, hiện luật chỉ phân thành hai loại dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhà nước là chưa đủ. Bởi hiện nay đã có dự án vốn đầu tư công, vốn ngoài đầu tư công, vốn tư nhân, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư… 

Hoặc mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng trong Luật Xây dựng 2014 đã cố gắng tiếp cận theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, nhưng thực tiễn bộc lộ những hạn chế. Các bộ ngành có số lượng, quy mô dự án khác nhau, áp chung một mô hình sẽ rất bất cập. Có bộ ngành lập và "nuôi" bộ máy quản lý nhưng dự án không nhiều dẫn đến bộ máy nhân lực cồng kềnh, tính chuyên nghiệp không cao.

"Tư nhân bỏ vốn ra người ta tự chịu trách nhiệm về hiệu quả vốn của họ. Quản lý chặt chẽ tất cả các khâu đối với dự án đầu tư xây dựng chỉ nên áp dụng với những dự án có vốn đầu tư ngân sách nhà nước, đầu tư công hoặc những dự án có tác động lớn với cộng đồng".

Ông Lê Quang Huy - phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

*Doanh nghiệp và người dân lâu nay "kêu trời" về việc các thủ tục về đầu tư, xây dựng quá nhiêu khê, chồng chéo. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra có nhìn thẳng thực tế này không?

Chính phủ, trực tiếp là Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương rất nỗ lực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. 

Nhiều địa phương đặc biệt các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thời gian xử lý nhanh hơn.

Doanh nghiệp dễ dàng thao túng quy hoạch - Ảnh 5.
Quy trình, thủ tục xây dựng vẫn còn nhiêu khê, chồng chéo, nhiều rào cản ảnh hưởng hoạt động đầu tư của DN. Trong ảnh: Một số dự án bất động sản ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thế nhưng quy trình, thủ tục xây dựng vẫn còn nhiêu khê, chồng chéo, nhiều rào cản ảnh hưởng hoạt động đầu tư của DN. Thí dụ các thủ tục thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng có những chi tiết trùng lắp hoặc chưa thực sự hợp lý. Có những nội dung có thể làm đồng thời, song song để giảm bớt thời gian. 

Hoặc có những nội dung cơ quan cấp trên đã thẩm định chặt chẽ nhưng lại phải xin phép cơ quan cấp dưới. Như vậy vừa mất thời gian, vừa gây khó cho doanh nghiệp. Do vậy, sửa đổi Luật lần này cần xem xét, nghiên cứu bổ sung để làm sao đơn giản hóa, hợp lý hóa quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư xây dựng.

*Lâu nay nhiều người nhìn nhận việc "bày" ra nhiều thủ tục chồng chéo là cách để các cơ quan "cài cắm" kéo lợi ích về cho mình. Cơ quan thẩm tra đã nhìn nhận ra bất cập nhưng liệu việc sửa đổi thì sao?

Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức hôi nghị, hội thảo, làm việc với các chuyên gia, DN, hiệp hội… và đã nhận diện những khó khăn, hạn chế, bất cập ấy và đã thể hiện rất đầy đủ trong báo cáo thẩm tra.

Để tránh những cái lợi ích cục bộ, chúng tôi đã rà soát các định chế sửa đổi trong luật lần này để cân nhắc, cân bằng giữa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN nhưng không buông lỏng quản lý. 

Đặc biệt lưu ý các quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng với các DN, người dân làm cơ sở pháp lý để kiểm soát, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhưng vừa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, tránh lợi ích cục bộ.

Luật Xây dựng năm 2014 có xu hướng siết chặt về quản lý nhà nước hơn so với Luật năm 2003 trong hoạt động đầu tư xây dựng. Sau 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực, đã bộc lộ bất cập, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước không nhất thiết phải quản lý ôm đồm.

Những DN tư nhân tự bỏ vốn bỏ ra xây dựng các dự án, Nhà nước chỉ kiểm soát những gì thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước như tuân thủ quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, an toàn, môi trường, quy chuẩn, tiêu chuẩn... 

Còn những nội dung khác không cần kiểm soát, chủ đầu tư hoàn toàn tự quyết định. Từ đó tránh hiện tượng cơ quan nhà nước quá lo lắng, thẩm định các nội dung như tổng mức đầu tư, dự toán...

*Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội :

Quy định chặt chẽ trách nhiệm quản lý

Hiện nay luật quản lý hoạt động xây dựn không thiếu và chúng ta có cả một đội ngũ xây dựng hùng hậu nhưng tình trạng vi phạm xây dựng vẫn diễn ra tràn lan. Vậy rõ ràng cách quản lý có vấn đề.

Một nhà dân trong ngõ ngách vừa sửa một chút đã có cán bộ, công chức xuất hiện. Nhưng có những công trình xây dựng sai phạm lừng lững lại nói không ai biết. Nhiều vụ việc sai phạm vừa qua đã phơi bày những yếu kém trong quản lý.

Việc tổ chức thực hiện luật không nghiêm dẫn đến người dân, doanh nghiệp "nhờn luật". Do vậy, luật điều chỉnh phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong việc kiểm soát hoạt động xây dựng. Khi đó tổ chức, cá nhân buông lỏng phải bị xử lý, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý của mình.

TIẾN LONG thực hiện

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Quốc hội giao quyền cho Chính phủ lựa chọn chủ đầu tư sân bay Long Thành (27/11/2019)

>   Chính phủ không bảo lãnh vốn giai đoạn 1 sân bay Long Thành (26/11/2019)

>   Dự án đường sắt 100.000 tỉ đồng: Phải tỉnh táo! (26/11/2019)

>   Điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài, phục vụ 100 triệu hành khách/năm (26/11/2019)

>   Tiếp tục lùi các dự án mở rộng cửa ngõ TP.HCM (26/11/2019)

>   Trung Quốc hỗ trợ lập quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng? (25/11/2019)

>   Giữa tháng 12-2019 khởi công đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 (25/11/2019)

>   Nghiên cứu vay vốn từ Thụy Điển làm sân bay Long Thành (25/11/2019)

>   Cocobay Đà Nẵng - dự án Condotel đầu tiên 'vỡ trận' về lợi nhuận cam kết (25/11/2019)

>   GS Đặng Hùng Võ: Tăng thuế để hạn chế dân di cư vào Hà Nội, TP.HCM (23/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật