Dự án đường sắt 100.000 tỉ đồng: Phải tỉnh táo!
Trước việc Bộ Giao thông Vận tải xin đầu tư dự án đường sắt mới 100.000 tỉ đồng, nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán kỹ, nên ưu tiên tập trung nguồn lực cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Chiều 25-11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có thông cáo báo chí về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư ước 100.000 tỉ đồng mà báo chí phản ánh.
Quan trọng nên phải làm?
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong khi hàng loạt dự án đường sắt triển khai cả chục năm vẫn đang ì ạch, đội vốn cả trăm ngàn tỉ đồng thì Bộ GTVT lại xin đầu tư dự án đường sắt có vốn đầu tư "khủng" này. Điều mà dư luận lo ngại là với việc Trung Quốc tham gia viện trợ vốn không hoàn lại, dự án khó tránh lọt vào tay các nhà thầu nước này, chưa kể đến các vấn đề về an ninh quốc gia.
Dù vậy, tại thông cáo ngày 25-11, Bộ GTVT tái khẳng định tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng. Tuyến đường sắt này chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam. Với tầm quan trọng như vậy nên trong "Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050" và "Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng phê duyệt, cũng đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo phê duyệt, toàn tuyến có chiều dài dự kiến khoảng 380 km, đường đôi khổ 1.435 mm điện khí hóa.
Liên quan đến phương án quy hoạch tuyến đường sắt do một nhà tư vấn Trung Quốc thực hiện, đó là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc, Bộ GTVT giải thích: "Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu nhân dân tệ để khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392 km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng".
Cũng theo Bộ GTVT, sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch và căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, bộ sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật. "Dự án sẽ được trình Quốc hội (QH) xem xét thông qua về chủ trương đầu tư. Vì vậy, khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc triển khai sẽ được tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, tham khảo ý kiến nhân dân, chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhất là quy mô, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn trước khi trình cấp có thẩm quyền xem thẩm định, phê duyệt" - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) trì trệ, đội vốn, nhiều điểm biến thành nơi họp chợ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
|
Đừng quá lệ thuộc nước ngoài
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều cùng ngày, đại biểu (ĐB) QH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nước ta đang chuẩn bị triển khai làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, do đó ưu tiên số 1 phải tập trung nguồn lực cho tuyến đường sắt này. Dù tuyến đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng có vị trí quan trọng nhưng không thể so sánh về tầm quan trọng hay thứ tự ưu tiên so với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vì thế, cần tính toán thận trọng lộ trình triển khai.
"Tôi cho rằng dự án này có thể nghiên cứu, xem xét nhưng nên đặt trong một lộ trình sau, dành ưu tiên cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng như ưu tiên hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị đang dang dở" - ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Dẫn chứng thêm về các dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ, đội vốn cả trăm ngàn tỉ đồng để lấy đây làm bài học kinh nghiệm, ông Cường góp ý: "Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận như thế nào, cách làm làm sao, để không còn tình trạng chậm tiến độ, đội vốn. Bên cạnh đó, chúng ta phải làm sao để doanh nghiệp trong nước làm chủ được công nghệ làm đường sắt đô thị, không thể như hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, chúng ta sẽ chủ động hơn, không chỉ các dự án trước mắt mà là cả quá trình lâu dài".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng đường sắt ở Việt Nam có rất nhiều dự án khác nhau, trước khi triển khai đều được đánh giá tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. "Bộ GTVT cần phải trả lời cho cử tri biết lý do để làm dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mà như báo chí nêu là tổng kinh phí ước khoảng 100.000 tỉ đồng" - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, đồng thời lưu ý HĐND các địa phương có dự án đi qua cũng phải vào giám sát ngay khi dự án khởi động triển khai để tránh tình trạng làm rồi mới giám sát, cho ý kiến.
Nối với Trung Quốc
Theo quy hoạch do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 392 km, trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu - Trung Quốc với Lào Cai dài 5,6 km. Trên tuyến cần xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25 km; 38 nhà ga. Toàn tuyến đi qua 8 tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỉ đồng.
|
* Trung Quốc hỗ trợ lập quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng?
* 'Đốt' tiền, đội vốn phi mã, đường sắt vẫn xin đầu tư
* Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chậm 12 năm, đội vốn 16.000 tỉ
* Đường sắt 100.000 tỷ vay vốn Trung Quốc: Chuyên gia nói 'quá lãng phí và vô lý'
Văn Duẩn
Người lao động