Chỉ 41 địa phương đã có 18.268 tỉ đồng quỹ ngoài ngân sách xài không hiệu quả
Số thu của các quỹ tài chính ngoài ngân sách của 41 địa phương không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2013 khoảng 8.074 tỉ đồng, đến 2018 đã tăng lên 18.268 tỉ đồng. Nhưng theo Bộ Tài chính, đây là thống kê chưa đầy đủ.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
|
Nguồn thu 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách (QTCNNS) do trung ương quản lý trong năm 2019 ước đạt khoảng 502.200 tỉ đồng, tương đương khoảng 40% tổng thu ngân sách của cả nước. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thu quỹ hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng hàng ngàn tỉ trong số này lại chưa được sử dụng hiệu quả.
Vì thế, trong báo cáo kết quả giám sát, quản lý, sử dụng các QTCNNS nhà nước giai đoạn 2013-2018 gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật quản lý, sử dụng các QTCNNS, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính.
Đồng thời xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả.
Chẳng hạn, quỹ dịch vụ viễn thông công ích, quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Số người bỏ thuốc lá, giảm tỉ lệ người hút thuốc khi triển khai quỹ phòng chống tác hại thuốc lá không tính được.
Diện tích rừng bảo vệ và phát triển đối với quỹ bảo vệ và phát triển rừng cũng không tính toán được.
Kết quả của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra trung bình mỗi địa phương có 10-15 QTCNNS. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 13 QTCNNS trung ương và 3 quỹ do địa phương quản lý trong giai đoạn 2013-2018.
Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý khoảng 1.750 tỉ đồng, yêu cầu cơ quan quản lý quỹ tăng thu, giảm chi khoảng 1.050 tỉ đồng, xử lý tài chính khác khoảng 700 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2013-2018, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tổng nguồn thu quỹ đạt khoảng 6.700 tỉ đồng, nhưng chi quỹ chỉ đạt 390 tỉ đồng, trong khi kinh phí chi cho đảm bảo bộ máy vận hành quỹ khoảng 130 tỉ đồng.
Do dư nguồn quỹ quá lớn nên Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng yêu cầu quỹ hoàn trả vốn điều lệ 500 tỉ đồng và thu về ngân sách nhà nước 2.000 tỉ đồng năm 2013 và 1.300 tỉ đồng năm 2018.
Quỹ bình ổn xăng dầu không còn phù hợp
Một số QTCNNS hoạt động không hiệu quả được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, đó là quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá...
Trong đó đáng nói, quỹ bình ổn giá xăng dầu thu từ tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo mức trích hiện nay là 300 đồng/lít. Đây là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp tiêu thụ xăng dầu.
Thực tế, cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging - cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm.
Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ không những không phát huy hiệu quả mà còn là nguyên nhân gây lạm phát trong mỗi kỳ điều chỉnh giá. Quá trình sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng của người dân.
|
B.NGỌC
Tuổi trẻ