Thứ Bảy, 09/11/2019 15:33

Xóa nợ thuế: Cân nhắc kỹ!

Khoanh hay xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cần cẩn trọng, nhằm tránh các trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật làm thất thoát nguồn thu ngân sách

Theo dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là Nghị quyết xử lý nợ thuế ) có 7 nhóm đối tượng nợ thuế trước ngày 1-7-2020 sẽ được xem xét xử lý. Thế nhưng, nguyên nhân làm cho các nhóm đối tượng này nợ thuế có thể là khách quan hoặc cố tình. Vì thế, trước khi thông qua Nghị quyết xử lý nợ thuế, Quốc hội cần tính toán kỹ từng đối tượng được khoanh nợ gốc hoặc được xóa tiền phạt, tiền chậm nộp.

Xem xét tài sản còn lại

Một đối tượng mà Nghị quyết xử lý nợ thuế nhắm đến là người nộp thuế đã chết. Tuy nhiên, trên thực tế người này có thể vẫn còn tài sản và con, vợ hoặc chồng của họ sẽ là người thừa kế tài sản này.

Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế có trách nhiệm xử lý tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Do đó, xét về mặt logic thì trước hết tài sản phải được sử dụng cho việc thanh toán nợ (kể cả nợ thuế), sau đó mới phân chia cho những người thừa kế.

Tuy vậy, dưới góc độ nhân văn, Nghị quyết xử lý nợ thuế vẫn có thể quy định xóa tiền phạt, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế đã chết, còn nợ thuế gốc thì khoanh lại nếu người đó còn tài sản, bất luận giá trị tài sản còn lại ít hay nhiều hơn số nợ gốc. Bởi lẽ, đây là nguyên tắc khách quan, công bằng của pháp luật. Mặt khác, nợ thuế cũng như các khoản nợ khác đều phải thực hiện phù hợp với khả năng thanh toán của người nộp thuế. Do đó, khi tài sản của người đã chết bảo đảm cho trách nhiệm trả nợ thì người thừa kế mới có trách nhiệm trả nợ thay. Còn nếu tài sản đó là tài sản chung thì phần giá trị tài sản của người đã chết phải gánh trách nhiệm thanh toán nợ thuế.

Doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản còn nợ thuế; DN nợ thuế do thiên tai, dịch bệnh…; hoặc cố tình nợ thuế rồi bỏ trốn cũng là nhóm đối tượng cần lưu ý. Bởi hiện nay, các quy định về giải thể, phá sản chưa có sự liên kết, thống nhất giữa Luật DN và Luật Phá sản. DN còn nợ thuế thường không được cơ quan thuế chấp nhận xóa mã số thuế để giải thể DN. Còn đối với DN yêu cầu phá sản, các quản tài viên (cá nhân có chứng chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của DN mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản) thường thận trọng với số nợ thuế. Họ chỉ chấp thuận DN phá sản khi có sự đồng ý của cơ quan thuế. Thế nhưng, do công tác kiểm soát hoạt động và yêu cầu kiểm toán định kỳ của DN chưa được đề cao nên việc xử lý DN phá sản không dễ. Như thế, nếu pháp luật thắt chặt các yếu tố này thì việc xử lý nợ thuế đối với DN giải thể, phá sản mới đi vào thực chất.

Riêng DN nợ thuế do thiên tai, dịch bệnh..., việc xóa tiền phạt, tiền nộp chậm, khoanh lại nợ gốc và được phép gia hạn nợ gốc là hợp lý, nhân văn. Bởi lẽ, sau khi khôi phục hoạt động, DN có thể hoàn trả số nợ thuế gốc. Còn nhóm DN cố tình nợ thuế và đã bỏ trốn, nhà nước cần triệt để thu hồi, các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp phải tiếp tục áp dụng. Trường hợp DN có số nợ thuế quá lớn, nhà nước có thể xem xét truy tố hình sự mới bảo đảm tính công bằng, nhất quán pháp luật về thuế.

Xóa nợ thuế: Cân nhắc kỹ! - Ảnh 1.
Người dân làm thủ tục thuế ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Không nên khoanh nợ thuế GTGT

Một đối tượng khác mà nhiều người hết sức quan tâm là có nên khoanh nợ cho DN nợ thuế giá trị gia tăng (GTGT). Căn cứ vào mục đích điều tiết của nhà nước thì thuế có 2 loại là thuế trực thu (thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế tài sản…) và thuế gián thu (GTGT, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu...). Riêng thuế gián thu là hình thức thuế gián tiếp thông qua một đơn vị trung gian (thường là các DN) để thu từ người tiêu dùng. Trong thuế gián thu, người nộp thuế không phải là người chịu thuế mà họ là người thu hộ cho nhà nước phần nghĩa vụ thuế của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Do thuế GTGT là một trong các loại thuế gián thu nên người bán hàng phải có trách nhiệm nộp ngay lập tức số tiền thuế này vào ngân sách. Việc DN không kê khai hay không nộp số tiền thu hộ thuế GTGT là các hành vi vi phạm pháp luật, có thể xem là yếu tố cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự. Do đó, nợ thuế GTGT cần phải được truy thu triệt để, có thể cho khoanh nợ nhưng vẫn phải thu tại thời điểm thích hợp. Điều đó bảo đảm sự công bằng cho các DN làm ăn chân chính tuân thủ pháp luật, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian dối làm thất thoát nguồn thu ngân sách.

Việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là chủ trương đúng đắn nhưng cần cẩn trọng, nhằm tránh các trường hợp lợi dụng chính sách này. Chính vì thế, việc thẩm định đề nghị xử lý nợ thuế của cơ quan thuế cần được thực hiện bởi các đơn vị kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế độc lập có uy tín, nhằm bảo đảm số liệu khách quan phù hợp với thông lệ quản lý tài chính hiện đại. 

Xử lý khoảng 16.400 tỉ đồng

Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, tùy vào từng đối tượng mà nhà nước có thể phân loại, áp dụng biện pháp khoanh nợ gốc lẫn tiền phạt, tiền chậm nộp; hoặc chỉ khoanh nợ gốc, còn tiền phạt, tiền chậm nộp thì được xóa. Riêng đối tượng nợ thuế do yếu tố khách quan, đồng thời cơ quan chức năng xác định được người nộp thuế không còn tài sản để nộp thì nên xóa cả nợ gốc lẫn tiền phạt. Việc xử lý nợ thuế phải thực hiện minh bạch, các cơ quan tham gia phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu việc xóa nợ thuế bị lợi dụng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét việc xóa tiền phạt, tiền chậm nộp cho những DN bị giải thể, phá sản từ nguyên nhân khách quan là cách giúp họ nhanh phục hồi và phát triển sản xuất và kinh doanh, từ đó có khả năng trả nợ thuế.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 31-8, tổng số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi gần 43.000 tỉ đồng, bao gồm cả nợ gốc và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Trong số nợ này có gần 760.000 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo Nghị quyết xử lý nợ thuế đang trình Quốc hội xem xét chỉ xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (khoảng 16.400 tỉ đồng), chưa xử lý đến số nợ thuế gốc. Việc xử lý tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, thực chất là xử lý "nợ ảo" phát sinh qua thời gian. Tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Theo đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung quy định các trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt là DN bị tuyên bố phá sản nhưng không còn tài sản để nộp; cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp; các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của DN đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN và các khoản nợ này đã quá 10 năm nhưng không còn khả năng thu hồi; DN bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thy Thơ

ThS-LS Nguyễn Đức Nghĩa

Người lao động

Các tin tức khác

>   Lo ngại quốc gia vay nợ mới, trả nợ cũ (09/11/2019)

>   'Cá mập' trên YouTube, Facebook vẫn lọt lưới (09/11/2019)

>   Facebook thu 1 tỷ USD quảng cáo nhưng chưa đóng thuế (08/11/2019)

>   Giám đốc lập 7 công ty 'ma' để bán hoá đơn với giá trị hơn 2.200 tỉ đồng (08/11/2019)

>   Hà Nội thu 10 tỉ đồng tiền thuế từ người cho thuê nhà qua Agoda, Booking.com (07/11/2019)

>   Thực hư việc cưỡng chế thuế hơn 5.000 tỷ với 'ông trùm đường cao tốc' (06/11/2019)

>   Một người ở Hà Nội có doanh thu 80 tỉ đồng từ Apple Store, Youtube nhưng chưa nộp thuế (06/11/2019)

>   Thu ngân sách của ngành thuế đã vượt 1 triệu tỷ đồng (02/11/2019)

>   Chỉ còn một năm, kiếm đâu 88.300 tỷ cho đầu tư công? (31/10/2019)

>   Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ảnh hưởng thu ngân sách? (31/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật