Lo ngại quốc gia vay nợ mới, trả nợ cũ
Đến năm 2020, dự kiến nợ công trực tiếp của Chính phủ sẽ kịch trần cho phép. Hiện tại, các chuyên gia kinh tế đang tỏ ra lo ngại, việc Chính phủ vay nợ mới để trả nợ cũ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế quốc gia.
Đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao gấp 8,5 lần so với tư vấn trong nước... Ảnh: Hồng Vĩnh
|
“Đỉnh nợ” rơi vào 2020?
Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP đều duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục giữ được xu hướng giảm so với các năm trước.
Dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019: Nợ công ở mức 56,1% GDP; Nợ Chính phủ 49,2% GDP; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước khoảng 19,5% - 20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP, giảm đáng kể so với mức 460% của năm 2018.
Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn quy định. Dự kiến đến cuối năm 2020, nợ công bằng 54,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Chính phủ dự kiến sẽ dành 217.800 tỷ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, và một khoản tương tự trên để trả nợ gốc của ngân sách ...
Bộ Tài chính cũng tỏ ra lo ngại “đỉnh nợ” sẽ rơi vào năm 2020 với 10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn trả, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho NSNN. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN năm 2020 lên đến khoảng 23%, tức là tiến gần mức trần 25% được Quốc hội cho phép trong cả giai đoạn 2016 - 2020.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, chưa thể yên tâm với nợ công của Việt Nam khi mới bố trí được khoản trả lãi, chưa trả được gốc. Mới chỉ có đầu vào là tiền vay được quản lý chặt chẽ, còn đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, vốn ODA vẫn gây băn khoăn về tính hiệu quả.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nợ công tăng cao thời gian qua là chúng ta mắc kẹt khi sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi dù lãi suất vay thấp, thời gian vay dài 10-30 năm.
Rủi ro tái cơ cấu nợ
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, vay nợ mới để trả nợ cũ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế quốc gia. Bởi theo ông Hiếu, việc dùng nợ mới để trả nợ cũ là tái cơ cấu nợ. Nếu chúng ta sử dụng tái cơ cấu nợ chỉ để trì hoãn việc trả nợ sẽ rất nguy hiểm, vì cuối cùng dư nợ cứ tăng mãi. Điều này, tạo ra rủi ro về tài chính cho quốc gia.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là vấn đề rất nguy hiểm. Để giải quyết tình trạng nợ công, theo ông Doanh, Việt Nam cần cắt giảm chi thường xuyên và tinh giản bộ máy.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, về dài hạn, cần giảm tối đa vai trò khu vực công, tăng cường đầu tư tư nhân. TS Võ Trí Hiếu cũng khuyến nghị Việt Nam nên xã hội hóa những ngành doanh nghiệp nhà nước đang nắm chủ đạo, để tư nhân tham gia nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực đầu tư công như sân bay, cảng, đường sắt.Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc đàm phán ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi, dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh có chi phí tư vấn quốc tế gấp 7,8 lần, dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao gấp 8,5 lần so với tư vấn trong nước...
Nếu chúng ta sử dụng tái cơ cấu nợ chỉ để trì hoãn việc trả nợ sẽ rất nguy hiểm, vì cuối cùng dư nợ cứ tăng mãi. Điều này, tạo ra rủi ro về tài chính cho quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
|
Đầu tư công không hiệu quả sẽ mất an toàn nợ công
Theo PGS.TS Lê Thị Diệu Huyền, Trưởng bộ môn Thuế - Tài chính công (Học viện Ngân hàng), đặc trưng của đầu tư công ở Việt Nam là từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh chi tiêu công gia tăng (gồm chi đầu tư và chi tiêu thường xuyên), nguồn thu sụt giảm, khiến thâm hụt ngân sách nhà nước có xu hướng gia tăng. Việc duy trì mức đầu tư công cao cũng khiến ngân sách càng thâm hụt trầm trọng.
|
“Nguy cơ mất an toàn nợ công hiện nay luôn tiềm ẩn. Nguyên nhân của thực trạng này là nội tại cấu trúc nợ công và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả. Tiêu biểu như đầu tư công vào lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn, không có khả năng trả nợ. Cấu trúc đầu tư công phụ thuộc lớn vào nguồn từ ngân sách. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét mức độ ảnh hưởng của đầu tư công đến thâm hụt ngân sách và nợ công”, bà Huyền cho biết.
Bên cạnh đó, áp lực đẩy mức nợ công tăng cao bởi vì hầu hết các khoản vay nợ sử dụng để đầu tư cho các chương trình của nhà nước. Đầu tư công không mang lại hiệu quả, sẽ không có nguồn để chi trả nợ. Lúc này gánh nặng nợ lại được chồng lên ngân sách, mất an toàn nợ công là điều không thể tránh khỏi.
Nếu nghĩa vụ trả nợ chỉ trông chờ vào nguồn thu NSNN, không xuất phát từ nguồn thu của các dự án đầu tư công, hoặc các dự án đầu tư công không hiệu quả không đem lại nguồn thu để trả nợ, chắc chắn quy mô nợ công ngày càng lớn và thiếu bền vững. Rủi ro thanh toán nợ đến hạn cùng với quy mô, tốc độ gia tăng nợ công tăng cao là dấu hiệu mất an toàn ngân sách và khủng hoảng nợ công xảy ra.
Bà Huyền kiến nghị, để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng cần giảm quy mô đầu tư công và cấu trúc lại đầu tư công theo hướng giảm nguồn từ ngân sách. Thay vào đó, thúc đẩy các dự án đầu tư công theo hình thức hợp tác công tư.
“Quy mô đầu tư công cần giảm về mức khoảng 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay khi mà kinh tế đang suy giảm, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao", bà Huyền kiến nghị.
Quỳnh Nga
|
Tuấn Nguyễn
Tiền phong
|