'Cá mập' trên YouTube, Facebook vẫn lọt lưới
Xu hướng kiếm tiền tỉ từ các mạng xã hội đang ngày càng gia tăng nhưng cơ quan quản lý thuế chỉ thỉnh thoảng mới phát hiện.
* Kiếm tiền tỷ, làm sao để các YouTuber Việt Nam đóng thuế?
Nhiều kênh YouTube đang kiếm tiền khủng. Ảnh: Độc Lập
|
Âm thầm bỏ túi vài chục tỉ đồng
Cục Thuế TP.Hà Nội vừa công bố phát hiện một cá nhân có doanh thu 80 tỉ đồng từ hoạt động cung cấp các ứng dụng, sản phẩm qua Google Play, Apple Store, YouTube… nhưng không kê khai nộp thuế. Sau khi phát hiện, cơ quan thuế Hà Nội yêu cầu và hỗ trợ cá nhân này kê khai nộp thuế theo quy định.
Thực tế cho thấy, không quá khó để tìm kiếm những kênh YouTube được nhiều người theo dõi hoặc thông qua chính các chương trình trao giải thưởng nút vàng, nút bạc và nút kim cương hằng năm của YouTube
|
Từ đầu năm 2018, Cục Thuế TP.Hà Nội đã tiến hành thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài như Google Play, Apple Store, YouTube... Qua đó, đã lập được danh sách của 47 tổ chức với số tiền 78,6 tỉ đồng (các doanh nghiệp kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo quy định) và 526 cá nhân với số tiền hơn 291,3 tỉ đồng.
Cơ quan thuế đã mời 33 người có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên đến tập huấn, hướng dẫn thực hiện kê khai thuế và dự kiến thu khoảng 11 tỉ đồng. Kết quả tính đến ngày 10.10, các cá nhân trên địa bàn có doanh thu từ những hoạt động trên đã nộp trên 15 tỉ đồng, đạt 131% số dự kiến.
Trong quá trình thanh kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sàn giao dịch điện tử, Cục Thuế TP.Hà Nội đã thu thập thông tin của các cá nhân kinh doanh qua các sàn này và mời 57 cá nhân có doanh số 600 tỉ đồng lên làm việc để vận động kê khai nộp thuế theo quy định. Kết quả cơ quan thuế đã hướng dẫn và bước đầu thu 1,2 tỉ đồng vào ngân sách.
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM cũng phát hiện và truy thu thuế một chủ kênh YouTube có thu nhập hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 - 2018. Sau khi bị phát hiện, cá nhân này đã đồng ý nộp số thuế tương ứng 1,5 tỉ đồng. Đây là trường hợp truy thu thuế lớn từ hoạt động kênh YouTube bị cơ quan thuế phát hiện gần đây. Trong đợt này, Cục Thuế TP.HCM cũng đã phát hiện một số cá nhân có thu nhập khủng từ các hoạt động xuyên biên giới, có người nhận khoảng 20 tỉ đồng. Năm 2018, Cục Thuế TP.HCM cũng đã truy thu một cá nhân 4,1 tỉ đồng tiền thuế đối với nguồn thu nhập có được từ mạng xã hội (Facebook, Google, YouTube...) lên đến 41 tỉ đồng. Qua rà soát tại 4 ngân hàng, cơ quan thuế đã phát hiện hàng ngàn cá nhân nhận được hơn 500 tỉ đồng của các đơn vị nước ngoài chi trả, điều này cho thấy hoạt động kiếm tiền trên các trang mạng xã hội, đăng tải trò chơi trở thành xu hướng.
Tuy nhiên việc phát hiện và truy thu các cá nhân có thu nhập khủng trên các trang mạng xã hội như trên chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Vì vậy số thuế thu được chỉ như “muối bỏ biển” khi các mạng xã hội đang ngày càng trở thành phương tiện kinh doanh và tạo thu nhập phổ biến cho nhiều người.
Loay hoay với thu thuế qua mạng
Nhờ tính năng kiếm tiền trên YouTube hay việc dễ dàng kết nối, tương tác với nhiều người qua Facebook, các mạng xã hội này hiện đang được nhiều cá nhân lựa chọn để kinh doanh.
Một kênh YouTube đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video và 1.000 người đăng ký theo dõi (subscribe). Bên cạnh đó, kênh cũng phải đạt 10.000 lượt xem (view) và đây là lượt xem thật, không phải lượt xem ảo. Việc phát hiện view thật hay ảo thực hiện thông qua công cụ chuyên dụng của YouTube. Tại VN, cứ 1.000 lượt xem, người chủ kênh có thể được trả từ 0,3 - 0,5 USD. Thông thường chủ kênh có thể kiếm tiền trực tiếp qua YouTube bằng cách liên kết tài khoản với Google Adsense - một dịch vụ phân phối quảng cáo của Google... YouTube có cả trang web riêng hướng dẫn người dùng cách kiếm tiền theo phương pháp này.
Ngày 8.11, thử tìm danh sách 250 kênh YouTube hàng đầu tại VN theo thống kê của Socialblade (trang chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Instagram...), kênh “Bà Tân Vlog” từ vị trí thứ 62 trong danh sách của một tháng trước đó đã tăng lên vị trí thứ 36. Kênh này hiện có 3,31 triệu người theo dõi, tăng thêm 50.000 người và ước tính của Socialblade kênh này có thể thu về 7.100 - 113.000 USD trong một tháng hay khoảng 84.800 USD - 1,4 triệu USD/năm, tương đương thu được 1,97 - 32,6 tỉ đồng cho một năm. Hay kênh YouTube của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng vươn lên vị trí thứ 11 với 5,77 triệu người theo dõi. Ước tính của trang Socialblade thì ca sĩ này có thể kiếm được từ 4.700 - 74.800 USD mỗi tháng trên YouTube hay tương đương từ 56.100 USD - 898.100 USD/năm, quy đổi khoảng 1,3 - 20,9 tỉ đồng...
Thực tế cho thấy, không quá khó để tìm kiếm những kênh YouTube được nhiều người theo dõi hoặc thông qua chính các chương trình trao giải thưởng nút vàng, nút bạc và nút kim cương hằng năm của YouTube. Tương tự, các cá nhân sử dụng hình thức truyền hình “livestream” để quảng bá bán hàng ngày càng nhiều. Thế nhưng việc kê khai, nộp thuế của các cá nhân đó vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đề xuất kiểm soát thông qua mã số thuế. Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp có bán hàng cho các cá nhân khi xuất hóa đơn bán hàng phải thể hiện rõ thông tin người mua, trong đó có mã số thuế. Tương tự, hàng hóa từ nước ngoài có giá trị lớn khi được khai báo nộp thuế thì các cá nhân phải yêu cầu có mã số thuế. Việc yêu cầu các cá nhân có mã số thuế sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát và tổng hợp dễ hơn. Khi cần thiết chỉ cần tra cứu thông qua mã số thuế sẽ thể hiện rõ doanh số tổng hợp từ nhiều nguồn. Trường hợp khi bán hàng các cá nhân không xuất hóa đơn cho người mua thì phải chịu thuế giá trị gia tăng khi mua hàng trước đó.
Kiểm soát chặt hơn thông qua mã số thuế bắt buộc, các cá nhân kinh doanh sẽ tính đến phương án đăng ký thành lập doanh nghiệp vì sẽ có lợi hơn so với nộp thuế thu nhập cá nhân. Từ đó cũng giúp cơ quan thuế quản lý sát sao hơn.
|
Thanh Xuân
Thanh niên