Sẽ có thành phố thuộc TP.HCM?
Dự thảo cũng định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức) thuộc Khu đô thị sáng tạo phía đông (thành lập thành phố thuộc TP.HCM).
TP.HCM tiếp tục ‘đeo đuổi’ mô hình chính quyền đô thị. ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Trước đó Thường trực Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo về việc xây dựng đề cương sơ bộ của đề án chính quyền đô thị và dự thảo các tờ trình, dự kiến trình Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thông qua trong tháng 11.2019 để trình Bộ Chính trị trong tháng 12.2019.
Sở Nội vụ TP.HCM đã dự thảo đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM trình Ban Thường vụ Thành ủy và tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị tại TP.HCM gồm có 4 phần, nêu lên sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền tại TP.HCM; cách thức tổ chức thực hiện...
TP.HCM tiếp tục ‘đeo đuổi’ mô hình chính quyền đô thị
Theo đề cương sơ bộ này, định hướng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM sẽ theo hướng: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc TP.HCM và phường, xã, thị trấn). Không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố thuộc TP.HCM mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Đổi mới cơ chế quản lý, phương thực hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo mô hình đô thị. Dự thảo cũng định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức) thuộc Khu đô thị sáng tạo phía đông (thành lập thành phố thuộc TP.HCM).
TP.HCM kiến nghị triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên phạm vi toàn thành phố, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Ảnh: NGỌC DƯƠNG
|
Đem lại hiệu quả quản lý tốt hơn
Xây dựng chính quyền đô thị đã được nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ TP.HCM theo đuổi trong một thời gian dài. Ý tưởng này xuất hiện từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9.2013, HĐND TP.HCM mới chính thức thông qua dự thảo về đề án chính quyền đô thị sau khi lấy ý kiến từ nhiều phía.
Thời điểm năm 2013 khi lấy ý kiến góp ý về chính quyền đô thị, Sở Nội vụ TP.HCM cho hay TP.HCM là một đô thị đặc biệt (dân số trên 8 triệu người, nếu tính thêm vãng lai thì khoảng 10 triệu người, là 1 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới).
Thế nhưng, mô hình tổ chức hiện nay đang ngày càng bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị; có tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa nhu cầu tổ chức cuộc sống tập trung, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị mang tính thống nhất với thực tế phân chia đơn vị hành chính theo địa giới lãnh thổ.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, xuất phát từ đặc thù đó và qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước, TP.HCM kiến nghị triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên phạm vi toàn thành phố, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý; phù hợp đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt, hội nhập quốc tế…
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên ban soạn thảo đề án, dựa vào quá trình quy hoạch phát triển, TP.HCM sẽ thành siêu đô thị. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu là một siêu đô thị mà phản ứng như một cấp chính quyền theo mô hình tập trung hiện nay “là vô phương để quản lý và phát triển”. Cho nên cần chia đô thị lớn thành 5 đô thị nhỏ khác. Ngoài đô thị trung tâm với 13 quận nội thành hiện hữu, về quy mô 4 đô thị nhỏ (thành phố vệ tinh) là trên 1 triệu dân, quy mô diện tích hơn 100 km2 hoặc gần 150 - 200 km2.
“Tư tưởng chủ đạo là chia thành phố quá lớn này thành đô thị nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, tự chủ cao hơn nhưng vẫn nằm trong tay chính quyền TP.HCM. Quy mô một đô thị 1 triệu dân bao giờ cũng dễ quản lý hơn, hiệu quả quản lý cao hơn đô thị 10 triệu dân. Làm như thế mới gắn được lợi ích của dân, chính quyền sát với lợi ích của dân, chứ không phải ngẫu nhiên mà ngồi chia ra”, TS Lịch nói.
Tuy nhiên, dù dự thảo được HĐND TP.HCM thông qua nhưng khi đưa lên Trung ương, đề án đã không được thông qua vì nhiều lý do, trong đó có lý do vướng mắc liên quan đến Hiến pháp, pháp luật.
Có ý kiến cho rằng mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đang hướng tới, về bộ máy tổ chức sẽ mang lại nhiều ích lợi NGỌC DƯƠNG
|
Chính quyền đô thị mang lại dịch vụ công tốt hơn
Theo phân tích của TS Võ Trí Hảo, về tổng quan, mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đang hướng tới, về bộ máy tổ chức sẽ mang lại những ích lợi sau:
Thứ nhất, mở rộng quyền lập quy cần thiết cho TP.HCM để giải quyết các nhu cầu bức xúc của người dân về an ninh trật tự, khác với khuôn khổ pháp lý dành cho nông thôn.
Thứ hai, giảm bớt cấp chính quyền, rút ngắn khoảng cách Nhà nước - người dân; tinh giản bộ máy, giảm chi phí vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước; mỗi một đồng thuế nhân dân bỏ ra sẽ được hưởng nhiều dịch vụ công hơn, chất lượng tốt hơn.
Thứ ba, TP.HCM có quyền tự chủ cần thiết về ngân sách, cơ chế huy động các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó giải quyết tốt hơn, nhanh hơn, các vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nạn triều cường hiện nay ở TP.HCM.
|
Đình Quân
Thanh niên