Thứ Ba, 03/09/2019 13:59

Các siêu thị nước ngoài thay đổi chiến thuật hoạt động tại thị trường Trung Quốc

Trong tuần trước, từng đám đông người mua sắm đổ xô đến cửa hàng đầu tư của ông lớn bán lẻ Costco tại Trung Quốc và khiến cho cửa hàng này phải đóng cửa sớm trong ngày đầu mở cửa. Việc này trái ngược hoàn toàn với sự chen chúc tranh nhau rời khỏi Trung Quốc của các chủ siêu thị nước ngoài.

Tháng 6/2019, chuỗi siêu thị Pháp Carrefour đồng ý bán phần lớn cổ phần của các cửa hàng mở tại Trung Quốc của họ cho công ty Suning - một công ty địa phương ở Trung Quốc - với giá 700 triệu USD, tiếp bước chuỗi siêu thị Tesco của Anh và Dia của Tây Ban Nha. Cả thương hiệu siêu thị Metro của Đức cũng đang bán đi các siêu thị của họ ở Trung Quốc.

Chuỗi siêu thị sở hữu 100% nước ngoài lớn nhất vẫn còn trụ lại Trung Quốc là chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ. Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, Walmart đã xây dựng được hơn 430 cửa hàng tại quốc gia này, nhưng số lượng cửa hàng đó chỉ giúp Walmart chiếm 1.7% thị phần trong thị trường tạp hóa trị giá 692 tỷ USD của Trung Quốc, theo dữ liệu từ nhà cung cấp Euromonitor.

Nhiều vấn đề khiến các công ty nước ngoài mệt mỏi khi hoạt động ở Trung Quốc, kéo dài từ thất bại trong việc bản địa hóa và phải thích ứng với thương mại điện tử, cho đến việc chi phí thuê tăng cao và xảy ra tranh chấp với đối tác bản địa. Nhưng nhược điểm phổ biến nhất mà họ đều gặp phải là thiếu các loại sản phẩm độc đáo.

Hiện tại, Walmart, Costco và chuỗi siêu thị Aldi của Đức – vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 06/2019 – đã lên kế hoạch để khắc phục nhược điểm đó, bằng cách tập trung vào các sản phẩm “gắn nhãn hiệu riêng”, thường được nhập khẩu từ các thị trường quê nhà của họ và bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ chuyên về thương mại điện tử.

Đối với Walmart, tốc độ tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc đã trở nên khó nắm bắt, trong đó doanh số năm 2018 chỉ tăng 0.3% so với năm 2017 lên mức 81 tỷ Nhân dân tệ  (11.3 tỷ USD), dựa theo Fung Business Intelligence. Nhưng Walmart vẫn bám lấy thị trường này và mở thêm 33 cửa hàng nữa tại Trung Quốc vào năm 2018, và mới đây vào tháng 07/2019, công ty này tuyên bố sẽ chi khoảng 1.2 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để nâng cấp cửa hàng, nâng cao khâu hậu cần và khai trương thêm những cửa hàng mới.

“Mỗi công ty đều có một lý do khác nhau để rời đi và chúng tôi tiếp tục chứng kiến những nhà bán lẻ nước ngoài khác tiến vào”, Daniel Shih, Giám đốc công ty con tại Trung Quốc của Walmart, cho biết.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc có sự khác biệt so với người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu, có nghĩa là các siêu thị nước ngoài cần phải thích ứng với thói quen mua sắm ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc thường thích đi đến các cửa hàng để mua thực phẩm tươi sống nhiều lần trong một tuần hơn là một tuần mới đi mua sắm một lần.

Các chuỗi siêu thị địa phương chuyên bán thực phẩm tươi sống đã giành được nhiều thị phần hơn, đáng chú ý nhất là chuỗi siêu thị của Yonghui Superstores, một tập đoàn nội địa có doanh thu tăng từ 30 tỷ Nhân dân tệ lên đến 70 tỷ Nhân dân tệ trong vòng 5 năm (tính đến năm 2018).

Các siêu thị nước ngoài dự trữ nhiều mặt hàng được dân địa phương ưa chuộng, từ sầu riêng cho đến cổ vịt, nhưng đôi khi họ vẫn gặp khó khăn trong việc thích ứng với bầu không khí sôi nổi của các đối thủ người Trung Quốc, những siêu thị nội địa này bày bán những mớ rau không bị đóng gói sẵn và những loại cá sống còn đang bơi trong bể.

“Các nhà bán lẻ nước ngoài khiến nhiều thứ trở nên hơi quá vệ sinh và sạch sẽ. Đó chính là điểm không phù hợp”, theo Jack Chuang, làm việc tại công ty tư vấn OC&C.

Chuỗi siêu thị Tesco thực hiện việc bản địa hóa một cách vui vẻ, nhưng đằng sau việc làm đó, công ty này đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với những thông lệ ở Trung Quốc.

Chế độ quản lý của Anh và Trung Quốc thường mâu thuẫn với nhau ở những vấn đề nhỏ, ví dụ như trong việc quảng cáo và bày bán tại cửa hàng, một Cựu Giám đốc của công ty cho biết. “Tesco gặp phải vấn đề trong việc quản trị. Và nói chung, người Anh không mấy tin tưởng người Trung Quốc”, vị cựu Giám đốc nói thêm.

Tesco đã bán 80% các cửa hàng tại Trung Quốc cho nhà bán lẻ quốc doanh China Resources vào năm 2013.

Chuỗi siêu thị Carrefour cho xây dựng hàng tá cửa hàng nhỏ. Nhưng bởi vì họ không mua đất để xây dựng phần lớn cửa hàng này nên họ đã phải chịu đựng việc giá thuê đất tăng cao ở Trung Quốc trong suốt 10 năm qua, một nguồn tin thân cận cho biết.

Chuỗi siêu thị Metro thì kiếm được lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc nhưng họ cũng đang bán dần các cửa hàng tại đây bởi vì vấn đề căng thẳng tài chính ở quê nhà nước Đức, dựa theo một nguồn tin thân cận.

Các nhà bán lẻ quần áo nước ngoài, từ Uniqlo cho đến Nike, lại giành được nhiều thị phần hơn so với các đối thủ Trung Quốc bởi vì thương hiệu độc quyền của họ. Trong khi đó, các siêu thị nước ngoài lại thường dự trữ những mặt hàng như mì ăn liền và nước sốt giống với các đối thủ bản địa.

Các nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường đang cố gắng thay đổi điều đó. Tại các cửa hàng Aldi mở tại Thượng Hải, những mặt hàng phổ biến nhất là các loại rượu và bia nổi tiếng được nhập về từ châu Âu. Những sản phẩm được dán nhãn hàng độc quyền nhập từ Kirkland của nhà bán lẻ Costco đã được người mua sắm Trung Quốc đổ xô đến mua trong tuần này.

Walmart cũng đang áp dụng phương pháp tương tự tại các cửa hàng Sam’ Club, hiện những cửa hàng này đang là trọng tâm trong việc mở rộng quy mô ở Trung Quốc của Walmart – nhà bán lẻ này nhắm đến việc sẽ mở được 40 cửa hàng Sam’ Club trong năm 2020, tăng từ 26 cửa hàng. “Sam’ Club bán những mặt hàng độc quyền khó mà tìm được ở những cửa hàng khác và chúng tôi lấy nguồn hàng từ các thị trường nước ngoài”, ông Shih cho biết.

Ông Shih còn nói thêm hàng tồn kho trung bình của Sam’ Club chỉ có khoảng 4,000 mặt hàng, so với 25,000 mặt hàng được trữ tại đại siêu thị của Walmart. Nhà bán lẻ Aldi cũng tương tự như vậy khi tập trung vào bán ít dòng sản phẩm hơn, trong khi Costco bán ít hơn 5,000 mặt hàng khác nhau, từ đó khiến chi phí giảm xuống và lợi nhuận tăng lên. 

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành thương mại điện tử, dẫn đầu bởi các công ty như Alibaba và JD.com, đã làm giảm sức hút của các cửa hàng thực tế. “Hiện tại, có nhiều cơn gió dữ được tạo ra bởi ngành thương mại điện tử, ngành này đang đẩy hàng tạp hóa lên bán trực tuyến nhiều hơn”, theo Wai-chan Chan, nhân viên tại công ty tư vấn Oliver Wyman.

Thay vào đó, các công ty nước ngoài đang chuyển sang việc hợp tác với các tập đoàn thương mại điện tử địa phương để tiếp cận người tiêu dùng. Chuỗi siêu thị Auchan của Pháp, chuỗi siêu thị nước ngoài lớn thứ hai ở Trung Quốc, đã bán 36% cổ phần trong liên doanh với Sun Art – một công ty của Đài Loan sở hữu hơn 400 cửa hàng – cho Alibaba với giá 2.9 tỷ USD vào năm 2017.

Walmart từ bỏ nền tảng bán hàng trực tuyến của họ ở Trung Quốc để hợp tác với JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc, trong đó tập đoàn Mỹ này đã mua 12% cổ phần của JD.com. Ở một vài thành phố, Walmart đặt mục tiêu sẽ vận chuyển hàng cho khách hàng chỉ trong vòng 20 phút.

“Chúng tôi lớn mạnh, giống như một con voi vậy nhưng chúng tôi quyết định sẽ thay đổi”, ông Shih nói.

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FiLi

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhật Bản đang trữ đến 4.8 ngàn tỷ USD tiền mặt (03/09/2019)

>   Australia ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai đầu tiên trong 44 năm (03/09/2019)

>   Nếu Trung Quốc nhún nhường trước Mỹ thì đó sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”? (03/09/2019)

>   Bảy tỷ phú phải nói lời cảm ơn Warren Buffett (03/09/2019)

>   'Miền đất hứa' mới của thanh niên Trung Quốc (01/09/2019)

>   Mỹ níu áo đòi Bắc Kinh trả nợ 1.000 tỉ USD trái phiếu thời nhà Thanh (01/09/2019)

>   Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp 4 tháng liền vì thương chiến leo thang (31/08/2019)

>   Ông Trump: Hàng rào thuế quan mới vẫn có hiệu lực vào ngày 01/09 (31/08/2019)

>   Mặc cho thương chiến, các công ty Mỹ vẫn theo người tiêu dùng đến Trung Quốc (30/08/2019)

>   Trung Quốc có thể sử dụng phương án câu giờ trong thương chiến Mỹ-Trung (30/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật