Trung Quốc có thể sử dụng phương án câu giờ trong thương chiến Mỹ-Trung
Phương án lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc trong cuộc thương chiến là câu giờ, khi nền kinh tế nội địa khổng lồ ngày càng bị chi phối bởi sức ảnh hưởng của người tiêu dùng nội địa, chứ không phải thương mại. Đây là quan điểm của Chung Man Wing, Giám đốc đầu tư tại Value Partners.
Chờ đợi có lẽ “là phương án tốt nhất và duy nhất” mà Trung Quốc có, ông Chung Man Wing cho biết.
Khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cố gắng củng cố thêm cho nền kinh tế nội địa – vốn là yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn xuất khẩu,các chuyên viên phân tích cho hay.
“Chính phủ Trung Quốc đang cố câu thêm giờ và dùng khoảng thời gian đó để tái cấu trúc nền kinh tế nội địa, lĩnh vực doanh nghiệp nội địa”, ông Chung nói với CNBC trong ngày thứ Năm (29/08).
Thương mại với bên ngoài chỉ chiếm một phần “rất nhỏ” trong nền kinh tế Trung Quốc và chỉ đóng góp 20% vào GDP, ông nói. “Và phần lớn hoạt động thương mại quốc tế không phải là với Mỹ, vì vậy Trung Quốc có thể chơi trò câu giờ”.
Trên thực tế, trong một báo cáo ngày thứ Tư (28/08), Deutsche Bank cho biết 80% hàng xuất khẩu của Trung Quốc có đích đến là những quốc gia khác chứ không phải Mỹ.
“Chúng tôi mô tả chiến lược hiện tại của Trung Quốc là ‘sự chịu đựng’: Mục tiêu chính là giúp nền kinh tế Trung Quốc đứng vững, đồng thời đối phó với hàng rào thuế quan của Mỹ”, Yi Xiong, Chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, viết trong một báo cáo.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài trong hơn 1 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trong ngày thứ Sáu tuần trước (23/08), Trung Quốc cho biết sẽ áp thêm thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Đáp trả lại, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ nâng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nền kinh tế lấy nội địa làm trọng
Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế tại ANZ cho biết con số GDP của Trung Quốc chẳng bị tác động bao nhiêu ngay cả khi xuất khẩu Trung Quốc bắt đầu giảm trong năm 2018 – thời điểm thương chiến bắt đầu.
“Tác động về thương mại đến tăng trưởng đã bị làm quá lên”, ANZ cho biết trong báo cáo ngày thứ Tư (28/08). Họ nhấn mạnh tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 của Trung Quốc vẫn là 6.3% - thậm chí khi hàng rào thuế quan bắt đầu tác động đến kim ngạch xuất khẩu.
Sự bất ổn từ thương chiến Mỹ-Trung đã thôi thúc Chính phủ Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 6-6.5% cho năm 2019, trong khi tăng trưởng năm 2018 là 6.5%.
Thế nhưng, “tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những yếu tố trong nước; lượng tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng xứng đáng được chú ý hơn là xuất khẩu”, các chuyên gia kinh tế tại ANZ cho biết.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc, nhưng phần tác động của chiến tranh thương mại “dường như không quá lớn”, ông Xiong cho biết. Thay vào đó, ông cho biết đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc phần lớn bắt nguồn từ đà giảm của khoản đầu tư công, nợ của hộ gia đình và nỗ lực giảm bớt đòn bẩy trong nền kinh tế.
Đặt cược vào lượng tiêu thụ nội địa
Trong khi đó, Bắc Kinh dường như cũng đang đặt cược vào nền kinh tế của chính họ.
Trong ngày thứ Ba (27/08), Trung Quốc tiết lộ các biện pháp để thúc đẩy lượng tiêu thụ trong nước, bao gồm đề xuất loại bỏ ràng buộc đối với việc mua xe hơi.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nói thêm họ sẽ khuyến khích các siêu thị, sân vận động và khu nhà xưởng cũ kỹ đang gặp khó khăn chuyển mình thành những khu phức hợp thương mại, phòng gym và trung tâm giải trí.
Họ cho biết Bắc Kinh sẽ nới giờ bán lẻ để thúc đẩy nền kinh tế về đêm (night economy), trong đó các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng sẽ mở cửa lâu hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ cố đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đẩy nhanh tiến trình mở cửa các quốc gia khác, giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ trong dài hạn, trích từ báo cáo của Deutsche Bank.
“Điều này sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc và làm gia tăng khoản tổn thất mà Mỹ phải gánh chịu trong cuộc thương chiến”, Xiong viết.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|