Giới siêu giàu đang siết chặt chi tiêu, tín hiệu đáng ngại về suy thoái
Những người giàu có đã cắt giảm mức chi tiêu của họ, từ những thứ như nhà cửa cho đến đồ trang sức, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc suy thoái sắp diễn ra từ ngọn.
Từ bất động sản và cửa hàng bán lẻ cho đến các loại xe cổ điển và tranh ảnh nghệ thuật, phân khúc yếu nhất trong nền kinh tế Mỹ giờ đang ở vị trí rất cao. Trong khi tầng lớp trung lưu và những người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiêu xài, các chuyên gia kinh tế lại nói rằng việc những người giàu có cắt giảm chi tiêu đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế và tạo thành một nguồn lực nữa kéo sự tăng trưởng đi xuống.
Lĩnh vực bất động sản cao cấp đang có một năm tồi tệ nhất kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, trong đó những thị trường đắt giá như Manhattan đang trải qua 6 tháng liên tiếp có doanh số giảm. Theo Redfin, doanh số bán nhà có mức giá từ 1.5 triệu USD trở lên đã giảm 5% trong quý 2/2019 ở Mỹ. Những căn hộ và biệt thự chưa được bán chất đống trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở những thành phố du lịch sang chảnh, trong đó có cả những thành phố vốn nằm trong danh sách nguồn cung cấp nhà ở cao cấp gần 3 năm như Aspen, Colorado và khu Hamptons ở New York.
Các nhà bán lẻ cho đến những người có thu nhập thuộc top 1% đều đang lo ngại điều tồi tệ nhất sắp xảy ra, khi họ chứng kiến công ty Barney nổi tiếng nộp đơn phá sản và công ty Nordstrom công bố doanh thu giảm trong ba quý liên tiếp. Thế nhưng, các công ty bán lẻ như Walmart và Target, những cửa hàng của hai công ty này là nơi phục vụ hàng ngày cho người tiêu dùng, lại đang báo cáo lưu lượng khách hàng và mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.
Tại buổi đấu giá xe hơi siêu lớn Pebble Beach tháng này - nổi tiếng với những màn đấu giá phá vỡ nhiều kỷ lục - những chiếc xe hơi đắt giá nhất không được ai rước khỏi nơi đấu giá. Chưa đến một nửa số xe đấu giá có giá từ 1 triệu USD trở lên có khả năng bán được. Nhưng những chiếc xe có giá dưới 75,000 USD lại được mua nhanh chóng - nhiều hơn hẳn so với dự tính.
Trong nửa đầu năm 2019, doanh số của các buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật đã giảm lần đầu tiên trong nhiều năm. Doanh số của sàn đấu giá Sotheby giảm 10% và sàn Christie giảm 22% so với năm 2018.
Có nhiều lý do dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu này - ví dụ như việc thay đổi mức thuế được dùng làm lý do để đổ lỗi cho doanh số bất động sản sụt giảm.
Và một số bộ phận thuộc phân khúc kinh tế cao cấp vẫn giữ được hào quang của chúng - từ doanh số của những chiếc xe hơi cao cấp mới cứng cho đến những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ và các mặt hàng thời trang.
Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây cho thấy tầng lớp giàu có ở Mỹ đang bắt đầu thắt chặt hầu bao. Nếu mức chi tiêu của họ tiếp tục giảm, những phân khúc kinh tế khác có thể bắt đầu bị thiệt hại. Top 10% người có thu nhập cao nhất chiếm gần một nửa số tiền chi tiêu của tất cả người tiêu dùng, dựa theo Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Moody’s Analytics. Nhưng mức chi tiêu của tầng lớp này đã giảm dần trong vòng 2 năm qua, mặc dù mức chi tiêu của tầng lớp trung lưu lại tăng lên.
“Nếu những người tiêu dùng có thu nhập cao tiếp tục cắt giảm chi tiêu, đó sẽ là mối nguy hại đáng kể đối với việc mở rộng nền kinh tế”, ông Zandi nói.
Tiền tiết kiệm của những người giàu có cũng tăng nhiều đáng kể - tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 năm qua - điều đó chứng minh rằng những người giàu có đang tích trữ tiền mặt. Những người có mức thu nhập trung bình - những người chiếm từ 40-89.9% trong phân phối thu nhập - phần lớn đã phải bù vào phần chi tiêu bị thiếu hụt từ những người giàu.
“Nếu tốc độ tăng trưởng việc làm tiếp tục giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp sẽ bắt đầu tăng lên, những người có mức thu nhập trung bình sẽ bị cuốn vào đó, và kết quả là suy thoái kinh tế xảy ra”, ông Zandi nói.
Có hai lý do chính dẫn đến việc những người giàu có cắt giảm chi tiêu: Thị trường biến động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Những người thuộc top 10% thu nhập cao sở hữu đến 80% số cổ phiếu ở Mỹ, vì vậy họ nhạy cảm hơn nhiều đối với những cơn gió lạ gần đây thổi qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Đồng thời, bởi vì nhiều người giàu cũng sở hữu các công ty hoạt động tại nước ngoài hoặc tiếp xúc với thị trường nước ngoài, nên họ đã trở thành một hệ thống cảnh báo sớm về những cơn bão kinh tế đang được hình thành trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đang được thúc đẩy bởi thị trường việc làm mạnh mẽ và thị trường nhà ở tương đối ổn định. Nền kinh tế Mỹ suốt 10 năm qua được xác định bởi sự gặt hái lợi nhuận của người giàu và được thúc đẩy bởi mức chi tiêu của họ, nay đã bị đảo ngược. Hiện tại, Phố Main mới là nơi đang thịnh, mặc dù giới đầu tư đang báo hiệu sắp xảy ra một cuộc suy thoái đối với người tiêu dùng. Những người giàu có vẫn có hàng đống của cải để tiêu xài. Nhưng việc những người ở top đầu này tiêu xài đều phải dựa trên sự ổn định và tự tin của thị trường. Và trong thời điểm hiện tại, họ đang tìm kiếm một chút ổn định cùng tự tin từ thị trường chứng khoán toàn cầu lẫn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|