Thứ Năm, 05/09/2019 11:26

Ấn Độ: Điểm đến tiếp theo của “chuyến xe” iPhone từ Trung Quốc

Vào một ngày chủ nhật mùa hè nắng nóng, hàng tá chuyến xe buýt đỗ xịch bên ngoài một cụm gồm những tòa nhà thấp màu xanh dương ở bang Andhra Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Những người phụ nữ Ấn Độ khoác trên người bộ đồ salwar kameezes truyền thống đầy màu sắc, khăn choàng đôi bay phấp phới khi họ rảo bước qua những hàng rào hoa dâm bụt và tấm áp-phích cổ động “Mục tiêu của chúng ta, không xảy ra tai nạn”.

Ca làm đêm tại nhà máy điện thoại di động của Foxconn Technology Group ở Thành phố Sri sắp kết thúc, và từng tốp phụ nữ trẻ lên đến hàng ngàn người đang ào ra cửa để về nhà trong khi những tốp khác lại đang đổ vào nhà máy để thay ca. Một trong những người đến thay ca là Jennifer Jayadas, cô gái trẻ 21 tuổi với dáng người cao và gầy, cô sống cách nhà máy vài dặm trong một túp lều chia thành hai phòng nơi không có vòi nước sạch.

Sau khi ăn bữa sáng miễn phí gồm bánh mì dẹt chapatti với cà ri khoai tây và đậu, cô gái trẻ mang vào một chiếc mũ trắng, một chiếc tạp dề, một đôi ủng chống tĩnh điện và một đôi găng tay nhỏ. Sau đó Jayadas ngồi vào vị trí làm việc tại bộ phận thử nghiệm, tại đây, cô sẽ ngồi suốt 8 giờ để thử khả năng hoạt động của các tính năng như âm lượng, độ rung và những tính năng khác của điện thoại. “Toàn bộ điện thoại thông minh từng được sản xuất tại Trung Quốc”, cô Jayadas nói. “Bây giờ, chúng tôi sản xuất chúng ở đây”.

Foxconn, còn được biết đến với tên gọi Hon Hai Precision Industry Co., đã mở cửa nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ vào 4 năm trước. Hiện, công ty này đang điều hành hai nhà máy lắp ráp, kèm theo đó là kế hoạch mở rộng hai nhà máy này và mở thêm hai nhà máy nữa. Ấn Độ đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng khi công ty có trụ sở ở Đài Bắc này tìm cách mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Việc gây dựng thành công ở Ấn Độ đã trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào chiến tranh thương mại vào năm 2018 và thông báo sẽ áp thuế quan lên hàng ngàn mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có những mặt hàng mà Foxconn sản xuất cho Apple, Amazon.com và những công ty Mỹ khác.

Vào cuối tháng 08/2019, ông Trump đã lên tiếng yêu cầu các công ty Mỹ bắt đầu di dời ra khỏi Trung Quốc và trích dẫn thêm một điều luật an ninh quốc gia làm cớ biện minh. Hai ngày sau đó, ông Trump rút lại lời yêu cầu trên, nhưng nhiều công ty không thể tránh khỏi việc nghĩ lại về chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

“Có một câu triết lý về kinh doanh rất hay là không nên bỏ hết tất cả trứng vào chung một giỏ”, Josh Foulger, người chịu trách nhiệm cho các hoạt động tại Ấn Độ của Foxconn, cho biết. “Chúng tôi phải tìm những nơi thay thế khả thi và đáng tin cậy khác. Hiển nhiên, những địa điểm thay thế phải là nơi có tính cạnh tranh. Chúng tôi không thể đặt nhà máy sản xuất điện thoại ở Mexico được. Nếu là 10 năm trước thì có thể, nhưng hiện tại thì không được nữa”.

Ông Foulger (48 tuổi), sinh ra và lớn lên ở Chennai (Ấn Độ) và đã học tại Đại học Texas ở Arlington, trước khi quay trở về Ấn Độ vào giữa tháng 08/2019 để xây dựng nhà máy sản xuất cho Nokia. Ông gia nhập Foxconn từ 4 năm trước để giúp nhà sáng lập Terry Gou thành lập các nhà máy lắp ráp ở Ấn Độ, hiện đang là thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới.

Cơ sở Foxconn đầu tiên ở Ấn Độ mở cửa vào năm 2015 tại Thành phố Sri, một đặc khu kinh tế của Ấn Độ - nơi mà hàng hóa có thể được nhập khẩu và xuất khẩu với những cuộn băng dính hạn chế màu đỏ và là nơi các công ty nước ngoài sản xuất mọi thứ từ tã lót cho đến toa xe lửa. Nhà máy của Foxconn thuê gần 15,000 nhân công – khoảng 90% trong số đó là phụ nữ - và họ lắp ráp điện thoại cho rất nhiều nhà sản xuất khác nhau, trong đó có cả hãng điện thoại bán chạy nhất tại địa phương Xiaomi. Trong vài tháng gần đây, các công nhân bắt đầu được phân nhiệm vụ thử nghiệm và lắp ráp điện thoại iPhone X của Apple, dòng điện thoại này sẽ được bán ở Ấn Độ đầu tiên và sau đó mới xuất khẩu.

Nhà máy điện thoại di động thứ hai của Foxconn mở cửa năm 2017 tại Sriperumbudur, cách nhà máy đầu tiên khoảng 2 giờ đi bằng đường bộ. Nhà máy này thuê đến 12,000 công nhân và một phần được tự động hóa. “Đến năm 2023”, ông Foulger nói, “cả hai nhà máy sẽ được mở rộng hơn nhiều và chúng tôi sẽ xây thêm hai nhà máy nữa”.

Foxconn hiện vẫn phải vận chuyển các bộ phận của điện thoại từ Trung Quốc về Ấn Độ để lắp ráp, nhưng họ hy vọng một ngày nào đó, những bo mạch in và màn hình sẽ được sản xuất ngay tại đây. Ông Foulger đang nắm giữ 1/3 thị trường điện thoại thông minh nội địa và 10% thị trường toàn cầu (tăng từ 2.5%). Ngoài ra, ông còn có kế hoạch lắp ráp thêm những sản phẩm khác, như loa Amazon Echo, cho đến các sản phẩm khác. “Đến nay, Ấn Độ đã tự sản xuất được hàng hóa cho nước họ”, ông Foulger nói. “Ấn Độ sẽ sớm là nơi sản xuất hàng hóa cho thế giới”.

Ngồi trong văn phòng nhìn ra trung tâm của nhà máy ở Sriperumbudur, vị Giám đốc đeo dây đeo, có râu quai nón đang đánh dấu những điểm mạnh của Ấn Độ: Giá lao động chỉ bằng một nửa Trung Quốc, lực lượng nhân viên hùng hậu có cả những kỹ sư tài năng và một Chính phủ sẵn lòng giúp đỡ.

Foxconn có một đối tác trung thành, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi – người đang chịu áp lực phải hạ tỷ lệ thất nghiệp hiện đang vượt qua 6%. Chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” đã được 4 năm tuổi do Chính phủ của ông Modi thực hiện đang tìm cách để biến nước này thành cường quốc sản xuất bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi để các công ty nước ngoài đến đây mở nhà máy. “Theo kế hoạch, đến năm 2024, ngành sản xuất điện thoại vốn trị giá 25 tỷ USD của Ấn Độ sẽ phát triển đến mức giá trị 400 tỷ USD”, Pankaj Mahindroo, người đứng đầu của Indian Cellular & Electronics Assn, cho biết. “Phần lớn sẽ dành cho thị trường xuất khẩu”.

Vẫn còn quãng đường dài để đi: Chỉ có 700,000 công việc liên quan đến sản xuất hàng điện tử được tạo ra kể từ khi chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” bắt đầu được thực hiện, theo ông Mahindroo. Những nhân viên có kỹ năng như nhà thiết kế công nghiệp hiện đang thiếu hụt, và vẫn chưa có nhiều mạng lưới cung cấp những linh kiện quan trọng như pin, bộ bán dẫn và bộ vi xử lý. “Ấn Độ vẫn chưa phát triển được đến đó”, Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner India, cho biết. “Nhưng mọi thứ đang bắt đầu trở nên trơn tru hơn. Ấn Độ có thể tăng cường khả năng sản xuất và giúp thế giới bớt phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Việc Trung Quốc trở thành “nhà máy sản xuất” trung tâm của thế giới không thể thiếu công của Foxconn, và ông Gou đã nói với ông Modi rằng Foxconn có thể giúp Ấn Độ làm điều tương tự. Nhưng Trung Quốc phải mất đến 30 năm mới phát triển được như vậy. “Lợi thế của Trung Quốc nằm ở lực lượng lao động hùng hậu có thể sản xuất với giá khá rẻ, và họ xây dựng trên cơ sở đó bằng cách đầu tư mạnh vào lĩnh vực hậu cần và vận chuyển”, Andrew Polk, Đối tác sáng lập của Trivium China – một công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh – cho biết. “Thậm chí, khi lợi thế về lực lượng lao động giá rẻ đang dần mất đi, Trung Quốc vẫn đã đầu tư vào các quy trình và hệ thống sản xuất, vì vậy, họ có thể sản xuất hiệu quả ở một quy mô nào đó và vận chuyển hàng hóa ra thị trường”.

Nếu muốn bắt kịp Trung Quốc thì yêu cầu Chính phủ Ấn Độ và bộ phận tư nhân phải đầu tư mạnh vào đường bộ, đường ray, cảng và những cơ sở hạ tầng khác. “Khi Trung Quốc làm điều đó, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phân mảnh và sẽ không có quốc gia nào khác giống được Trung Quốc”, ông Polk nói. “Ấn Độ không chỉ cần làm đúng theo như vậy mà còn phải làm tốt hơn những gì Trung Quốc đã làm, và chiến tranh thương mại chỉ có thể giúp ích về phần lợi nhuận”. Trung Quốc cũng có được lợi thế trong việc có khả năng phát triển mà không phải quá lo lắng về tác động gây ra cho môi trường. Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đang tăng nhanh, ông Polk nói “ý tưởng này sẽ khó mà thực hiện trong những ngày này”.

Là một chuyên gia kỳ cựu chuyên về chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và các nơi khác, ông Foulger nhận thức được một cách đau đớn về những thách thức. “Tôi có thể nói ‘Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc’”, ông Foulger nói. “Thực tế, chúng tôi vẫn có một vài thiếu sót”. Trong khi chính quyền bang cung cấp đất, nước và điện cho cơ sở Sriperumbudur của Foxconn, thì Foxconn, Dell, Flextronics và những công ty khác cùng chung tay xây dựng những khu công viên công nghiệp cho nhà máy của họ. Mặc dù vậy, ông Foulger vẫn cần phải vận chuyển nước về nhà máy để phục vụ cho hàng ngàn công nhân bởi vì thành phố Chennai và các khu vực lân cận đang thiếu nước nghiêm trọng.

Ông Foulger đã sớm quyết định sẽ tuyển phần lớn nhân công là phụ nữ. Các công nhân nữ làm việc tại nhà máy là một việc hết sức phổ biến ở Trung Quốc, nhưng lại là điều bất thường ở Ấn Độ, nơi phụ nữ nông thôn thường chỉ làm công việc nhà hoặc làm đồng mà không được trả lương. Phụ nữ ở khu vực này thậm chí còn không được phép đi làm ca đêm ở nhà máy cho đến khi chính quyền địa phương và các tòa án can thiệp vào từ 4 năm trước.

Chính mẹ của ông Foulger đã gieo trồng nên ý tưởng và thuyết phục ông ấy cho phụ nữ một cơ hội. Bà vốn là một giáo viên có những học sinh ưu tú vươn lên từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì vậy, bà đã khuyên ông Foulger rằng những bé gái cũng rất hiếu học, chăm chỉ và tận tâm nhưng hoàn cảnh gia đình đã cản bước tiến tới đại học của họ. Nhiều cô gái bị ép phải đi làm từ sớm hoặc bị đẩy vào các cuộc hôn nhân và phải nuôi con khi tuổi đời còn trẻ.

Ông Foulger nói rằng bởi vì hầu hết nhà sản xuất Ấn Độ thích thuê đàn ông hơn, nên ông ấy rất dễ đạt được chỉ tiêu thuê nhân công của mình. Nhưng ông ấy cũng phải điều chỉnh một số thứ. Ví dụ, máy điều hòa phải được bật ở 26 độ C bởi vì những phụ nữ làm việc ở đây chưa từng ngồi trong phòng có điều hòa bao giờ. Một người quản lý dây chuyền cũng đã nêu lên vấn đề vệ sinh riêng cho phái nữ và ông Foulger đầu tiên có hơi do dự. Ông tự hỏi phản ứng của dân làng sẽ ra sao? Tuy nhiên, ông đã lắng nghe yêu cầu đó và cho lắp đặt các chỗ đựng giấy vệ sinh trong phòng vệ sinh. Ông Foulger còn trả thêm khoản tiền an ninh để đảm bảo an toàn cho các nữ công nhân, mở các tuyến xe buýt và xây ký túc xá cho những công nhân sống xa nhà máy. Nhưng ông nói rằng những khoản tiền đó rất đáng để chi bởi vì “phụ nữ làm việc chăm chỉ và họ trân trọng những cơ hội mà họ có”.

Trong nhiều năm qua, Foxconn đã bị nhiều chỉ trích vì điều kiện làm việc tệ bạc ở các nhà máy Trung Quốc. Những vụ tự tử của các công nhân trẻ là người nhập cư xảy ra vào đầu thập kỷ này đã khiến cả thế giới bị sốc và khiến công ty này phải lập ra một đường dây nóng chuyên hỗ trợ, tăng lương và cho lắp đặt các lưới an toàn quanh nhà máy để giảm thiểu khả năng nhảy lầu tự tử. Vào tháng 08/2019, Foxconn đã sa thải hai Giám đốc tại một nhà máy ở Trung Quốc chuyên lắp ráp các thiết bị cho Amazon sau khi một nhóm người lao động tố cáo họ cắt xén tiền lương của công nhân và tổ chức lách luật để đối phó với việc Mỹ tăng thuế quan.

Suốt chuyến tham quan tại hai nhà máy Foxconn ở Ấn Độ, không có dấu hiệu nào cho thấy điều kiện làm việc của công nhân không đảm bảo. Các công nhân ở đây chủ yếu phàn nàn về sự đơn điệu. Từ giây phút họ bước chân vào nhà máy đến khi kết thúc ca làm 8 giờ, công việc cứ lặp đi lặp lại. Chỉ tiêu sản lượng hàng ngày yêu cầu phải đạt được bằng mọi giá. Những hàng người toàn phụ nữ ráp từng bộ phận điện thoại lại với nhau, kiểm tra mỗi chiếc di động xem thử có khiếm khuyết nào có thể nhìn thấy bằng mắt thường được hay không. Cô Shivaparvati Kallivettu (24 tuổi), trải qua mỗi ngày làm với việc kiểm tra âm thanh của điện thoại, khay đựng pin và thẻ SIM, giải thích rằng thời gian nghỉ ngơi chính của cô là vào mỗi buổi sáng khi cô ăn sáng với 4 người bạn thân của cô tại căn-tin của nhà máy.

Phần lớn phụ nữ Ấn Độ nhận công việc này vì họ đã có sẵn những mục tiêu khác trong đầu, ví dụ như để có tiền gửi con vào học ở những trường tốt hơn hoặc để trả hết nợ cho gia đình. Lương làm tại nhà máy giúp họ thoát khỏi cái nghèo. Cô Jayadas kiếm được khoảng 9,000 rupees mỗi tháng (130 USD, chỉ bằng 1/3 mức lương trung bình của công nhân ở nhà máy Trung Quốc), được đi xe buýt và có hai bữa ăn lành mạnh miễn phí mỗi ngày. Để tránh cho nhân viên không bị nhàm chán, công ty Foxconn dạy nhân viên ít nhất 10 kỹ năng trong việc kiểm nghiệm, đóng gói và lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền để họ có thể thay phiên làm những công việc khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công nhân coi công việc tại nhà máy là một công việc tạm. Gần đây, đã có 400 phụ nữ không đến làm các ca làm hàng ngày. Các quản lý phát hiện ra rằng tất cả họ đều đang tham dự kỳ thi tuyển chọn giáo viên của Chính phủ - công việc này chỉ được trả lương bằng 1/3 so với làm ở Foxconn nhưng lại yêu cầu bồi thường hữu hình ít hơn.

Sau khi kết thúc ca làm, cô Jayadas bắt xe buýt, trở về nhà trước 4 giờ chiều. Sau đó, cô sẽ đi nấu cơm, đi lấy 12 xô nước từ một vòi nước công cộng để gia đình sử dụng hàng ngày. Thu nhập đến từ việc sửa đài radio và đầu đĩa DVD của cha cô rất ít ỏi và thất thường nên toàn bộ tiền lương mà cô làm ra cô đều đưa hết cho cha mẹ. “Đầu tiên, tôi muốn sửa lại căn nhà”, cô Jayadas vừa nói vừa chỉ mái nhà mỏng manh và những bức tường ọp ẹp. “Sau đó, tôi muốn để dành tiền để đi học một khóa học làm đẹp”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Cựu Chủ tịch Fed: Chẳng bao lâu nữa, lãi suất âm sẽ lan sang Mỹ (05/09/2019)

>   Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán thương mại vào đầu tháng 10/2019 (05/09/2019)

>   Chiến lược Brexit “cứng” của Thủ tướng Johnson hứng thất bại cay đắng (04/09/2019)

>   Hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ thu hẹp lần đầu tiên trong 3 năm (04/09/2019)

>   Sau đòn đáp trả của Trung Quốc, ông Trump quá tức giận đến nỗi muốn tăng gấp đôi thuế quan (04/09/2019)

>   Apple phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nhiều (30/08/2019)

>   Các siêu thị nước ngoài thay đổi chiến thuật hoạt động tại thị trường Trung Quốc (03/09/2019)

>   Doanh nghiệp Nhật Bản đang trữ đến 4.8 ngàn tỷ USD tiền mặt (03/09/2019)

>   Australia ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai đầu tiên trong 44 năm (03/09/2019)

>   Nếu Trung Quốc nhún nhường trước Mỹ thì đó sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”? (03/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật