Thứ Hai, 05/08/2019 16:35

Đáp trả ông Trump, Trung Quốc để Nhân dân tệ suy yếu và ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ

Sau một năm cố gắng làm dịu lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết quả mà Trung Quốc nhận được là bị áp thêm thuế lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ. Và thế là lần này, Trung Quốc báo hiệu họ sẽ chơi đòn cứng rắn.

Trong một động thái leo thang căng thẳng khiến thị trường tài chính thế giới rung chuyển và “đè nặng” lên tăng trưởng toàn cầu, Bắc Kinh đã để Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD xuống mức yếu nhất trong hơn 1 thập kỷ vào ngày thứ Hai (05/08) và yêu cầu các công ty Nhà nước ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ.

Sở dĩ Trung Quốc làm vậy là do Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa dọa áp thêm thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn làm thế mặc dù Tổng thống Mỹ chỉ trích nặng nề chuyện Trung Quốc cố ý làm suy yếu Nhân dân tệ để giúp các công ty xuất khẩu và không thực hiện lời hứa mua thêm nông sản Mỹ sau khi tiến tới thỏa thuận đình chiến hồi cuối tháng 6/2019. Trước tình cảnh đó, nhà đầu tư bán tháo chứng khoán châu Á, tiền tệ của các thị trường mới nổi và chuyển hướng sang các kênh trú ẩn an toàn như đồng Yên Nhật, trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng.

“Đây là một trong những kịch bản tồi tệ nhất”, Michael Every, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính châu Á tại Rabobank ở Hồng Kông, cho hay. “Đầu tiên, thị trường bán tháo mạnh, sau đó ông Trump lên tiếng và thị trường còn tệ hơn nữa”.

Tuần trước, ông Trump đề xuất áp thêm thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/09/2019, leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay sau khi cả hai bên nối lại đàm phán. Dựa trên nguồn tin thân cận, các quan chức ở Bắc Kinh cảm thấy sửng sốt vì lời đe dọa của ông Trump và Trung Quốc hứa sẽ đáp trả lại nếu Mỹ khăng khăng triển khai kế hoạch áp thêm thuế.

Giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng buông lời chỉ trích lời đe dọa áp thuế từ ông Trump, thậm chí làm dấy lên khả năng Bắc Kinh cân nhắc cắt đứt quan hệ thương mại với Mỹ.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2019 trong ngày thứ Hai (05/08), trong đó các thị trường châu Á từ Nhật Bản cho đến Hồng Kông và Hàn Quốc đều giảm hơn 2%. Ấy vậy mà, thị trường cổ phiếu ở Thượng Hải giảm nhẹ hơn so với các thị trường khác ở châu Á. Thế là nhà đầu tư sinh nghi các quỹ Nhà nước có thể hành động để thúc đẩy thị trường.

Đồng Nhân dân tệ sụt 1.3% xuống 7.0292 đổi 1 USD vào lúc 13h ngày thứ Hai (05/08) sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức yếu hơn 6.9 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019. Đồng Nhân dân tệ ở Hồng Kông sụt tới 1.9% xuống mức thấp kỷ lục.

“Việc Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7% là do hàng loạt yếu tố: Leo thang căng thẳng thương mại, sự suy yếu từ nền kinh tế Trung Quốc và sự sẵn lòng chấp nhận đồng nội tệ biến động mạnh hơn từ PBoC”, Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities ở Hồng Kông, cho hay. “PBoC đã đi đến phạm vi chưa từng khai phá trước đây, vì vậy họ phải kiểm soát kỳ vọng một cách cẩn thận”.

PBoC cho rằng đà suy yếu của Nhân dân tệ là do chủ nghĩa bảo hộ thương mại và lo ngại về lời đe dọa áp thêm thuế lên Trung Quốc, đồng thời cho biết họ có thể duy trì một đồng tiền ổn định.

Bằng cách để Nhân dân tệ suy yếu mạnh trong ngày hôm nay (05/08), PBoC “đã vũ khí hóa đồng nội tệ”, Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics ở Singapore cho hay. “Thật vậy, họ ngừng bảo vệ ngưỡng 7 đổi 1 USD và điều này cho thấy họ đã từ bỏ hy vọng tiến tới thỏa thuận thương mại”.

Cho phép Nhân dân tệ suy yếu dĩ nhiên cũng đi kèm với rủi ro. Sự phá giá Nhân dân tệ vào giữa năm 2015 đã châm ngòi cho tình trạng thoái vốn và gây bất ổn trên thị trường toàn cầu. Tuy vậy, nhờ vào các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn, Trung Quốc có thể tránh tạo thêm làn sóng thoái vốn mạnh ra khỏi thị trường.

Nhưng đâu chỉ có thế, Nhân dân tệ suy yếu còn khiến Tổng thống Mỹ "nổi cơn tam bành” và trước đó, ông Trump cũng thường xuyên cảnh báo mức thuế có thể cao hơn nhiều. Tuần trước, Tổng thống Mỹ nói với đám đông ở Cincinnati rằng ông sẽ áp thuế lên Trung Quốc cho đến khi có thỏa thuận.

Cho đến nay, thiệt hại lớn nhất từ cuộc chiến thương mại không phải đến từ hàng rào thuế quan mà là sự không chắc chắn từ cuộc chiến – một yếu tố đập tan sự tự tin của doanh nghiệp và gây tổn thương đến hoạt động kinh doanh của các công ty, Wang Tao, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại UBS Group AG, cho biết. Vì lý do đó, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ có thể chẳng thể bù đắp cho những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại, bà cho biết.

Hoạt động nhập khẩu nông sản từ Mỹ cũng là một vũ khí khác mà Bắc Kinh có thể sử dụng. Các công ty nông nghiệp do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát giờ đã ngừng mua nông sản Mỹ và muốn chờ xem đàm phán thương mại sẽ diễn ra như thế nào, dựa trên nguồn tin thân cận. Các hợp đồng tương lai bắp ngô và đậu nành giảm vì thông tin trên.

Trong khi đó, ông Trump liên tục phàn nàn Trung Quốc chưa mua lượng lớn nông sản từ Mỹ như đã hứa. “Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược ngoại giao mềm dẻo hơn và không còn chấp nhận là ‘bao cát’ của ông Trump”, Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng Research, cho hay. “Mối đe dọa áp thuế từ ông Trump đang phản tác dụng và châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Hoảng hồn vì lời đe dọa áp thuế, hàng loạt công ty Nhật Bản di cư khỏi Trung Quốc (05/08/2019)

>   Doanh số iPhone sẽ hạ 8 triệu chiếc vì thương chiến Mỹ - Trung (05/08/2019)

>   Bất chấp sự phản đối từ cố vấn, ông Trump vẫn ra lệnh áp thuế lên Trung Quốc (05/08/2019)

>   Trung Quốc tiếp tục hủy mua thịt heo Mỹ (05/08/2019)

>   Hàn Quốc đối phó với các biện pháp hạn chế kinh tế đơn phương của Nhật (04/08/2019)

>   Đế chế quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook đang bị đe dọa (03/08/2019)

>   Tuần chao đảo của thương mại toàn cầu (03/08/2019)

>   Thương chiến Mỹ - Trung tăng cấp mới, trừng phạt sự bội ước? (03/08/2019)

>   Đây là cách Fed ấn định lãi suất và vì sao điều đó lại quan trọng (03/08/2019)

>   Cho thuê phòng làm việc nhỏ bằng bốt điện thoại ở Nhật Bản (03/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật