Thương chiến Mỹ - Trung tăng cấp mới, trừng phạt sự bội ước?
Nếu Mỹ áp thuế bổ sung 10% với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc còn lại có hiệu lực từ 1-9 như Tổng thống Donald Trump tuyên bố trên Twitter, như vậy sẽ không còn tồn tại thương mại tự do (free trade) giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu nữa.
Các nhà giao dịch và chuyên gia tài chính tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 1-8 (giờ Mỹ). Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cùng ngày đã lao dốc mạnh sau tuyên bố áp thuế quan mới của ông Trump lên hàng hóa Trung Quốc - Ảnh: AFP
|
Điều này có nghĩa lần đầu tiên các mặt hàng của Trung Quốc như đồ chơi, quần áo, giày dép, điện tử gia dụng (điện thoại iPhone, máy tính...) sẽ đối mặt với việc bị phạt thuế.
Trừng phạt sự bội ước?
Lý giải cho quyết định này trên Twitter rạng sáng 2-8 (giờ VN), ông Trump nói cho tới nay Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận thương mại song phương.
Thêm nữa, tổng thống Mỹ nói Bắc Kinh đã không giữ đúng cam kết mua thêm nông sản Mỹ và cũng không ngăn chặn tình trạng xuất khẩu fentanyl (thuốc giảm đau) vào Mỹ. Mức 10% với 300 tỉ USD là mức áp thuế mới, sau khi đã áp 25% thuế với 250 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc trước đó.
Tạp chí Vox dẫn lời nhiều quan chức cấp cao Mỹ, cả đương nhiệm lẫn "về vườn", cho rằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc hiện nay sẽ "nghiền nát" nền kinh tế Trung Quốc.
Bởi theo họ, việc áp thuế nặng sẽ không chỉ khiến hàng Trung Quốc ở Mỹ đắt đỏ hơn, mà còn là động lực thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia phải chuyển dây chuyền sản xuất cũng như văn phòng tại Trung Quốc sang các nước gần đó.
Cùng ngày, Trung Quốc chỉ trích quyết định áp thuế của Mỹ, khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả cần thiết. Thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc áp thuế là sự vi phạm một thỏa thuận gần đây của Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình. "Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả", thông cáo nêu.
Cho tới nay, Trung Quốc cũng đã đưa ra các mức thuế quan đáp trả với 110 tỉ USD hàng Mỹ, trước hết nhắm vào các loại nông sản. Song vì Trung Quốc không còn lựa chọn để áp thuế bổ sung trả đũa, nên một số chuyên gia cho rằng có thể Bắc Kinh sẽ phải vận dụng tới những rào cản phi thuế quan nếu muốn phản đòn Washington.
Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ than khóc
Bất kể việc ông Trump tuyên bố Bộ Tài chính Mỹ sẽ sớm thu về hàng tỉ USD tiền thuế do phía Trung Quốc phải trả từ quyết định phạt thuế mới với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc, song theo Hãng tin Reuters, thực tế không phải vậy. Thuế đánh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ do các công ty đăng ký hoạt động tại Mỹ trả khi đưa hàng vào phân phối tại thị trường Mỹ.
Đó là lý do vì sao ngay sau khi ông Trump công bố quyết định, các nhà bán lẻ Mỹ đã phản đối, gọi đó là việc "tăng thêm thuế với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ". Họ cũng cảnh báo động thái mới sẽ đe dọa mất việc làm và tăng chi phí sinh hoạt cho các gia đình Mỹ.
Ông Stephen Lamar, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội May mặc và da giày Mỹ, ước tính đợt phạt thuế mới sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ nặng hơn với các nhà sản xuất Trung Quốc. Giới sản xuất Trung Quốc đang chiếm 42% lượng hàng quần áo và 69% giày dép được mua ở Mỹ.
Các cột mốc thương chiến Mỹ - Trung
6-7-2018: Mỹ khơi mào thương chiến bằng việc áp mức thuế nhập khẩu 25% lên khoảng 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Hai bên sau đó tung nhiều đòn thuế "ăn miếng trả miếng".
1-12-2018: Lãnh đạo 2 nước nhất trí "đình chiến" 90 ngày tại hội nghị G20 ở Argentina.
10-5-2019: Sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ, Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, từ mức 10% lên 25%.
29-6-2019: Ông Trump và ông Tập gặp lại tại sự kiện G20 ở Nhật Bản, tiếp tục đồng ý "đình chiến".
2-8-2019: Ông Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại nhập từ Trung Quốc.
BẢO ANH tổng hợp
|
Thị trường toàn cầu chao đảo
Thị trường chứng khoán toàn cầu chuyển sang sắc đỏ sau thông tin ông Trump tuyên bố phạt thuế mới với Trung Quốc.
Tại Trung Quốc đại lục, chứng khoán giảm điểm ngay trong các phiên giao dịch đầu tiên. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,58%, Shenzhen Component giảm 2,36% và Shenzhen Composite mất 2,125%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng Index giảm 2,28%. Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 2,13%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,06%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,53%.
Tại Mỹ, chứng khoán lập tức đảo chiều xanh thành đỏ sau thông tin ông Trump phát đi. Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ cùng lao dốc khi các nhà đầu tư vội vàng chuyển sang bán tháo cổ phiếu. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,05%, S&P 500 giảm 0,90% và Nasdaq Composite giảm 0,79%.
Đồng nhân dân tệ cũng rơi xuống mức tỉ giá thấp nhất trong gần một năm qua. Trong ngày 2-8, chỉ số STOXX 600 của châu Âu cũng giảm 1,9%, rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tuần. Theo Đài DW (Đức), giá dầu cũng giảm 7% trong ngày 1-8.
|
D.KIM THOA
Tuổi trẻ