Trung Quốc có thể đề nghị giảm thuế quan để đẩy nhanh quá trình tiến tới RCEP
Theo các nhà quan sát, trong một nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán bị đình trệ trong hiệp ước thương mại khu vực, Trung Quốc được dự báo sẽ đưa ra một vài hành động nhượng bộ bao gồm giảm thuế quan khi quốc gia này tổ chức Hội nghị thượng đỉnh cho 15 quốc gia khác.
Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) kể từ khi được đề xuất vào năm 2012. Các bộ trưởng thương mại đến từ 10 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng với 6 nước khác trong khu vực – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ – sẽ họp mặt tại Bắc Kinh từ ngày 02-03/08/2019.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng, cho biết Trung Quốc với tư cách là nước chủ nhà sẽ “tiếp tục tôn trọng và giữ vững vai trò then chốt của ASEAN trong các cuộc đàm phán RCEP, đồng thời đóng góp vào việc tạo lập các mối quan hệ, hợp tác và đồng thuận để hỗ trợ các cuộc đàm phán được hoàn tất trong năm nay”.
Trước thềm hội nghị, các cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) trong khoảng thời gian từ ngày 22-31/07/2019.
Tính đến nay, đã có tổng cộng 26 vòng đàm phán về RCEP, trong đó vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào ngày thứ Tư (03/07) tại Melbourne, Australia. Các cuộc hội đàm về vấn đề thỏa thuận vẫn duy trì tiến độ chậm chạp cho đến vài năm gần đây, giữa bối cảnh sự phản đối thương mại tự do và áp lực thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tăng. Nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại lời đe dọa tăng thuế quan của ông Trump có thể gây tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến cái nôi của chuỗi cung ứng là Đông Á và Đông Nam Á.
Trong khi quan chức từ các nước thành viên ASEAN cũng như từ Trung Quốc và Nhật Bản liên tục bày tỏ hy vọng hoàn tất các cuộc đàm phán về hiệp ước ngay trong năm nay, vẫn có những báo cáo cho rằng Ấn Độ – đang ở trong tình trạng lo lắng về thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc – khá miễn cưỡng trong việc giảm thuế quan.
Các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ trong nỗ lực để đạt được hiệp ước sau nhiều năm đàm phán, nếu thành công thì hiệp ước này sẽ là một chiến thắng cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 1 năm với Washington và có lẽ củng cố thêm vai trò của châu Á và Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.
“Trong vài năm vừa qua, Trung Quốc đã cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại mặt hàng và vì vậy, Trung Quốc có thể đủ thoải mái để tiếp tục thúc đẩy chương trình tự do hóa thuế quan này”, Nick Marro, Chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) tại Hồng Kông, cho biết.
Từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã giảm bớt hàng rào thuế quan đối với nhiều quốc gia khác, theo một phân tích gần đây của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Trong khi mức thuế quan trung bình của Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ nhảy vọt lên 20.7% trong thời kỳ chiến tranh thương mại, Bắc Kinh lại giảm thuế đối với các sản phẩm cạnh tranh từ các nước thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) xuống mức trung bình là 6.7%.
Hiệp ước thương mại khu vực RCEP cũng được cho là một trong những vấn đề được Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nêu ra khi gặp gỡ các lãnh đạo của Indonesia, Thái Lan và Singapore bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
Trong nỗ lực mới nhất để phá vỡ bế tắc, Bộ trưởng Thương mại Indonesia và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, cùng với Tổng Thư ký ASEAN sẽ đến New Delhi (Ấn Độ) vào tuần tới để gặp mặt Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal, theo thông tin truyền thông Ấn Độ.
Wang Huiyao, Cố vấn nội các Trung Quốc kiêm nhà sáng lập Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết ông rất lạc quan về hội nghị thượng đỉnh được tổ chức lần đầu tiên ở Trung Quốc này, ông còn nói rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách để đạt được tiến triển thật sự và thúc đẩy hiệp ước thương mại.
“Đây là một cơ hội vô cùng tốt bởi vì Trung Quốc – cũng như Nhật Bản, Australia và các nước Đông Nam Á – đã chủ động thúc đẩy việc thỏa thuận”, ông Wang nói. “Đối với Ấn Độ, ông Modi đã bắt đầu thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa và cho dù trước đây có bất kỳ lo ngại nào về các bất ổn chính trị đi nữa thì bây giờ là thời điểm thích hợp”.
Ông Wang cho rằng Hiệp ước thương mại bao gồm 16 quốc gia, chiếm gần 32% GDP toàn cầu, 27% thương mại toàn cầu và có tổng cộng 3.5 tỷ dân, sẽ là “màn trở lại ngoạn mục nhất” khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương đang ngày một gia tăng.
He Ping, Giảng viên tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết mặc dù các tranh chấp xoay quanh vấn đề thuế quan là “vấn đề thuộc về cơ cấu” và rất khó để vượt qua, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ có thể cố gắng thu hẹp khoảng cách, ví dụ như là đưa ra một danh sách miễn trừ thuế.
“Hoặc hai quốc gia trên có thể tập trung vào những vấn đề khác mà họ cùng có điểm chung để thúc đẩy hiệp ước thương mại”, ông He nói.
Nhưng các nhà quan sát lại đồng ý rằng con đường phía trước của hiệp ước thương mại khu vực có lẽ còn nhiều khó khăn.
“Trong khi cả hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tìm cách để mở rộng thương mại, Ấn Độ lại cảm thấy rằng họ chưa sẵn sàng, Trung Quốc có lẽ cũng cần tiếp tục thúc đẩy việc cải cách của đất nước”, ông Wang nói. “Sự khôn ngoan trong chính trị là điều cần thiết và Ấn Độ nên công nhận những lợi ích to lớn mà việc hội nhập khu vực mang lại”.
Biswajit Dhar, Giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kế hoạch tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho rằng việc tự do hóa thuế quan mà RCEP dường như đang đòi hỏi là vấn đề lớn nhất đối với Ấn Độ, và ông cho rằng ông Modi khó lòng thuyết phục đất nước này chấp nhận hiệp ước.
“Các công ty chuyên về hàng nông nghiệp, sữa và gia cầm cũng lo lắng không kém về việc thiếu khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác đến từ các nước thuộc RCEP”, ông Dhar nói. “Có rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, đã lên tiếng về nguy cơ có thể xảy ra thất nghiệp và việc này sẽ là rào cản lớn ngăn Chính phủ tiến tới thỏa thuận”.
Mặc dù các quan chức châu Á đã tuyên bố sẽ hoàn tất thỏa thuận trong năm nay nhưng ông Marro cho rằng mục tiêu của thỏa thuận có thể phức tạp bởi vì có hiệp ước thương mại khác đang có hiệu lực – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này cho phép 11 quốc gia thành viên được miễn trừ thuế quan nhưng lại không bao gồm Trung Quốc.
“Sự hiện diện của một khuôn khổ thương mại đa phương mạnh mẽ đã làm giảm đi tính cấp bách phải tạo ra một khuôn khổ mới cho khu vực. Các quốc gia chưa phải là một phần của CPTPP có lẽ sẽ tập trung mọi nỗ lực để được tham gia vào hiệp định thay vì điều hướng một quá trình đầy gian nan để thiết lập một khuôn khổ hoàn toàn mới”, ông Marro cho biết.
“Điều này có khả năng khiến các quốc gia không thể tiến tới thỏa thuận RCEP”, ông Marro nói.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|