Thương mại thế giới đang thay đổi như thế nào vì thương chiến Mỹ-Trung?
Ngồi tại một văn phòng ở Tijuana (Mexico), Robert Durazo đã tận dụng cơ hội từ một trong những thay đổi lớn nhất của thương mại toàn cầu kể từ khi cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc.
Công ty của ông Durazo, Ivemsa, đã giúp đỡ hàng loạt các công ty có nhà máy tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác di chuyển nhà máy của họ về Mexico để sản xuất các loại hàng hóa bán trong nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Những công ty hoạt động tại nơi được gọi là “ngành công nghiệp trú ẩn” như công ty Ivemsa, họ giúp đỡ các công ty quốc tế hoạt động tại Mexico mà không cần phải duy trì tư cách pháp nhân.
“Chúng tôi đã nói chuyện với rất nhiều công ty ở châu Á, họ đều là những người có hứng thú muốn xem Mexico như nền tảng để sản xuất và gửi sản phẩm của họ sang thị trường Bắc Mỹ – đó mới là thị trường thật sự”, ông Durazo nói.
“Nhiều nhà sản xuất ô tô đang hoạt động tại đây, ví dụ hãng Kia Motors của Hàn Quốc đã thành lập một cơ sở lớn ở Mexico. Và họ đã di chuyển ít nhất 30 công ty cung ứng từ châu Á sang Mexico. Các nhà cung ứng chủ yếu cho Kia Motors cũng làm theo bởi vì nếu không làm vậy thì họ có thể mất hợp đồng làm ăn.
Ví dụ trên phản ánh một sự biến chuyển có phần rộng lớn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, hiện nay nếu một người là chuyên gia trong chuyện này thì họ sẽ nói đây là chuyện không thể nào đảo ngược. Suốt vài thập kỷ nay, toàn cầu hóa đã trở thành một thế lực có vẻ như không thể nào ngăn cản được, nhưng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy thương mại toàn cầu chuyển đổi hoàn toàn về hướng mô hình phân mảnh. Và công ty của ông Durazo đang hoạt động ngay tại trung tâm của quá trình chuyển đổi này.
Xu hướng toàn cầu hóa của những năm sau 1990 được thúc đẩy bởi sự hội nhập của lực lượng lao động giá rẻ từ những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và từ các nước thuộc khối Liên Xô cũ vào nền kinh tế thế giới. Lợi ích của xu hướng này đã dần bị xói mòn khi các trung tâm nhân công giá rẻ này phát triển hơn và các công nhân nhà máy đòi hỏi chế độ đãi ngộ tốt hơn. Một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey vừa được công bố năm 2019 đã tìm ra rằng “người lao động kỹ thuật thấp dần trở nên ít quan trọng hơn, họ chỉ còn là một nhân tố của hoạt động sản xuất. Trái với nhận thức phổ biến, chỉ có khoảng 18% giao dịch hàng hóa toàn cầu hiện đang được thúc đẩy nhờ vào chênh lệch chi phí lao động”.
“Chuỗi cung ứng đang bị rút ngắn”, Jeongmin Seong, thành viên cấp cao của Viện Toàn cầu McKinsey và cũng là đồng tác giả của bản báo cáo, cho biết. “Giai đoạn đầu của toàn cầu hóa tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng đường dài, sản xuất hàng hóa ở một nước có chi phí thấp và vận chuyển đến nước có chi phí cao. Nhưng hiện nay chuỗi cung ứng đang trở nên ngắn hơn bởi vì thời gian tiếp thị, sự gần gũi với cơ sở khách hàng và sự sẵn có của các nguồn lực đang dần chiếm vị trí quan trọng hơn”.
Ông Seong cho biết, trong giai đoạn đầu của toàn cầu hóa – thời đại của sản xuất hàng loạt, các công ty có thể vận chuyển nhiều sản phẩm với số lượng lớn từ A sang B, nhưng khách hàng hiện nay có nhiều yêu cầu phức tạp hơn đối với sản phẩm như là quần áo và đồ điện tử. Sự phát triển của các loại sản phẩm tùy biến theo ý khách hàng dẫn đến việc nếu như các nhà sản xuất muốn phản ứng nhanh chóng với các thay đổi trong nhu cầu của khách hàng thì bắt buộc phải có chuỗi cung ứng ngắn hơn.
Các rủi ro chính trị và chi phí tài chính của cuộc chiến thương mại gây ra trong năm vừa qua chỉ có mục đích duy nhất là làm nổi bật thứ mà các chuyên gia gọi là “ban-căng hóa” (balkanisation) hoặc “phản toàn cầu hóa” của chuỗi cung ứng, trong đó các công ty đang tìm cách để sản xuất ở nơi gần hơn với các thị trường khách hàng để tránh sự bất ổn trong môi trường thương mại hay thay đổi, cũng như để giảm thiểu chi phí thuế quan.
“Các công ty trên toàn thế giới đang nhắm đến xu hướng chủ nghĩa khu vực. Vậy nên bạn muốn đầu tư vào Đông Âu để cung ứng cho Liên minh châu Âu (EU) và đầu tư vào Mexico để gần hơn với thị trường Mỹ”, John Evans, Giám đốc điều hành của Tractus Asia – công ty này cũng làm việc với các công ty chuyển đến từ Trung Quốc, cho hay.
Cùng lúc đó, các địa điểm trước đây vốn là các điểm nóng sản xuất chi phí thấp đang chuyển thành các thị trường tiêu dùng sôi động. Khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á có thêm hàng triệu người gia nhập, nhiều công ty đang lựa chọn có chuỗi cung ứng nội địa hóa ở các nước đó để phục vụ cho họ.
Ở Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất đang lũ lượt rời đi thì những công ty muốn tiếp tục phục vụ thị trường rộng lớn 1.4 tỷ người vẫn tiếp tục giữ quy trình sản xuất của họ ở gần với Trung Quốc. Đây là điều hiển nhiên khi nhìn vào thị trường xe hơi, chẳng hạn như công ty Changan Ford chuyên sản xuất với số lượng lớn ở Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, những công ty như Changan Ford lại xuất khẩu sang Mỹ rất ít.
“Các hãng xe ô tô trước đây thường xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng cường sản xuất tại Trung Quốc để né thuế quan. Thuế quan đang khiến cho nhiều công ty khó nhập khẩu phương tiện vào thị trường, nhưng họ lại có thể sản xuất từ nội địa của thị trường đó”, Bill Russo, Nhà sáng lập công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
Lakshman Achuthan, nhà đồng sáng lập của Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh tế (ECRI), đã chỉ ra rằng sự sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu là một phần của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có khả năng là những nguồn lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới, một phần vì sự gia tăng của người tiêu dùng trong nước, cũng như tầm quan trọng ngày một cao của khu vực phi sản xuất.
“Thật vậy, tỷ lệ xuất khẩu trong GDP đã giảm từ mức trên 37% vào cuối năm 2006 xuống còn 20% như hiện nay ở Trung Quốc và từ mức gần 29% vào 7 năm trước xuống còn 20% ở Ấn Độ. Những xu hướng này sẽ không sớm đảo ngược quá trình”, ông Achuthan cho biết.
Các trung tâm khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc này, như trường hợp của Mexico, đây là quốc gia thường được mô tả là “người thắng cuộc” trong năm đầu tiên mà chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra.
Các số liệu vừa được Cục Điều tra Dân số Mỹ công bố cho thấy các cơ sở sản xuất ở Mexico đang bị ảnh hưởng nhiều như thế nào do chiến tranh thương mại. Vào tháng 05/2019, thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico ở mức tăng hàng tháng cao kỷ lục, khoảng 9.6 tỷ USD, trong đó lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ nước láng giềng phía Nam này lại tăng vọt lên hơn 32 tỷ USD trong cùng tháng.
Cùng lúc đó, khi công nghệ tiếp tục phát triển, thì phản toàn cầu hóa sẽ trở nên sâu sắc hơn. Khi mà các quy trình sản xuất thông minh và robot tiên tiến ra đời, thì việc khai thác lao động chi phí thấp từ các nước xa xôi trên thế giới sẽ trở nên ít quan trọng hơn.
“Xu hướng phản toàn cầu hóa có khả năng tiếp tục mở rộng, nhưng số lượng công việc có thể sẽ giảm rất nhiều, yêu cầu người lao động phải có học vấn và kỹ năng với mức độ cao cấp hơn”, ông Achuthan của ECRI cho biết. Điều này có nghĩa nếu ông Trump thành công trong việc mang các nhà máy sản xuất về lại đất nước, thì triển vọng tạo việc làm sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Những đổi mới khác cũng sẽ rút ngắn và thu hẹp chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như các phương tiện giao thông chạy bằng điện yêu cầu ít bộ phận hơn so với các loại phương tiện truyền thống, do đó chuỗi cung ứng sẽ ngắn lại. Với sự ra đời của máy in 3D, về mặt lý thuyết các nhà máy có thể in bất cứ thứ gì họ cần ngay tại địa phương, từ đó giảm bớt lượng giao dịch và làm sâu sắc hơn các dòng ban-căng hóa.
Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, việc tái cấu trúc vẫn chỉ đang trong quá trình và những công ty như Ivemsa và Tractus Asia đang hưởng lợi.
Tuy nhiên, công ty Ivemsa của ông Durazo lại lên tiếng như một người đã nhìn trước được tương lai qua con mắt của những khách hàng khó tính.
“Một vài giờ đồng hồ để qua biên giới không là gì khi so với vài tuần để vận chuyển từ châu Á”, ông Durazo nói. “Nhưng bạn có thể tưởng tượng rằng đối với các khách hàng, luôn luôn muốn có những thứ tốt hơn. Nếu như bạn làm một việc trong vài tiếng, thì sau đó bạn sẽ muốn việc đó được làm chỉ trong vòng vài phút thôi. Và khi bạn đã làm được trong vài phút, thì bạn sẽ muốn rút lại còn vài giây. Thế nên đó chính là thứ mà chúng ta đang đối mặt, phải không?”
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|