Tăng trưởng GDP Mỹ giảm xuống 2.1%, vẫn cao hơn dự báo
Kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý 2/2019, nhưng không giảm nhiều như Phố Wall dự báo, khi hàng rào thuế quan và đà giảm tốc toàn cầu gây áp lực lên nền kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong ngày thứ Sáu (26/07).
Trong quý 2/2019, GDP Mỹ tăng trưởng 2.1%, giảm từ mức 3.1% của quý 1/2019 và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1/2017 khi Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo Mỹ chỉ tăng trưởng 2% trong quý 2/2019.
Tuy nhiên, con số từ báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ dường như đã xua tan nỗi lo sợ về suy thoái – một chủ đề được nhiều chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bàn tới.
“Lời đồn thổi về suy thoái luôn luôn bị làm quá”, Michael Arone, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, cho hay. “Dữ liệu kinh tế cho thấy Mỹ vẫn chưa gần suy thoái, ít nhất là trong năm 2020 hoặc sau đó”.
Chi tiêu của người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ góp phần thúc đẩy GDP trong giai đoạn tháng 4-6/2019, trong khi sự suy giảm của khoản đầu tư doanh nghiệp gây áp lực lên kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 4.3%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2017. Chi tiêu tiêu dùng và tổng đầu tư của Chính phủ Mỹ tăng 5%, cao nhất kể từ quý 2/2009 khi nền kinh tế vừa mới thoát khỏi cuộc Đại Suy thoái.
Trong khi đó, tổng đầu tư nội địa của khu vực tư nhân giảm 5.5%, thành quả tệ nhất kể từ quý 4/2015 khi chi tiêu cho các công trình sụt 10.6%. Đà giảm đã khiến con số GDP giảm bớt 1 điểm phần trăm.
Nỗi lo về cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố chi phối chủ yếu đến tâm lý doanh nghiệp, trong đó các chủ doanh nghiệp đều tỏ ra lo lắng.
Báo cáo về GDP Mỹ được đưa ra giữa lúc nhà đầu tư lo ngại đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nước Mỹ. Mặc dù hoạt động của người tiêu dùng vẫn còn mạnh, nhưng tăng trưởng của hoạt động sản xuất đã suy giảm trong thời gian gần đây và thị trường nhà ở vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại.
“Rõ ràng, dữ liệu cho thấy sự phân nhánh trong nền kinh tế. Đà suy yếu của hoạt động sản xuất đã gây áp lực lên các thành phần như hàng tồn kho và đầu tư cố định, nhưng người tiêu dùng của nước Mỹ đã góp phần giúp nền kinh tế đứng vững như đã thể hiện qua chi tiêu tiêu dùng cá nhân”, Michael Reynolds, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Glenmede, cho biết trong một báo cáo. “Nhìn chung, lực lượng người tiêu dùng nội địa có vẻ lấn át tác động từ đà suy yếu của hoạt động sản xuất”.
Đà tăng của lượng tiêu thụ sẽ cần phải tiếp tục khi tăng trưởng GDP Mỹ chưa đạt mục tiêu 3% như ông Trump đã hứa. Bằng cách thông qua gói cắt giảm thuế trị giá 1.5 ngàn tỷ USD trong năm 2017, ông Trump mong muốn thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3%.
“Chúng ta có con số tiêu dùng cá nhân rất lớn nhưng khó mà bền vững trong tương lai”, Joseph Brusuelas, Chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM, cho hay. “Giai đoạn tăng trưởng 3% ngắn ngủi dường như đã qua. Nền kinh tế đang giảm tốc, nhưng chưa đến nỗi rơi vào suy thoái”.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed bày tỏ lo ngại về khả năng giảm tốc của nền kinh tế Mỹ và được dự báo sẽ quyết định giảm lãi suất bớt 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới. Fed hiện đặt mục tiêu lãi suất trong phạm vi từ 2.25%-2.5%, nhưng thị trường tin chắc Fed sẽ hạ lãi suất và xác suất khoảng 53% Fed giảm thêm hai lần nữa trước thời điểm kết thúc năm nay, theo CME.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|