Chủ tịch ECB khiến thị trường loạn nhịp, khả năng Fed chỉ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản
Nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có vẻ không sẵn lòng hạ lãi suất và tung ra các gói kích thích tiền tệ như dự báo và giọng điệu của ông Mario Draghi thuyết phục thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có lập trường tương tự tại cuộc họp tuần tới.
Hiện, thị trường dự báo Fed sẽ chỉ hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản.
ECB giữ nguyên lãi suất nhưng cho biết họ có thể hạ lãi suất trong vài tháng tới và sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp kích thích. Tuy nhiên, phát biểu sau tuyên bố từ NHTW, Chủ tịch ECB Mario Draghi vẫn giữ quan điểm “bồ câu”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết về chương trình mua tài sản và cho biết khả năng kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái khá thấp.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi
|
“Ông Draghi hứa hẹn rất nhiều rồi không thực sự làm bất kỳ điều gì”, Ward McCarthy, Trưởng bộ phận kinh tế tài chính tại Jefferies, cho hay. “Ông rời khỏi vạch xuất phát rất nhanh, nhưng những động thái sau đó không đúng như những kỳ vọng của thị trường. Trước đó, thị trường còn nghĩ ECB đã sẵn sàng hành động sớm hơn. Điều này gây ra hiệu ứng domino tới kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tuần tới. Những ai trước đó kỳ vọng Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản có lẽ nên hạ bớt kỳ vọng”.
Kết quả là thị trường trái phiếu và đồng Euro có một phen biến động mạnh, trước khi xóa sạch đà giảm và quay đầu tăng trở lại trong phiên hôm qua (25/07). Lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm và 30 năm rơi xuống đáy mới vì tuyên bố từ ECB, nhưng nhanh chóng đảo chiều khi ông Draghi phát biểu. Thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự, trong đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn có ảnh hưởng tới lãi suất vay thế chấp và lãi suất cho vay khác - giảm xuống 2.01% và sau đó tăng lên đến 2.1%.
“Mọi người đang dõi theo đồng Euro và đồng tiền này đang rung lắc mạnh”, Jon Hill, Chiến lược gia trái phiếu tại BMO, cho hay. “Thực sự thì nó chỉ dao động trong phạm vi hẹp. Đồng Euro giảm 0.1 điểm cơ bản so với USD. Dường như có thông điệp khá mâu thuẫn từ ECB, nhưng họ chắc chắn sẽ thực hiện thêm các đợt hạ lãi suất và mua tài sản. Có vẻ như họ đang cân nhắc cả hai hướng đi này”.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm, Dow Jones giảm đến 150 điểm vào đầu phiên ngày 25/07 và tiếp tục chịu áp lực trong suốt cả phiên giao dịch.
Andy Brenner của National Alliance cho biết sự biến động bao trùm lấy thị trường trái phiếu, trong đó chênh lệch lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu có lợi suất cao lúc đầu thu hẹp nhưng sau đó lại nới rộng ra.
“Điều này củng cố thêm cho khả năng Fed chỉ giảm 25 điểm cơ bản mà thôi”, Brenner cho hay.
“Chỉ số trái phiếu có lợi suất cao tăng 16 điểm cơ bản, sau đó thì xóa bớt một nửa đà tăng đó. Những gì bạn chứng kiến là sự tái chiết khấu về bài phát biểu của ông Draghi từ lúc đầu cho đến lúc cuối”, Brenner nói thêm. “Phần khởi đầu của bài phát biểu nhấn mạnh nhiều hơn đến tung ra thêm gói kích thích, cho rằng tình hình đang tệ - khuyên nhủ bạn không đầu tư ở châu Âu. Thế nhưng, đến cuối bài phát biểu, ông ấy lại nói chúng tôi sẽ hành động chậm rãi hơn, tình hình không tệ đến mức đó, châu Âu chưa rơi vào suy thoái”.
Dựa trên dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, thị trường cho rằng xác suất Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản chỉ là 21%, từ mức 28% trước khi ông Draghi phát biểu.
“Ông Draghi có vẻ khá lạc quan về phần tăng trưởng. Ông cho biết tình hình khó mà ảm đạm. Vì vậy, có lẽ họ không đưa ra gói kích thích lớn”, John Briggs, Trưởng bộ phận chiến lược tại NatWest Markets, cho hay.
“Rủi ro xảy ra suy thoái đang khá thấp và chúng tôi vẫn nhận thấy dấu hiệu trụ vững từ thị trường lao động – vốn tiếp tục cải thiện nhưng với đà cải thiện dần dần yếu đi”, ông Draghi cho biết tại cuộc họp báo sau khi ECB đưa ra tuyên bố.
Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Bannockburn Global Forex, cho biết sự xoay chiều của đồng Euro trong lúc ông Draghi phát biểu một phần do hiện tượng bán non (short squeeze). Ông cho biết có nhiều hợp đồng quyền chọn chốt tại mức 1.11 USD đổi 1 Euro và đồng Euro giảm xuống mức 1.1102 USD.
“Gần như mỗi lần ông Draghi phát biểu thì đồng Euro lại giảm. Mọi người có hướng nghiêng về đồng Euro yếu hơn”, ông Chandler cho biết.
Ông nói thêm mặc dù ông Draghi “định đoạt” rằng ECB sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng “thị trường vẫn đảo chiều”. Ông Chandler cho biết việc ông Draghi có vẻ không quá “diều hâu” là một “thất bại” của ông ấy.
“Ngày mai là kỷ niệm 7 năm của khoảnh khắc ông Draghi nói ‘chúng tôi sẽ làm bằng bất cứ giá nào’ (’whatever it takes)”, ông Chandler cho biết. “Tôi nghĩ ECB vẫn trong chế độ nới lỏng. Họ không làm điều đó trong lần này, nhưng bạn không cảm thấy sự hoảng loạn. Đối với họ, đây là một chính sách mang tính phòng ngừa”.
* Chỉ với 3 từ, ông Draghi đã giải cứu thành công đồng Euro (Kỳ 1)
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|