Start-up thương mại điện tử Singapore hưởng lợi trong thương chiến Mỹ-Trung
Đối với công ty khởi nghiệp chuyên về thương mại điện tử Zilingo, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại là tin tốt.
Công ty Zilingo có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 2015 bởi Ankiti Bose và Dhruv Kapoor, vận hành nền tảng kinh doanh trực tuyến giúp các nhà cung cấp trong ngành thời trang kết nối trực tiếp với các thương hiệu, nền tảng này giúp giảm bớt chi phí sản xuất bởi vì những khâu trung gian đã bị loại bỏ. Việc Mỹ tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đã thúc đẩy ngành sản xuất hàng may mặc di dời khỏi Trung Quốc và chuyển đến các quốc gia ở Đông Nam Á, những quốc gia này vốn là “sân sau” của Zilingo.
“Những quốc gia như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia và Indonesia đã trở thành những trung tâm sản xuất hàng thời trang, vậy nên đây là thời điểm rất thích hợp”, Ankiti Bose, Giám đốc điều hành (CEO) của Zilingo, cho biết trong một bài phỏng vấn vào tuần trước.
“Khi mọi người không muốn lấy nguồn hàng trực tiếp từ Trung Quốc vì lo ngại cuộc chiến thương mại thì một cửa sổ cơ hội sẽ được mở ra”, bà Bose nói. “Những quốc gia khác đã lấp đầy khoảng trống rất nhanh, và chúng tôi được cho phép làm điều đó và được hưởng lợi trực tiếp”.
Cửa sổ cơ hội đó mở ra vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của xu hướng di dời các cơ sở sản xuất hàng hóa từ Trung Quốc đến những quốc gia có chi phí thấp hơn như các nước Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ và Bangladesh ở Nam Á.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan lên gần một nửa số hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, đó là đòn cảnh cáo của Washington khi muốn thúc ép Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa và giải quyết những vấn đề thương mại kéo dài, kể cả việc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ bắt buộc để có thể được hoạt động ở Trung Quốc đại lục.
Bài hùng biện “Made in America” (Sản xuất tại Mỹ) của chính quyền Trump cũng đem lại lợi ích cho Zilingo bởi vì nhiều thương hiệu Mỹ có ý muốn di chuyển cơ sở sản xuất hiện tại khỏi Trung Quốc đã quyết định lấy nguồn hàng trực tiếp từ các nhà máy ở Đông Nam Á. Chiến lược này cho phép các công ty ở Đông Nam Á được vận chuyển hàng hóa sang Mỹ mà không phải chịu gánh nặng thuế quan cao do Mỹ áp lên hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Bối cảnh trên đã đem lại lợi ích cho hơn 4,000 nhà máy mà Zilingo hiện đang hợp tác trong khu vực.
Nền tảng trực tuyến của Zilingo cung cấp một loạt nhà máy và nhà cung cấp cho các thương hiệu trong ngành thời trang. Chuỗi cung ứng này bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ như là quản lý hàng tồn kho, hóa đơn, hậu cần và thanh toán.
Zilingo sẽ kiếm được lợi nhuận bất cứ khi nào có một thỏa thuận được môi giới thành công hoặc một giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng của công ty. Mô hình kinh doanh của Zilingo đã loại bỏ một cách hiệu quả nhiều đơn vị trung gian mà các thương hiệu và nhà máy thường phải sử dụng để hợp tác với nhau. Nền tảng này còn giúp đảm bảo rằng lợi nhuận sẽ được chia đều hơn nữa giữa các nhà cung cấp trong ngành thời trang.
Hiện tại, 80% doanh thu của Zilingo đến từ hoạt động kinh doanh giúp kết nối các thương hiệu với các nhà cung cấp ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh. Gần đây, dịch vụ này đã được ra mắt ở Mỹ để thu hút nhiều thương hiệu Mỹ sử dụng mạng lưới nhà cung cấp của Zilingo hơn.
Công ty khởi nghiệp này còn vận hành dịch vụ thương mại điện tử dành cho người tiêu dùng ở sáu thị trường châu Á-Thái Bình Dương – trong đó có Philippines, Indonesia và Thái Lan – đây là nơi mà công ty này bán ra cả những sản phẩm của các thương hiệu lớn lẫn những mặt hàng của các công ty nhỏ hơn.
Công ty Zilingo đã huy động được hơn 300 triệu USD tiền tài trợ, với ý định trở thành một “kỳ lân” – từ được dùng để chỉ những công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD.
Bà Bose nói rằng một trong những lý do chủ yếu khiến nhiều nhà máy ở Đông Nam Á và Nam Á hợp tác với Zilingo là bởi vì công nghệ mà công ty cung cấp cho họ.
“Ở Trung Quốc, các nhà máy đã sử dụng công nghệ để sản xuất”, bà Bose nói. “Phần còn lại của châu Á vẫn đang cố bắt kịp Trung Quốc trong chuyện này”.
Việc giúp các hoạt động của nhà máy được kỹ thuật số hóa, các nhà cung cấp và thương hiệu kết nối với nhau dễ dàng hơn đã cung cấp những dữ liệu quý giá về độ uy tín của Zilingo, điều này cũng đã khiến công ty khởi nghiệp này thành lập nên mảng công nghệ tài chính.
Công ty Zilingo cho các công ty thuộc nền tảng của họ vay vốn lưu động, có rất nhiều công ty trong nền tảng không thể nhận tiền tài trợ từ các tổ chức tài chính truyền thống. Đối với những công ty không đáp ứng được điều kiện cho vay của Zilingo, Zilingo có thể cung cấp dữ liệu tài chính của những người dùng này cho những công ty cho vay tiềm năng khác.
Bà Bose nói Zilingo đang tìm cách tách mảng kinh doanh công nghệ tài chính thành một công ty riêng trong vòng 12-18 tháng tới.
“Các doanh nghiệp không muốn được tài trợ, cũng không muốn được giảm giá”, bà Bose nói. “Họ muốn tín dụng, họ muốn bảo đảm, họ muốn có nguồn tài chính bền vững và ổn định cho việc kinh doanh. Sẽ không có gì quyền lực hơn việc trao cho các công ty có ý tưởng tốt quyền được tiếp cận với nguồn vốn”.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|