Ông Trump: Tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm vì hàng rào thuế quan của Mỹ
Hôm thứ Hai (15/07), Tổng thống Mỹ Donald Trump xem đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy hàng rào thuế quan đã phát huy tác dụng và cảnh báo Washington có thể gây thêm áp lực khi các cuộc đàm phán thương mại song phương diễn ra.
* Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.2%, yếu nhất trong 27 năm
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Trong ngày thứ Hai (15/07), Cục Thống kê Trung Quốc cho biết trong giai đoạn tháng 4-6/2019, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.2% so với cùng kỳ năm trước, cũng trùng khớp với dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Con số tăng trưởng của quý 2/2019 là mức tăng trưởng yếu nhất của Trung Quốc kể từ quý 1/1992 – thời điểm dữ liệu hàng quý được ghi nhận lại, theo Reuters.
Trong quý 1/2019, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.4% so với cùng kỳ năm trước. Xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài hơn 1 năm qua đang gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Dữ liệu trong ngày thứ Sáu (12/07) cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2019 của Trung Quốc suy giảm so với cùng kỳ năm trước, do Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm tốc.
“Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn tiến tới thỏa thuận với Mỹ và ước rằng giá như họ không phá vỡ thỏa thuận lúc đầu”, ông Trump tweet.
Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer có thể đi tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại nếu các cuộc trao đổi qua điện thoại trong tuần này có kết quả tốt.
“Chúng tôi cho là sẽ có thêm một cuộc điện đàm giữa các trưởng đoàn đàm phán trong tuần này và nếu đạt được tiến triển to lớn, tôi nghĩ nhiều khả năng chúng tôi sẽ tới Trung Quốc sau đó”, ông Mnuchin cho biết tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng trong ngày thứ Hai (15/07).
Vào cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thuế quan và nối lại đàm phán thương mại. Tuy nhiên, cả hai bên không đưa ra khung thời gian cụ thể cho quá trình đàm phán.
Trong khi đó, tuần trước, ông Trump than thở Trung Quốc khiến ông thất vọng khi không thực hiện lời hứa tăng cường mua nông sản của Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc chỉ cho biết họ đang cân nhắc mua thêm đậu nành, bắp ngô và thịt heo của Mỹ như một động thái thể hiện sự thiện chí, nhưng tổng khối lượng mua sẽ phụ thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại.
Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ thông báo mua một lượng lớn nông sản Mỹ, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với các phóng viên trong ngày thứ Hai (15/07), ngụ ý đây là động thái cần thiết để các cuộc đàm phán giữa hai bên đạt tiến triển. “Chúng tôi mong Trung Quốc sẽ sớm thông báo mua một lượng lớn nông sản và dịch vụ từ Mỹ”, ông Kudlow cho hay.
Góp phần gây thêm áp lực lên Trung Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ sớm ký sắc lệnh yêu cầu phải mua tới 95% lượng sắt và thép của các công ty nội địa Mỹ trong các kế hoạch mua sắm liên bang, tăng từ mức 50% như hiện nay, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết.
Động thái trên được đánh giá là một tín hiệu cảnh báo của ông Trump đối với Trung Quốc. Theo tính toán của Reuters, sản lượng thép thô được sản xuất hằng ngày của Trung Quốc đã đạt kỷ lục vào tháng 6, ngay cả khi nước này đưa ra các lệnh hạn chế sản xuất để giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Tuần trước, ông Navarro cho biết ông Mnuchin và ông Lighthizer sẽ đến Bắc Kinh “trong tương lai rất gần”, nhưng chưa thông báo ngày cụ thể.
Ông Mnuchin sẽ đến Pháp trong tuần này để tham dự cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính của nhóm G7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|